Thông tin, tuyên truyền là giải pháp hàng đầu để thay đổi nhận thức, hành vi về triển khai công tác bình đẳng giới

VietTimes -- Đến dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai dự án 03 "Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới" thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thái Nguyên ngày hôm nay 15/11/2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định: Thông tin, tuyên truyền được xác định là giải pháp hàng đầu để thay đổi nhận thức, hành vi về triển khai công tác bình đẳng giới.
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu khai mạc Hội nghị
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, mục tiêu triển khai dự án 03 "Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới" là để giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị, lao động việc làm, giảm dần số vụ bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao vị thế của phụ nữ trong ngành TT&TT, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020. Để đạt được được mục tiêu tổng quát về bình đẳng giới hoạt động truyền thông phải được xác định là một trong những nội dung chính. Thông tin, tuyên truyền có tác động trực tiếp, lâu dài, trên phạm vi toàn xã hội. Do vậy, thông tin, tuyên truyền được xác định là giải pháp hàng đầu để thay đổi nhận thức, hành vi về triển khai công tác bình đẳng giới trên cả nước.
Thứ trưởng chia sẻ: Với hệ thống truyền thông rộng khắp trên cả nước, ứng dụng công nghệ trên hạ tầng thông tin hiện đại, giá dịch vụ hợp lý, người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nói riêng hiện có nhiều hình thức, công cụ để tiếp cận được với các thông tin pháp luật, an sinh xã hội cũng như các dịch vụ trợ giúp khi cần thiết.
Hiện nay 100% các đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được quan tâm triển khai với nhiều chương trình, sản phẩm truyền thông có hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với các nhóm đối tượng, vùng, miền nhằm thực hiện tốt mục tiêu phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội.  Ngành TT&TT cũng góp phần vào hiện thực hóa mục tiêu 100% người có nhu cầu hỗ trợ về bình đẳng giới được tiếp cận ít nhất một dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới, với ví dụ điển hình là hỗ trợ triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đầu số 111 để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em..
Hưởng ứng và hòa chung với các ngành, các địa phương trên cả nước, Bộ TT&TT đã phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Thời điểm của tháng hành động càng ý nghĩa hơn khi hoạt động này còn gắn liền với Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11). Thứ trưởng Phan Tâm kêu gọi mọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành TT&TT tích cực hưởng ứng, tham gia và tuyên truyền, lan tỏa trong cộng đồng chủ trương đúng đắn này.
Để công tác bình đẳng giới ngày càng có  kết quả và đi vào chiều sâu, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ TT&TT, Công đoàn TT&TT hướng dẫn các đơn vị trong ngành triển khai một số hoạt động cụ thể như: Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động trong Tháng hành động năm 2018 tại đơn vị; Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động năm 2018 tại đơn vị với các hình thức, hoạt động tùy vào tình hình cụ thể của đơn vị; Tổ chức tuyên truyền về chủ đề, các thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động tại đơn vị thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt tập thể…; Tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, giao lưu văn nghệ, thể thao về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động năm 2018; gặp mặt và biểu dương những điển hình và điểm sáng trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới...