“Quyền lựa chọn” trong thu hút FDI trên thực tế đã được nhắc tới rất nhiều vào thời điểm Việt Nam tổng kết thu hút 25 năm thu hút FDI. Bởi khi ấy, sau giai đoạn chạy đua trải thảm đỏ thu hút FDI, các nhà hoạch định chính sách và dư luận xã hội đã hiểu ra rằng, không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá nữa.
“Quan điểm của Chính phủ là không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã một lần nữa khẳng định điều này tại phiên họp báo chuyên đề của Chính phủ về nguyên nhân cá chết ở 4 tỉnh ven biển miền Trung hôm 30/6/2016.
Cũng theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, sau tổng kết 25 năm thu hút FDI, các định hướng mới trong thu hút FDI đã được nhất quán. Đó là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
“Tôi xin nhắc lại là thân thiện với môi trường. Đây là định hướng rất quan trọng trong Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ về thu hút FDI”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định.
Điều đó có nghĩa rằng, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện quyền lựa chọn của mình. Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, điều đáng lo ngại là “quyền lựa chọn” đó không thuộc ở Trung ương nữa, mà thuộc về các địa phương thông qua cơ chế phân cấp quản lý đầu tư. “Các tỉnh, ban quản lý các khu công nghiệp được quyền lựa chọn những dự án cho mình, do đó, không thực thi quyền lựa chọn và không biết quyền lựa chọn”, ông Nguyễn Mại nói.
Thực tế, sau tổng kết 25 năm thu hút FDI, không ít địa phương đã nói không với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những ám ảnh thành tích vẫn luôn khiến các địa phương dành nhiều ưu ái cho các dự án quy mô lớn, mà không lường trước những tác động khôn lường tới môi trường.
Chuyện của Formosa, vì thế, theo GS-TSKH Nguyễn Mại là một bài học mà từ đó, Việt Nam phải rút kinh nghiệm sâu sắc để không lặp lại những “thảm họa” như trên.
“Một sự kiện xảy ra là điều đáng tiếc và các cơ quan của Nhà nước, của Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm, coi đây là một bài học để rà soát theo từng chức năng nhiệm vụ của mình để bảo đảm việc thu hút FDI vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã nhấn mạnh như vậy.
Vậy kinh nghiệm sâu sắc đó là gì, và Việt Nam phải thực hiện “quyền lựa chọn” của mình như thế nào? Câu trả lời được GS-TSKH Nguyễn Mại nhắc đến, đó là Chính phủ nên xem xét lại là có nên tiếp tục đầu tư một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hay không. Lọc hóa dầu, xi măng, dệt nhuộm là những lĩnh vực được GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng ,cần cẩn trọng trước khi gật đầu với các đề xuất của các nhà đầu tư.
“Xuất khẩu xi măng không phải là một giải pháp tốt. Bởi cùng với sản xuất xi măng là bao nhiêu ngọn núi, hàng trăm triệu tấn đá bị mất đi, mà hậu quả của nó sẽ là những ảnh hưởng bất lợi tới khí hậu, hệ sinh thái…”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Trên thực tế, để đón đầu cơ hội do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại, nhiều dự án xơ sợi, dệt nhuộm cũng đã được đầu tư tại Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhiều lần cảnh báo các địa phương khi lựa chọn các dự án này, bởi có thể gây ô nhiễm môi trường, cũng giống như từ năm 2008 đã từng cảnh báo nguy cơ ô nhiễm nếu lựa chọn Dự án Formosa. Lời cảnh báo đã luôn được đưa ra, điều quan trọng là các địa phương có đủ tỉnh táo để lựa chọn dự án nào là phù hợp hay không.
Câu chuyện cũng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhắc tới, đó là phải thận trọng đối với các dự án có tác động liên vùng, cũng như phải gửi thông điệp để các nhà đầu tư hiểu rằng, Việt Nam không chấp nhận trả giá bằng môi trường.
“Khi Việt Nam quyết tâm bảo vệ môi trường như tuyên bố của mình, những dự án sạch sẽ tìm đến. Thắt chặt cấp phép dự án, số lượng có thể ít đi, nhưng chất lượng sẽ tốt hơn”, bà Phạm Chi Lan nói.
Bài học của Formosa rõ ràng cho thấy, đã đến lúc Việt Nam phải thực hiện tốt hơn và triệt để hơn nữa “quyền lựa chọn” của mình. Nhưng chỉ lựa chọn thôi chưa đủ, câu chuyện hậu kiểm cũng cần phải được đặc biệt quan tâm.
“Nói hậu kiểm thì đơn giản, nhưng thực tế thì không. Để làm được, phải xây dựng được các định mức kinh tế kỹ thuật thật chuẩn để từ đó có cơ sở hậu kiểm”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và cho rằng, nên xem xét việc đánh giá tác động môi trường bằng các hồ sơ dày cộp, mà có thể chỉ do các công ty tư vấn sao chép từ dự án này sang dự án khác.
“Phải có các chuyên gia độc lập, có trình độ để thẩm định các hồ sơ này. Sau đó, phải thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chứ nếu không chúng ta chỉ là hô khẩu hiệu “hậu kiểm” mà thực chất không làm được gì”, GS-TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Theo Đầu tư