Vừa đẻ xong dùng phải sữa giả
Trong lúc dư luận chưa hết bàng hoàng trước vụ việc sản phẩm kẹo rau củ Kera bị làm giả thì người tiêu dùng lại tiếp tục nhận được tin “sốc” hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất 573 loại sản phẩm sữa giả và được bán ra thị trường 4 năm qua.
Bấy lâu nay người tiêu dùng luôn tin tưởng vào các sản phẩm sữa này với những công dụng, chức năng được ghi trên các nhãn mác như: Thích hợp cho người trước và sau phẫu thuật, người suy nhược cơ thể, người cần phục hồi dinh dưỡng, người ốm yếu, chán ăn, tiêu hóa kém; sản phẩm giúp cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế tình trạng mệt mỏi; giúp cung cấp protein cho cơ thể, giúp bù đắp phần năng lượng còn thiếu cho cơ thể…

Biên tập viên của VTV Nguyễn Thu Hà chia sẻ trên Facebook cá nhân việc chồng chị sử dụng phải sữa mang nhãn hiệu NitroGen do Công ty Rance Pharma. Ảnh chụp màn hình Facebook nhân vật.
Người tiêu dùng càng có lý do để tin tưởng về chất lượng sản phẩm khi nhiều người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho sản phẩm sữa thuộc hệ sinh thái của Rance Pharma và Hacofood Group. Đáng chú ý hơn, những loại sữa này còn được “tuồn vào” những nơi mà nhiều người nghĩ rằng, sẽ không có chỗ cho “sản phẩm giả”, ví dụ như bệnh viện.
Sản phụ Thu Hương (sinh sống tại Hà Nội) chia sẻ chị là nạn nhân sử dụng phải sản phẩm sữa giả có tên NitroGen khi vừa qua cơn “thập tử nhất sinh” của cơn đau đẻ mổ tại một bệnh viện ở Hà Nội. Thời điểm đó, khi nhập viện chuẩn bị sinh nở, chồng chị được nhân viên ý tế của bệnh viện tư vấn đi mua sữa NitroGen cho vợ.
“Chồng tôi “ậm ừ” cho qua câu chuyện nhưng bác sĩ hỏi đến 3-4 lần về việc mua sữa. Do tâm lý ngại bác sĩ chồng tôi đã theo hướng dẫn của bác sĩ ra hiệu thuốc ở gần bệnh viện để mua sữa với giá 400 nghìn cho 1 hộp 400g. Sau khi vừa mổ sinh con xong, chồng tôi đã pha cho tôi uống sữa này”, chị Hương nói và cho biết ở phòng sau sinh của chị ai cũng được tư vấn mua như vậy.
“Khi biết thông tin sữa mình vừa dùng sau khi sinh là NitroGen là sản phẩm của công ty sản xuất sữa giả vừa được các cơ quan chức năng phát hiện, tôi rất bức xúc và cảm thấy lo cho sức khỏe của bản thân”, chị Hương cho hay.

Không chỉ chị Hương, trên mạng xã hội nhiều người dân cũng bày tỏ sự phẫn nộ khi bản thân hoặc người thân đang rất yếu ớt vì bệnh tật, cần được bồi bổ bằng những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng thì lại dùng phải sản phẩm sữa giả, không đạt chất lượng được tư vấn bởi nhân viên y tế.
Chị Nguyễn Trang (quê ở Hà Tĩnh) bày tỏ bức xúc vì mẹ chị là nạn nhân sử dụng loại sữa giả NitroGen khi mổ tim tại bệnh viện uy tín ở Hà Nội. Theo chị Trang, khi mẹ chị vừa được mổ tim, người nhà chưa được tiếp cận, chị được nhân viên y tế tư vấn, người nhà cần chuẩn bị một số đồ dùng cho bệnh nhân trong lúc nằm ở phòng hậu phẫu, trong đó có sữa.
“Nhân viên y tế nói với tôi nếu “gia đình không có điều kiện đi mua thì ở đây cũng có “combo” đầy đủ, người nhà chỉ việc đóng tiền. Sau khi đóng tiền, mẹ tôi được nhân viên y tế chuẩn bị đồ dùng đầy đủ, sắp vào tủ của bệnh nhân. Lúc mẹ tôi tỉnh dậy, điều dưỡng đã bóc sữa và pha cho uống. Đó là loại sữa NitroGen.
Sau khi mẹ tôi uống được khoảng 2-3 ly, tôi thấy bệnh nhân nằm cùng phòng mẹ tôi được phát sữa cùng hãng nhưng khác màu. Tôi kiểm tra thì phát hiện, mẹ tôi được phát loại sữa dành cho người tiểu đường, trong khi mẹ tôi không hề bị bệnh này. Lo lắng cho sức khỏe của mẹ, tôi gọi người thân tư vấn thì không cho mẹ tôi uống nữa”, chị Trang nói và cho biết khi cơ quan chức năng công bố vụ sữa giả, chị đối chiếu thì phát hiện sữa NitroGen là sản phẩm do công ty Rance Pharma sản xuất.
“Lúc kiểm tra thấy sữa của mẹ từng dùng là NitroGen, cảm giác của tôi lúc đó rất uất ức, căm phẫn khi biết có người kinh doanh hàng giả, kiếm lời trên những người bệnh đang nguy kịch. Đan xen cũng cảm thấy vẫn còn có chút may mắn vì người thân của mình dừng lại kịp thời, không sử dụng thêm. Nhưng chắc chắn có rất nhiều người đã sử dụng sữa giả như gia đình tôi, và trong đó có những người bệnh nghèo khó”, chị Nguyễn Trang bức xúc.
Qua thực tế khảo sát, ghi nhận của phóng viên cho thấy, rất nhiều người tiêu dùng đã phải sử dụng các loại sữa giả được công bố nhưng không hề hay biết. Người ít thì mới sử dụng chưa được 1 hộp, người nhiều thì đã sử dụng đến cả chục hộp và thậm chí nhiều hơn vậy.
“Con tôi uống 4 hộp Cilonmum rồi mọi người ơi” – một tài khoản bình luận trên Facebook về việc đã mua 4 hộp sữa giả Cilonmum. Đi cùng sau đó là tâm lý chung của những người đồng cảnh ngộ khi bất lực cho biết “con mình đã dùng 70 hộp…” - nghĩa là họ đã sử dụng sản phẩm sữa giả này rất lâu cho người thân của mình.
“Quá sợ hãi” là những comment chung của nhiều tài khoản Facebook khi nhìn thấy loạt ảnh các sữa giả được công bố.
Sản phẩm thực phẩm, sữa nội biến mất
Từ thông tin nạn nhân mua phải sữa giả, PV VietTimes đã tìm tới cửa hàng nạn nhân khẳng định từng mua sữa giả ở trên đường Đê La Thành để hỏi mua sữa thì nhân viên bán hàng chỉ giới thiệu, tư vấn các loại sữa ngoại của Đức, Úc. Khi chúng tôi hỏi thêm về hàng sữa nội thì nhân viên bán hàng cho biết những sữa nhập trên là những loại tốt nhất hiện nay mà cửa hàng đang bán, cửa hàng không có sữa nội để tư vấn.

Khảo sát thêm một số cửa hàng sữa khác tại các tuyến phố như Đội Cấn, Hàng Buồm... chúng tôi nhận thấy ngoài một số sản phẩm từ thương hiệu có tên tuổi thì các sản phẩm thực phẩm bổ sung, sữa bột nội khác gần như biến mất. Đi cùng với đó các nhiều dòng sữa nhập khẩu từ nước ngoài cho trẻ em như Nhật Bản, Đức, Australia,… Quan sát, tìm kiếm những mặt hàng sữa giả vừa được các cơ quan chức năng phát hiện, chúng tôi không tìm thấy sản phẩm nào.
Trước thông tin về tình hình sữa giả đang “nóng” trong dư luận nhiều ngày qua, chị Phạm Thị Thu, chủ một cửa hàng bán hàng tạp hóa (trong đó có mặt hàng sữa) lâu năm trên phố Đội Cấn cho biết với những cửa hàng bán sữa chân chính, luôn đặt uy tín lên hàng đầu đối với khách hàng thì không bao giờ nhập sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc.
“Cửa hàng tôi chuyên nhập sữa của các công ty chính hãng và nhập trực tiếp đến cửa hàng để bán. Những mặt hàng trôi nổi trên thị trường, chúng tôi không bao giờ dám lấy về bán bởi nếu có vấn đề gì với khách hàng thì việc buôn bán của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng về lâu dài”, chị Thu nói.
Chị Thu cho biết thêm đã không ít lần gặp những người mua đến cửa hàng chị để tìm các sản phẩm sữa với những tên rất lạ, lần đầu tiên nghe thấy. Theo những người mua hàng thì những sữa đó được hướng dẫn mua cho người thân sau khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện về.
Không thể phủ nhận thị trường hiện nay, nhiều nhãn hàng, cửa hàng kinh doanh những sản phẩm sữa đạt chất lượng, tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Song bên cạnh đó vẫn có một bộ phận cơ sở kinh doanh, buôn bán vì lòng tham, vì đồng tiền mà làm “mờ mắt” lương tâm, sẵn sàng “chà đạp” lên niềm tin, sức khỏe và thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng. Bất chấp mọi thủ đoạn, không quan tâm đến những hậu họa khôn lường có thể gây ra cho người tiêu dùng, trong đó có cả những người yếu thế như bệnh nhân tiểu đường, người suy thận, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai…
Theo báo Nhân dân dẫn thông tin từ cơ quan điều tra, Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group là hai đơn vị cầm đầu trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa bột giả.
Nhằm tạo ra một mạng lưới phân phối rộng khắp, các đối tượng đã thành lập và điều hành thêm 9 công ty khác để cùng tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối, gồm: Công ty cổ phần Dược quốc tế Group, Công ty cổ phần Dược quốc tế Big Four Pharma, Công ty cổ phần Dược quốc tế Long Khang Group, Công ty cổ phần dinh dưỡng y học BFF, Công ty cổ phần Dược quốc tế Safaco Group, Công ty cổ phần Dược quốc tế Darifa Group, Công ty cổ phần Dược quốc tế Win CT, Công ty cổ phần Dược phẩm dinh dưỡng Phúc An Khang, Công ty cổ phần dược Nasaka Á Châu.
Theo đó, một số loại sữa giả phổ biến được nhóm công ty này bán trên thị trường và phân phối như: Cilonmum, Talacmum, Colos 24h Premium, NewSure Colos 24h Kid Plus, Baby Care Colostrum Kid, Bold Milk, Sure IQ Sure Gold, Nance... Do trên thị trường có nhiều loại sữa tên thương hiệu gần giống nhau, nên để tránh nhầm lẫn với các loại sữa chất lượng, người tiêu dùng cần xem kỹ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ khi mua và tuyệt đối không mua các sản phẩm có liên quan đến các công ty kể trên nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

Vụ sản xuất sữa giả: Bộ Công Thương nói trách nhiệm của Bộ Y tế, còn Bộ Y tế nói gì?

Sữa Meiji cảnh báo sản phẩm ở Việt Nam không đạt chuẩn và “có nguy cơ là hàng giả“
