Thỏa thuận "ăn chia" giữa Tuấn Ân và Điện lực Bình Thuận

Hơn 49 tỷ đồng ngân sách Nhà nước bị rút ruột trong suốt 7 năm, thông qua 26 gói thầu cung cấp thiết bị điện cho Công ty Điện lực Bình Thuận.

Kế thừa thỏa thuận hối lộ

Ngày 20/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân, về tội đưa hối lộ với tổng số tiền hơn 9,4 tỷ đồng và vi phạm quy định về kế toán, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 156 tỷ đồng.

Bốn người bị cáo buộc nhận hối lộ gồm: ông Nguyễn Thành Ngôn - cựu Giám đốc Điện lực Bình Thuận; Trần Ngọc Linh - cựu giám đốc Điện lực Bình Thuận; Trương Tấn Đạt - cựu Phó giám đốc Điện Lực Bình Thuận, và Lê Quang Nghĩa - Trưởng phòng Kế hoạch vật tư thuộc Điện lực Bình Thuận.

Theo kết luận điều tra, năm 2016, Tập đoàn Tuấn Ân cung cấp thiết bị cho PC Bình Thuận (thành viên của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam) với số lượng ít, giá trị nhỏ. Cuối năm 2016, ông Huỳnh Tuấn Ân chủ động gặp ông Trần Ngọc Linh để nhờ tạo điều kiện cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân trúng các gói thầu cung cấp thiết bị.

Ông Huỳnh Tuấn Ân cam kết sẽ chi tiền ngoài hợp đồng 5-6% cho PC Bình Thuận. Trong đó, riêng ông Linh là 1,5% (từ 2019 là 2%). Số tiền này không cố định mà tùy thuộc lợi nhuận của Tập đoàn Tuấn Ân với mỗi gói thầu. Ngoài ra, bị can Ân còn cho ông Linh góp vốn 500 triệu đồng vào Tập đoàn Tuấn Ân làm cổ đông chiến lược. Mỗi năm, ông Linh được trả hơn 20% tiền lãi.

Ông Linh đồng ý và hứa sẽ chỉ đạo ôngTrương Tấn Đạt tạo điều kiện để Tập đoàn Tuấn Ân sẽ trúng thầu. Sau chỉ đạo đó, Trần Thiện Chương (Giám đốc Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân giai đoạn 6/2016–9/2021) và Huỳnh Ngọc Cường (Phó Giám đốc Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân giai đoạn 2015–3/2018) đã gặp ông Linh để xác nhận “thỏa thuận miệng”. Ông Linh sau đó hướng dẫn Chương làm việc trực tiếp với Trương Tấn Đạt.

Ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân. Ảnh: Bộ Công an.

Theo điều tra, Chương đã gặp Đạt, nhắc lại "chủ trương" giữa ông Ân và ông Linh, đồng thời thỏa thuận về mức chi tiền ngoài hợp đồng là 5–6% giá trị các gói thầu, có thể thay đổi tùy theo lợi nhuận. Bị can Trương Tấn Đạt đồng ý, nhưng yêu cầu đảm bảo tỷ lệ hoa hồng tối thiểu 3,5%. Đạt cũng chỉ đạo cấp dưới gồm Tạ Thúc Thông, Nguyễn Hoàng Duy và Nguyễn Tạ Huỳnh trực tiếp liên hệ với lãnh đạo Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân bàn bạc chi tiết các gói thầu.

Trong thời gian ông Linh làm giám đốc, Điện lực Bình Thuận đã "tạo điều kiện" để Tập đoàn Tuấn Ân trúng 23/26 gói thầu, tổng giá trị đã quyết toán là hơn 90,6 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 45 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2021, sau khi ông Linh nghỉ hưu, ông Nguyễn Thành Ngôn được bổ nhiệm làm Giám đốc PC Bình Thuận. Cùng thời điểm, ông Lê Quang Nghĩa thay Trương Tấn Đạt giữ chức Trưởng phòng Kế hoạch – Vật tư.

Lãnh đạo mới của Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân lúc này là ông Nguyễn Trung Quân (giai đoạn 10/2021–12/2023, đồng thời cũng là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân) đến gặp Nguyễn Thành Ngôn để “kế thừa” thỏa thuận trước đó với ông Linh. Sau khi được ông Ngôn đồng ý, Quân và cấp dưới là Tạ Ngọc Huân đến gặp ông Nghĩa để làm việc.

Kết quả điều tra cho thấy tại cuộc gặp này, hai bên thống nhất mức chi ngoài hợp đồng ở mức rất cao – lên tới 21% và 25% giá trị hai gói thầu, tổng trị giá hơn 9,3 tỷ đồng. Đây là hai gói thầu mà Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân đã trúng trong thời kỳ ông Ngôn làm Giám đốc. Sau khi được trúng thầu và thanh toán, Quân và Huân đã đưa tiền cho ông Ngôn như thỏa thuận.

Tập đoàn Tuấn Ân giới thiệu sản phẩm thiết bị thông minh dành cho ngành điện. Ảnh: Tuanan.com

5 thủ đoạn thông thầu

Theo kết luận, từ năm 2017 đến năm 2023, bằng các hành vi trái pháp luật, Tuấn Ân đã trúng 26 gói thầu cung cấp vật tư, phụ kiện thiết bị điện tại Điện lực Bình Thuận. Trong đó 25 gói sản xuất và 1 gói thương mại có vi phạm đấu thầu nhưng không gây thiệt hại. Giá trị trúng thầu là 141 tỷ đồng và đã được quyết toán gần 110 tỷ đồng.

Để thực hiện các sai phạm, Tuấn Ân đã sử dụng một số thủ đoạn. Cụ thể, trước khi phát hành hồ sơ mời thầu khoảng 1 tháng, phía doanh nghiệp sẽ trao đổi với các cá nhân của Điện lực Bình Thuận để biết trước các mặt hàng mua sắm và hồ sơ đặc tính kỹ thuật. Từ đó, Tuấn Ân chuẩn bị các điều kiện lợi thế để đảm bảo trúng thầu.

Hai bên sau đó cùng xây dựng báo giá lập dự toán và thống nhất lựa chọn một số hàng hóa có các đặc tính kỹ thuật điển hình để cài cắm thông số kỹ thuật để thông thầu. Hai bên còn thỏa thuận về việc lựa chọn hình thức đấu thầu mua sắm trực tiếp, trong đó áp dụng giá của hợp đồng đã ký trước đó không quá 12 tháng. Nhưng thực tế nhiều hợp đồng đều sử dụng báo giá của Công ty Cổ phần thiết bị điện Tuấn Ân cung cấp trước đó hơn 1 năm.

Hơn nữa, nhằm bảo đảm lợi thế chắc chắn cho Tuấn Ân trúng thầu, hai bên thông đồng về giá dự thầu của Tuấn Ân sẽ thấp hơn từ 5 đến 8% so với giá dự toán.

Kết luận điều tra xác định Huỳnh Tuấn Ân là người trực tiếp thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện các sai phạm, kể cả việc chi tiền ngoài hợp đồng. Hành vi của Ân đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 49 tỷ đồng tại hơn 20 gói thầu.

Những lần lại quả của Tuấn Ân

Sau khi được quyết toán, Tập đoàn Tuấn Ân chi tiền cho ông Linh, Ngôn và các cá nhân thuộc PC Bình Thuận. Theo kết luận, ông Trương Tấn Đạt là người nhận hối lộ nhiều nhất với 5 lần, tổng số tiền 4,1 tỷ đồng.

Lần đầu tiên tại một quán cà phê ở quận 1, TP.HCM, ông Đạt được phó giám đốc Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân hối lộ số tiền 39 triệu đồng.

Hai tháng sau, tại phòng làm việc của mình, ông Đạt nhận hối lộ số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Các bị can Trần Ngọc Linh; Nguyễn Thành Ngôn; Trương Tấn Đạt; Lê Quang Nghĩa; Tạ Thúc Thông (từ trái qua). Ảnh: Bộ Công an.

Những lần còn lại, ông Đạt nhận hối lộ từ nhân viên, lãnh đạo của Tuấn Ân với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng. Địa điểm đưa, nhận tiền đều là phòng làm việc của ông Đạt.

Người nhận hối lộ nhiều thứ hai là ông Trần Ngọc Linh, với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Việc nhận tiền đều diễn ra tại phòng làm việc của ông Linh, dưới nhiều hình thức và thời điểm khác nhau, nhằm tạo điều kiện cho Tuấn Ân trúng hàng loạt gói thầu cung cấp thiết bị điện.

Lần đầu tiên vào cuối năm 2016, ngay tại phòng làm việc của mình, ông Linh được Trần Thiện Chương hối lộ 100 triệu đồng. Tại cuộc gặp này, lãnh đạo Tập đoàn Tuấn Ân đề nghị được tạo điều kiện giúp trúng các gói thầu và giám đốc Điện lực Bình Thuận đồng ý.

Lần thứ hai cũng tại phòng làm việc của mình, ông Linh tiếp tục được Trần Thiện Chương hối lộ 406 triệu đồng.

Lần 3, vào dịp Tết Nguyên đán 2021, ông Linh nhận thêm 100 triệu đồng, cũng tại phòng làm việc, từ ông Trương Tấn Đạt. Tiền được để trong phong bì màu trắng, mệnh giá 500.000 đồng/tờ.

Lần 4 vào khoảng cuối tháng 10/2021, ông Linh nhận 230 triệu đồng từ ông Tạ Ngọc Huân. Lần này, tiền được đựng trong túi nilon màu xanh.

Lần 5, ông Linh nhận hơn 1,4 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 đến 2020. Số tiền này được chia nhỏ, đưa làm nhiều lần trong năm. Do các gói thầu gối đầu nhau và việc giao nhận tiền không lập chứng từ, các đối tượng không thể xác định rõ từng lần giao dịch hay gắn với gói thầu cụ thể nào. Tuy nhiên, điểm chung là các lần đưa tiền đều diễn ra tại phòng làm việc của ông Linh.

Tiếp đến là ông Nguyễn Thành Ngôn nhận hối lộ tổng số tiền 1,3 tỷ đồng. Cụ thể, lần thứ nhất, vào dịp Tết Nguyên đán 2023 (khoảng tháng 01/2023), ông Ngôn nhận 235 triệu đồng từ ông Nguyễn Trung Quân và Tạ Ngọc Huân, ngay tại phòng làm việc của mình.

Lần thứ hai, vào khoảng ngày 27/10/2023, ông tiếp tục nhận số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, cũng từ hai người trên. Toàn bộ quá trình nhận tiền đều diễn ra tại phòng làm việc của ông Ngôn, với sự tham gia trực tiếp của các cán bộ thuộc Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân.

Còn ông Lê Quang Nghĩa đã nhận tổng cộng 460 triệu đồng. Lần 1 khoảng tháng 5/2021, ông Nghĩa nhận 50 triệu đồng từ ông Nguyễn Thành Ngôn tại phòng làm việc. Lần 2, vào dịp Tết Nguyên đán 2023, ông tiếp tục nhận 200 triệu đồng từ ông Ngôn, cũng tại phòng làm việc. Lần 3, khoảng tháng 10/2023, ông Tạ Ngọc Huân đưa cho ông Nghĩa 210 triệu đồng, chia thành 2 phong bì trắng, mỗi phong bì chứa hai thếp 50 triệu và một thếp 10 triệu đồng.

Ông Tạ Thúc Thông, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch vật tư PC Bình Thuận, nhận tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó chuyển lại cho Tạ Ngọc Huân 300 triệu đồng, còn lại 875 triệu đồng sử dụng cá nhân.

Ông Võ Tấn Thạnh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch vật tư PC Bình Thuận, đã nhận 460 triệu đồng từ các đại diện Công ty Tuấn Ân.

Ngoài các khoản chi cá nhân, nhóm đối tượng còn thống nhất phân bổ số tiền hơn 1,1 tỷ đồng để sử dụng vào các hoạt động chung như đối ngoại, lễ Tết, hội nghị, du lịch, kéo dài từ năm 2017 đến 2023. Số tiền này không xác định được người nhận cuối cùng. Toàn bộ các khoản tiền nhận được đều được sử dụng cho mục đích cá nhân.

Theo kết luận điều tra, ông Trần Ngọc Linh (Giám đốc PC Bình Thuận giai đoạn từ năm 1994 đến tháng 11/2021) khai nhận đã thỏa thuận với ông Huỳnh Tuấn Ân, về việc chi tiền ngoài hợp đồng, đồng thời chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi thông thầu.

Dưới sự chỉ đạo của Linh, Công ty Tuấn Ân trúng 23/26 gói thầu (từ số thứ tự 1 đến 23), với tổng trị giá hơn 90,6 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 45,2 tỷ đồng. Cá nhân ông Linh nhận tổng số tiền 2,329 tỷ đồng từ Tập đoàn Tuấn Ân.

Ông Nguyễn Thành Ngôn, cũng thừa nhận đã kế thừa mô hình chi tiền ngoài hợp đồng từ thời ông Trần Ngọc Linh. Ngôn cùng với ông Lê Quang Nghĩa tiếp tục thỏa thuận với đại diện Tập đoàn Tuấn Ân, cụ thể là ông Nguyễn Trung Quân và Tạ Ngọc Huân, để Công ty này trúng 2 gói thầu (số 25 và 26), tổng giá trị hơn 6,9 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 4,5 tỷ đồng. Ông Ngôn khai đã nhận tổng cộng 1,343 tỷ đồng từ Tập đoàn Tuấn Ân. Các bị can khác cũng thừa nhận hành vi phạm tội.