Thời kỳ hưng thịnh của Thung lũng Silicon sắp kết thúc?

VietTimes – Giá trị của nhiều gã khổng lồ sụt giảm, nhận thức người dùng thay đổi, ngày càng có nhiều rào cản từ các nhà lập pháp. Liệu thời kỳ hưng thịnh của Thung lũng Silicon sắp kết thúc?
Ảnh: The Guardian

Việc cắt giảm nhân sự liên tục tại Snapchat, sự xuống dốc đáng kể trên sàn chứng khoán của Meta và Apple cũng như việc đóng băng tuyển dụng tại các công ty Big Tech khác đã khiến giới chuyên môn đặt ra câu hỏi: Liệu kỷ nguyên vàng của Thung lũng Silicon sắp kết thúc?

Các chuyên gia cho rằng việc nhận định vấn đề này là rất phức tạp. Ngành công nghiệp công nghệ đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong một thời gian, được củng cố trong những năm gần đây bởi một đại dịch buộc hầu hết thế giới phải trực tuyến và khiến nhu cầu về các dịch vụ công nghệ bùng nổ. Mặc dù vậy, sự bùng nổ này dường như đang chậm lại.

Bà Margaret O’Mara, giáo sư tại Đại học Washington và là tác giả cuốn sách The Code: Silicon Valley and the Remaking of America cho biết: “Bữa tiệc này không thể tiếp diễn mãi mãi. Theo nhiều cách, chúng tôi (Thung lũng Silicon) chỉ đang trở lại bình thường sau một cuộc chạy đua lớn khi xu hướng người dùng trở nên khó đoán định."

Những xu hướng đó càng trở nên trầm trọng hơn bởi một cuộc suy thoái toàn cầu lớn hơn – một trong những xu hướng mà thế giới công nghệ không thể tránh khỏi, bà nói thêm. Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất ba lần vào năm 2022 và dự kiến ​​sẽ có nhiều lần tăng hơn nữa trong tương lai.

Môi trường lãi suất thấp trước đây đã thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ, giúp tạo ra một cuộc diễu hành của các “kỳ lân” – những công ty có định giá hơn 1 tỉ USD. Các ví dụ đáng chú ý bao gồm Airbnb và Uber – được định giá 47 tỉ USD và 82 tỉ USD tại các đợt phát hành của họ. Nhưng khi lãi suất thay đổi, bà O’Mara nói, sẽ có “ít tiền hơn” và các nhà đầu tư sẽ đầu tư “theo cách thận trọng hơn nhiều.”

“Một số nhà đầu tư nhất định vẫn sẽ có lượng tiền lớn nhưng trong thời điểm suy thoái như hiện tại, dòng giao dịch sẽ nguội dần,” bà nói.

Đà tăng trưởng nhanh cũng bị kiềm chế bởi hàng loạt câu chuyện cảnh giác, từ sự lao dốc của WeWork đến sụp đổ Theranos, công ty xét nghiệm máu nổi tiếng nhờ truyền thông và được định giá hơn một tỉ USD trước khi bị phát hiện rằng các tuyên bố của họ không đúng sự thật.

Ngành công nghệ cũng ngày càng bị giới quản lý xem xét, từ các cáo buộc nhằm vào Facebook tới hàng loạt cuộc điều trần của giới lãnh đạo công nghệ trước quốc hội Mỹ. Điều đó càng khiến hình ảnh của Thung lũng Silicon bị ảnh hưởng. Ngay cả những người ủng hộ của Facebook, trong đó có cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng đang xem xét lại quan điểm. Ông từng sử dụng triệt để Facebook trong chiến dịch tranh cử năm 2008 và ca ngợi công ty trong Thông điệp liên bang năm 2011, nhưng giờ liên tục chỉ trích mạng xã hội này vì phát tán tin giả.

Ông Obama nói: “Một trong những lý do lớn nhất dẫn đến sự suy yếu của nền dân chủ là sự thay đổi sâu sắc diễn ra trong cách chúng ta giao tiếp và sử dụng thông tin."

Các nhà lập pháp và các cơ quan liên bang của Hoa Kỳ hiện đã nhảy vào cuộc. Với hành động ngày càng tăng từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và luật pháp từ Quốc hội, Big Tech có thể đang phải đối mặt với những trở ngại lớn chưa từng có.

Nhận thức của công chúng về công nghệ nói chung cũng đã thay đổi, với 68% người Mỹ nói rằng họ tin rằng các công ty công nghệ có quá nhiều quyền lực và ảnh hưởng trong nền kinh tế – tăng từ 51% vào năm 2018.

Thung lũng Silicon mở rộng ra khỏi California

Vị trí địa lý của Thung lũng Silicon cũng đang thay đổi. Khu vực này từng gói gọn trong một vùng ở phía nam thành phố San Francisco tại bang California. Nó bắt đầu trở thành trung tâm công nghệ khi quân đội Mỹ thành lập những cơ sở nghiên cứu tại đây từ thập niên 1930. Xu thế này được chuyển sang lĩnh vực tư nhân trong vài thập kỷ sau đó.

Nhưng ngành công nghiệp công nghệ đã và đang mở rộng ra ngoài Vùng Vịnh của California – một xu hướng được đẩy nhanh khi đại dịch diễn ra. Năm 2021, công ty sản xuất ô tô điện Tesla chuyển trụ sở đến Austin, Texas, sau những động thái tương tự từ các công ty công nghệ khác như Oracle và Hewlett-Packard.

Điều này cũng đã được phản ánh trong việc tuyển dụng, ông Brent Williams, người làm việc tại cơ quan tuyển dụng Michael Page, cho biết "ngành công nghệ gọi xu hướng này là mùa đông của đầu tư mạo hiểm."

“Covid đã thay đổi mọi thứ”, ông Williams nói. “Các doanh nghiệp giờ đây phải cạnh tranh nhau để thu hút nhân tài, vì họ không chỉ đối đầu với những công ty ở California mà còn với toàn bộ các tập đoàn trên khắp Hoa Kỳ.”

Xu hướng này, cùng với sự gia tăng chính sách làm việc tại nhà cũng ảnh hưởng lớn đến BigTech khi các công ty công nghệ đầu tư hàng tỉ USD vào khuôn viên rộng lớn của họ, cung cấp cho nhân viên các đặc quyền như đưa đón đến nơi làm việc và các bữa ăn ngay tại nơi làm việc.

"Thung lũng Silicon vẫn vô cùng vững chắc"

Giáo sư kinh tế Nicholas A Bloom của Stanford cho biết: “Bất chấp danh sách rào cản ngày càng tăng, thung lũng Silicon vẫn vô cùng vững chắc.” Nó đã phải chịu đựng "nhiều chu kỳ", bao gồm cả suy thoái vào năm 2001 và 2008 và đã phục hồi mỗi lần, ông nói thêm.

Ông nói: “Một số công ty có thể chuyển đi vì chính sách làm việc tại nhà và toàn cầu hóa, nhưng Thung lũng Silicon vẫn là tâm điểm chưa có nơi nào thay thế.”

Thật vậy, bà O’Mara cho biết, chúng ta khó có thể tìm kiếm nơi nào thay thế được thung lũng Silicon.

“Vùng Vịnh và San Francisco có sức hút bền bỉ và những phẩm chất đặc biệt khó có thể tái tạo ở những nơi khác,” bà nói. "Có một lý do khiến mọi người đến đó để sống – họ muốn ở đó. Điều này vẫn đúng, ngay cả khi California đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở, với việc nhân viên đổ xô đến các bang với mức sống rẻ hơn."

"Nhiều người từng nói quá sớm về sự suy tàn của Thung lũng Silicon. Đây có thể là kết thúc của một giai đoạn hưng thịnh, nhưng khó lòng coi đó là dấu chấm hết của Thung lũng Silicon", bà O’Mara nói thêm.

Theo The Guardian