
Giá đất nền vùng giáp ranh nhảy múa
Tại khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc thuộc tỉnh Quảng Nam, khu vực giáp ranh với TP Đà Nẵng mấy ngày nay, các ki ốt giới thiệu bất động sản đã hoạt động sôi động trở lại. Chỉ riêng tuyến đường Nguyễn Gia Thiều, gần trục Đại học y dược Phan Châu Trinh đã có hơn 10 ki ốt môi giới bất động sản mở cửa với nhân viên túc trực thường xuyên.
Anh H.Đ., một nhân viên môi giới trên đường Nguyễn Gia Thiều cho biết giá đất nền tại khu vực đã rục rịch tăng từ sau Tết Nguyên đán và tăng mạnh trong những tháng gần đây khi tin đồn Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ sáp nhập. Tuy nhiên, khi có thông tin sáp nhập chính thức giữa 2 địa phương, giá đất nền cũng đã tăng mạnh hơn.
“Nếu so với thời điểm trước Tết, giá đất nền đang tăng ít nhất là 15-20%, có khu vực đã lên đến 25% sau khi thông tin sáp nhập chính thức đưa ra. Thời điểm này không mua thì đến tháng 6/2025, khi sáp nhập chính thức giá đất còn tăng mạnh hơn nữa. Lúc đó khó có được giá tốt”, anh H.Đ nói.

Còn môi giới khác tên Q.A cho hay, giá đất xung quanh chợ đầu mối Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đang được rao từ 2,1-2,3 tỷ đồng/lô, tăng từ 300-500 triệu đồng/lô so với trước Tết.
“Chỉ sau thông tin sáp nhập được chính thức đưa ra, lô đất từ 1,8-1,9 tỷ đồng/lô không có ai hỏi nay lên 2,1-2,4 tỷ đồng/lô. Đúng là TP trực thuộc Trung ương có khác”, anh Q.A vui nói.
Tương tự, Khu dân cư Đại học Phan Châu Trinh, giáp với khu FPT, giá đất trước khi có thông tin sáp nhập là 3,1 tỷ/lô nhưng sau khi thông tin này được công bố đã được môi giới đưa ra là 3,7 tỷ đồng/lô tùy vị trí, tăng từ 0,5-1 tỷ đồng/lô.
Dạo quanh các khu đất nền giáp ranh Đà Nẵng và Quảng Nam, giá đất nền cũng dao động đáng kể từ 3,3-3,8 tỷ đồng/lô. Đặc biệt, tại khu đô thị FPT phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, giá đất đã được tăng lên từ 3,6-3,8 tỷ đồng/lô. Đơn cử có những vị trí đẹp, giá đã lên đến xấp xỉ 4 tỷ đồng/lô. Riêng khu vực gần quảng trường đã 4,5 tỷ.
Chị M.D, môi giới tại khu vực cho biết, những ngày qua đất khu vực này giao dịch rất sôi động, khách mua rất đa dạng và có khá nhiều khách đến từ Hà Nội và các tỉnh phía bắc.
Người mua cần tỉnh táo
Tuy vậy, theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại các khu vực này, số lượng khách hàng đi mua không nhiều, chủ yếu giá đất được chia sẻ qua lời các môi giới và giá được đẩy lên để nắm bắt cơ hội.
Trước tình trạng giá đất biến động, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh.

Các đơn vị chức năng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng; nắm bắt tình hình các chủ đầu tư dự án mở bán trên địa bàn khi chưa đủ điều kiện để kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường bất động sản.
Đáng chú ý, một số chuyên gia nhận định, cơn sốt đất giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam có thể chỉ là hiệu ứng nhất thời từ tin thông tin sáp nhập. Người mua cần hết sức thận trọng, không nên mua đất theo tâm lý đám đông mà cần cân nhắc kỹ về nhu cầu thật, tính pháp lý, tiềm năng thực sự cũng như khả năng tài chính của mình.
Đối với các khu vực ven Đà Nẵng hoặc giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, nếu sản phẩm chưa có pháp lý rõ ràng thì không nên đầu tư, tránh bị cuốn theo "cơn sốt" giá đất do thông tin sáp nhập, hãy đầu tư dựa trên giá trị thực tế của tài sản.

Tuy vậy, những thông tin tốt từ các chính sách sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam, với bất động sản có giá trị thật, pháp lý đầy đủ phục vụ nhu cầu ở của người dân đang được người mua tìm kiếm. Nhất là thời gian tới, Đà Nẵng bắt đầu tiếp nhận công chức, cán bộ từ Quảng Nam ra ở và làm việc, sẽ là cơ hội thanh khoản đối với bất động sản có giá phù hợp.

Đà Nẵng dự kiến còn 18 đơn vị hành chính cấp xã và 1 đặc khu

Chủ tịch TP Đà Nẵng nói gì về việc hỗ trợ cán bộ thay đổi nơi làm việc khi hợp nhất với Quảng Nam?
