Thông điệp lịch sử của Tổng thống Putin về thế giới và nước Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Trong bài tham luận tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên khai mạc ngày 20/1/2021, Tổng thống Nga V.Putin gửi đi bản thông điệp lịch sử của ông về thế giới và về nước Nga .
Giáo sư Klaus Schwab (phải) và Tổng thống Nga V.Putin (trái) tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2021(Ảnh: Văn phòng báo chí của Tổng thống Nga V.Putin)
Giáo sư Klaus Schwab (phải) và Tổng thống Nga V.Putin (trái) tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2021(Ảnh: Văn phòng báo chí của Tổng thống Nga V.Putin)

Lời mời của giáo sư Klaus Schwab-Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2021

Trong lời mời và giới thiệu Tổng thống Nga V.Putin phát biểu tham luận, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới, giáo sư Klaus Schwab, nhận định rằng thế giới đang trải qua giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt lịch sử, trong đó có nhiều cơ hội và khả năng để chuyển từ kỷ nguyên đối đầu sang kỷ nguyên hợp tác. Trong tháng 6/2020, giáo sư Klaus Schwab đã từng cho xuất bản chuyên luận với tựa đề “Đại dịch Covid-19-cuộc tái cấu trúc vĩ đại” của thế giới, trong đó ông đưa ra nhận định rằng nhân loại đã bước sang một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên hậu Covid-19.

Mời Tổng thống Nga V.Putin phát biểu tham luận, giáo sư Klaus Schwab chia sẻ quan điểm rằng lúc này trên thế giới đang hình thành nhiều xu hướng khác biệt và nhiều cách tiếp cận khác nhau. Do đó, Diễn đàn kinh tế thế giới đang rất cần có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và trung thực để giải quyết các vấn đề chung của toàn nhân loại, trước hết là bàn thảo các biện pháp để đưa thế giới thoát ra khỏi kỷ nguyên phân cực và cô lập.

Vì thế, giáo sư Klaus Schwab cho biết, các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay rất muốn được nghe bài phát biểu của Tổng thống Liên bang Nga-một cường quốc thế giới có vai trò quan trọng đã từng có truyền thống nhiều năm tham dự diễn đàn này. Giáo sư Klaus Schwab nói: “Chúng tôi rất quan tâm và muốn được biết quan điểm của Ngài, của nước Nga, về tình hình thế giới hiện nay và cần phải làm gì để nhân loại có thể được sống trong điều kiện hòa bình và thịnh vượng”.

Những thông điệp chính trong bài tham luận của Tổng thống Nga V.Putin

Nhận định về thế giới, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, không thể không nhận thấy rằng nhân loại đang trải qua những chuyển dịch sâu sắc và căn bản trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và công nghệ trên pham vi toàn cầu. Đại dịch Covid-19 có tác động đẩy nhanh những chuyển dịch đó, làm sâu sắc hơn những mâu thuẫn và sự mất cân đối gần như trong tất cả các lĩnh vực phát triển của thế giới đã từng tích tụ trước khi đại dịch bùng phát.

Tổng thống V.Putin đánh giá cao và đồng tình với nhận định của một số chuyên gia cho rằng tình hình thế giới đương đại có nhiều nét tương đồng với tình hình thế giới trong những năm 1930 xét theo các tham số như phạm vi và tính chất phức tạp có tính hệ thống của những thách thức và nguy cơ tiềm tàng. Đó là: (i) cuộc khủng hoảng các mô hình phát triển cũ và các thể chế phát triển kinh tế; (ii) sự phân cực xã hội ngày một sâu sắc trên phạm vi toàn cầu cũng như trong từng quốc gia; (iii) hình thành các quan điểm xã hội khác biệt nhau; (iv) sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa cực đoan; (v) sự gia tăng căng thẳng về chính trị ngay cả trong các nước phát triển hàng đầu thế giới; (vi) các thể chế quốc tế đang mất dần hiệu lực; (vii) xung đột bùng phát với tần suất lớn; (viii) hệ thống an ninh toàn cầu rơi vào trạng thái trì trệ.

Về cuộc khủng hoảng các mô hình phát triển, trong chuyên luận “Covid-19: cuộc tái cấu trúc vĩ đại”, giáo sư Klaus Schwabũng đưa ra nhận định rằng, đại dịch Covid-19 đánh dấu bước ngoặt của lịch sử loài người và phân chia thế giới thành hai kỷ nguyên: kỷ nguyên trước và sau Covid-19.

Trong kỷ nguyên hậu Covid-19, không chỉ Mỹ mà là toàn bộ chủ nghĩa tư bản thế giới sẽ phải thay đổi mô hình phát triển trong trật tự thế giới đa cực. Trước đó, Báo cáo trung tâm tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2020 cũng đã từng đưa ra dự báo, chủ nghĩa tư bản đang đứng trước ngã rẽ lịch sử, trong đó đã đến lúc phải đổi mới mô hình phát triển. Hiện nay trên thế giới đang vận hành ba mô hình chủ nghĩa tư bản. Đó là mô hình chủ nghĩa tư bản cổ đông đang được hầu hết các công ty và tập đoàn Phương Tây áp dụng, mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước đang được áp dụng ở Trung Quốc và một số nước ở châu Á và mô hình chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm xã hội, hoặc chủ nghĩa tư bản toàn diện.

Theo mô hình chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm xã hội, các công ty tư nhân tự coi mình là người được xã hội ủy thác và do đó các hoạt động của họ không chỉ nhằm thu được lợi nhuận cao và hiệu quả kinh tế lớn mà còn phải hướng tới khắc phục hậu quả tiêu cực đối với xã hội và môi trường. Hiện nay, chủ nghĩa tư bản cổ đông đang dần được thay thế bởi chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết tốt hơn các vấn đề xóa đói giảm nghèo, chống tham nhũng và bảo vệ môi trường. Để đáp ứng yêu cầu phát triển chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm xã hội, Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2020 đã cập nhật phiên bản Tuyên ngôn của WEF được công bố vào năm 1973, trong đó xác định mục tiêu tổng quát của các công ty trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Liên quan tới tình hình thế giới, Tổng thống V.Putin đề cập đến quyết định của Mỹ và Nga gia hạn Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (New START). Theo ông, đây chắc chắn là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, giữa Mỹ và Nga đang tích tụ và leo thang căng thẳng do mâu thuẫn và bất đồng về nhiều vấn đề trong quan hệ song phương cũng như của thế giới. Theo Tổng thống V.Putin, lịch sử đã ghi nhận, sự bất lực và không sẵn sàng giải quyết những mâu thuẫn và bất đồng tương tự trong những năm 1930 của thế kỷ XX đã dẫn tới thảm họa Chiến tranh thế giới thứ II. Tất nhiên, trong điều kiện hiện nay, một cuộc xung đột “nóng” toàn cầu như vậy sẽ không thể xảy ra vì nó đồng nghĩa với sự hủy diệt nền văn minh. Tuy nhiên, hiện nay tình hình có thể diễn biến một cách khó lường và không thể kiểm soát được nếu không hành động để ngăn chặn.

Trả lời câu hỏi của giáo sư Klaus Schwab về quan hệ giữa Nga và châu Âu, Tổng thống V.Putin cho rằng, xét về bản chất, Nga và châu Âu có một nền văn hóa chung. Nhiều chính khách và nhà hoạt động chính trị-xã hội đã từng đưa ra nhận định rằng cần phải phát triển quan hệ giữa Nga và châu Âu bởi nước Nga là một phần của châu lục này. Xét về khía cạnh địa lý và văn hóa, Nga và châu Âu có chung một nền văn minh. Các đời tổng thống Pháp đã từng nói đến nhu cầu xây dựng không gian thống nhất từ Lisbon đến Ural. Nhưng theo Tổng thống Nga V.Putin, cần mở rộng không gian đó tới Vladivostock ở Viễn Đông của nước Nga.

Xét về khía cạnh kinh tế, châu Âu và Nga là các đối tác tự nhiên. Xét về khía cạnh phát triển khoa học, công nghệ và không gian phát triển đối với văn hóa châu Âu, Nga là quốc gia có nền văn hóa châu Âu có diện tích lãnh thổ lớn hơn toàn bộ châu lục này. Xét về tài nguyên, nước Nga có tài nguyên và tiềm lực con người khổng lồ. Do đó, hợp tác giữa Nga và châu Âu sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Theo Tổng thống V.Putin, điều quan trọng là Nga và châu Âu cần đối thoại với nhau một cách chân thành, chứ không phải đối đầu, cần né tránh tàn dư của quá khứ và hướng về tương lại. Nước Nga đã sẵn sàng cho các cuộc đối thoại như thế. Tổng thống V.Putin đưa ra cách so sánh, cũng như trong tình yêu, sẽ không thể có được tình yêu nếu chỉ có ý định của một phía, mà là phải từ cả hai phía./.