|
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ngoài cùng bên phải) và Giáo sư sử học Lê Văn Lan (ngoài cùng bên trái) trao giải cho hai "Trạng Nguyên" Nguyễn Hà Phương (thứ 2 từ trái sang) và Quách Minh Châu (thứ 3 từ trái sang). |
Đó là khẳng định của bà Trịnh Hoài Thu – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục tại Lễ vinh danh và trao giải sân chơi giáo dục tực tuyến “Trạng nguyên tiếng Việt” năm học 2017-2018 dành cho học sinh tiểu học trên toàn quốc, vừa diễn ra hôm qua (13/5).
Tại Lễ trao giải, qua qua nhiều ví dụ sinh động, những câu đố vui, GS Lê Văn Lan nhắn nhủ các bạn học sinh thông điệp về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. GS Lê Văn Lan cho rằng không chỉ trên mạng xã hội mà ngay cả trong giao tiếp sinh hoạt đời thường, hiện tượng “tiếng ta đá tiếng tây” đang trở nên phổ biến. Dù bao biện thế nào thì hiện tượng này vẫn ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt - một trong các yếu tố cơ bản làm nên bản sắc văn hóa dân tộc…
Trải qua 3 năm tổ chức, sân chơi, cuộc thi đã được triển khai rộng khắp trong cả nước từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2018 với gần 2 triệu học sinh tham dự.
Đây là lần đầu tiên học sinh tiểu học có 1 sân chơi riêng biệt về Tiếng Việt với hình thức thi được mô phỏng theo các kỳ thi Khoa Bảng thời xưa (bao gồm thi Hương - Cấp trường, thi Hội- Cấp tỉnh, thi Đình- Cấp toàn quốc). Nội dung kiến thức học, thi là môn tiếng Việt theo chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bài thi được thiết kế nhằm kích thích tư duy sáng tạo của trẻ với các dạng: đề trắc nghiệm, điền vào chỗ trống, sắp xếp, hoàn thành phép tính, ô chữ…
Các đề này được cấu tạo thành 12 dạng bài thi tương ứng với 12 con giáp, thể hiện trên nền 12 cảnh đẹp điển hình trải dài trên bản đồ nước Việt, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tình yêu với truyền thống, văn hóa dân tộc. Cảnh đẹp Việt Nam trong các bài thi gồm: Tháp Rùa, Văn Miếu, chợ Bến Thành, Vịnh Hạ Long, kinh thành Huế, nhà Rông Tây Nguyên, mũi Cà Mau, hang Sơn Đoòng, ruộng bậc thang, đảo Trường Sa - Hoàng Sa, trống đồng Đông Sơn…
Bên cạnh tính giáo dục, bổ sung kiến thức văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc, sân chơi học thi Trạng Nguyên tiếng Việt này còn giúp học sinh, phụ huynh và nhà trường dễ dàng tiếp cận được mô hình học và quản lý bài giảng, quản lý năng lực học sinh một cách tiên tiến. Hệ thống đề thi, điểm thi được cập nhật liên tục trên website trangnguyen.edu.vn, học sinh, phụ huynh và Thầy cô giáo có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi để học tập, tra cứu và quản lý học sinh như một hình thức sổ liên lạc điện tử…
Từ sự hội tụ những tinh hoa, ưu việt, sáng tạo của những chương trình học thi trên internet khác, ngay sau khi ra mắt, sân chơi học, thi tiếng Việt trangnguyen.edu.vn đã nhanh chóng được đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh tiểu học cả nước quan tâm sử dụng. Riêng cuộc thi năm nay đã thu hút 37.000 thí sinh từ 41 tỉnh thành tham dự.
Sân chơi Trạng nguyên tiếng Việt trangnguyen.edu.vn là chương trình học, thi trực tuyến trên internet được phát triển với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hình thức học, thi phong phú, sáng tạo và đậm chất văn hóa, truyền thống dân tộc, dễ dàng khơi dậy hứng thú học tập và kích thích sự sáng tạo, phát triển tư duy ngôn ngữ, kiến thức văn hóa, lịch sử truyền thống cho học sinh tiểu học.
Để học sinh được phát triển toàn diện 3 môn học chính (Toán, Ngoại ngữ, Tiếng Việt) theo chương trình học của Bộ GD&ĐT, sân chơi trangnguyen.edu.vn này cũng cung cấp hệ thống bài giảng và phần học tập tự luyện của 2 môn Toán, Tiếng Anh với cùng công nghệ tiên tiến và hình thức sáng tạo khiến học sinh không cảm thấy nhàm chán mà trở nên ham học hơn.
Hơn 50 năm trước, khi phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) số 4 năm 1966: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa; đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học mà những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... và những nhà văn, nhà thơ ngày nay ở miền bắc và miền nam đã nâng lên đến trình độ rất cao về nghệ thuật”.