Thỏa sức sáng tạo các sản phẩm IoT trong công nghiệp 4.0

Chủ tịch Cty CP Truyền thông Sơn Ca (Soncamedia) Lê Văn Chính là người đã từng gây “xôn xao” dư luận với quyết định mua bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan với giá 100 triệu đồng khi còn làm Giám đốc Cty điện tử Vitek VTB vào năm 2004.
Ảnh minh họa
Đến năm 2005, sau khi ông thành lập Soncamedia, Cty này lại kích hoạt “quả bom” truyền thông khi quyết định mua 10 nốt nhạc đầu tiên trong ca khúc “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy với giá mỗi nốt 10 triệu đồng. Song câu chuyện Soncamedia ứng dụng phần mềm xử lý big data (dữ liệu lớn) để tự động sáng tác các ca khúc hot, hit trong xu thế công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) thì có lẽ chưa nhiều người biết đến.
Nếu nhìn từ Soncamedia thì doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể tham gia vào công nghiệp 4.0. Nhưng yếu tố quan trọng đầu tiên ở đây là nhận thức về cơ hội để biết nắm bắt thời cơ, không để trôi vuột đi rồi bị rơi vào nguy cơ, nhận lãnh hệ lụy?
- Trong ngành điện tử, xuất khẩu của chúng ta tăng vọt vài chục tỉ USD trong những năm qua nhờ làn sóng đầu tư nhà xưởng của các đại công ty Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan..., kể cả làn sóng di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam nhờ giá nhân công của chúng ta rẻ hơn. Không ai phủ nhận hàng trăm ngàn lao động trong các nhà máy công xưởng mới này có đời sống khá hơn, ngân sách địa phương và trung ương cũng thêm nguồn thu. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá vui mừng với làn sóng đầu tư này. Bởi rồi sẽ có những “vùng đất mới” xuất hiện, giá nhân công rẻ hơn, thuê đất ưu đãi hơn, như Myanmar, Campuchia, thậm chí Châu Phi... Và các đại gia rồi cũng sẽ lần lượt chuyển dịch theo nguyên tắc lợi nhuận.
Trong thời đại toàn cầu hoá, vấn đề cốt lõi là chọn khâu nào, mắt xích nào trong chuỗi cung ứng. Chúng ta nên bớt loay hoay với việc trở thành công xưởng của thế giới, bớt vui mừng khi nhiều đại công ty di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Quyền lựa chọn của chúng ta ít lắm. Mọi việc nằm trong tay các ông chủ nước ngoài. Thời thế của công nghiệp 3.0 sắp đi qua, vì thế chúng ta cần chủ động đi tắt đón đầu bằng cách tạo môi trường và chuẩn bị nguồn nhân lực để tham gia vào chuỗi công việc 4.0. Nó là tương lai, nhưng đã gần, rất gần...
Chủ tịch Cty CP Truyền thông Sơn Ca (Soncamedia) Lê Văn Chính

Mới đây tham quan nhà máy Samsung Thái Nguyên tôi có dịp quan sát khu vực trang bị 4.200 cánh tay robot và được biết nó giúp nhà sản xuất tiết giảm 10% nhân công. Ông nói “gần, rất gần” ở đây là cơ hội, hay nguy cơ?

- Theo tôi là cả hai. Về cơ hội, doanh nghiệp có thể tham gia công nghiệp 4.0 ngay để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh từ đó tăng sức cạnh tranh. Thí dụ trong lĩnh vực thời trang, trí tuệ nhân tạo sẽ biết cách học những cái khó hơn, trừu tượng hơn như sự vận hành của màu chủ đạo trong thời trang: 2016 là thạch bích, 2017 là xanh lá; và cả sự vận hành của “gu” thời trang xuân hè thay thu đông, để đưa ra dự báo các mẫu mã mới.
Các mẫu mã này sẽ được tiếp thị trên không gia ảo là các mạng xã hội. Những mẫu mã được ưa chuộng nhiều sẽ được các phần mềm mô phỏng thiết kế tự động thành các chi tiết bán thành phẩm để lắp ráp tự động thành thành phẩm, đóng gói và giao hàng nhanh nhất đến người mua hàng. Với quy trình như vậy, hàng loạt nhà thiết kế, nhà tạo mẫu; hàng loạt các buổi trình diễn giới thiệu thời trang tốn kém và cả những cửa hiệu thời trang đắt tiền để trưng bày và tiếp thị sẽ dần dần được thay thế. Nhà sản xuất sẽ tiết giảm được biết bao nhiêu là chi phí.
Nhưng cơ hội này cũng song hành với nguy cơ mất việc đối với nhiều người. Trở lại câu chuyện 4.200 cánh tay robot của Samsung Thái Nguyên, bây giờ giúp tiết giảm 10% nhân công nhưng tương lai nếu nhà sản xuất đầu tư trang bị thêm có thể thay thế cho 15%, 20% nhân công hoặc nhiều hơn nữa... Cuối năm 2016, hãng Foxconn chuyên gia công sản phẩm cho Apple sau khi trang bị hàng loạt tay máy robot cho nhà máy tại Trung Quốc cũng đã tinh giảm 60.000 lao động.
Gần đây hơn, hãng Adidas đã sản xuất 500 đôi giày đầu tiên trong một nhà máy hoàn toàn tự động. Với công nghiệp 4.0, tất yếu không chỉ một lượng không nhỏ lao động thủ công sẽ bị thay thế mà cả những lao động có chuyên môn cũng sẽ bị mất việc. Tương lai ngành may mặc và da giày Việt Nam với hơn nửa triệu công nhân cũng khó tránh khỏi xu thế này. Phân hoá giàu nghèo sẽ tăng lên, nỗi lo mất việc làm về tay robot hoá ra lại đến trước nỗi lo mất việc làm về tay Myanmar, Campuchia hay các quốc gia Châu Phi.
Còn một nguy cơ rất lớn nữa, sự tụt hậu...
- Đó là hệ quả tất yếu. Mấy mươi năm hội thảo và chiến lược, nhưng chỉ để lại một ngành công nghiệp điện tử và ôtô xe máy hoàn toàn lệ thuộc vào liên doanh hay nhượng quyền của nước ngoài. Cần minh định cho rõ là tôi không đòi hỏi “quốc tịch” của thương hiệu kiểu như máy tính thương hiệu Việt, tivi hay smart phone thương hiệu Việt, bởi chế độ đa sở hữu trong đại công ty đã quá rõ ràng. Cái cần thiết là chúng ta nắm được cái lõi, trái tim, phần hồn, phần chất xám, phần thông minh của ngành công nghiệp như cách mà các doanh nghiệp Israel đã làm. Nắm được phần giá trị tăng thêm cao nhất chứ không phải thâm dụng lao động. Phải có giá trị tăng thêm mới có phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Vậy theo ông, những điểm yếu, điểm thiếu nhất của các doanh nghiệp Việt - đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ - để tham gia vào công nghiệp 4.0 là gì?
- Chúng ta có quá ít nhân lực để đón đầu công nghiệp 4.0. Thử đăng thông báo tuyển dụng, các vị trí công nghệ thông tin, quản trị mạng, lập trình viên thường có rất ít hồ sơ. Số lượng đào tạo không đủ cho các công ty gia công phần mềm cho nước ngoài (outsourcing - thường trả lương rất cao), vậy lấy đâu ra nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong nước? Hiện Chính phủ nhiều nước đều đã có chương trình quốc gia về công nghiệp 4.0. Chúng ta chưa có thì chí ít, nên có vài biện pháp để tạo nguồn nhân lực: Thứ nhất là ưu tiên cấp học bổng toàn phần cho tất cả sinh viên ngành công nghệ thông tin, lập trình viên.v.v... (dĩ nhiên phải dựa kết quả học tập, học kém thì không được).
Thứ hai, hỗ trợ lương cho các doanh nghiệp tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin (thay cho chính sách ép buộc các FDI thâm dụng lao động phải đầu tư phòng R&D); bởi hiện nay hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó mà đủ sức nuôi một đội kỹ sư làm R&D trong suốt nhiều năm. Tạo ra được nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào là điều kiện tiên quyết để làm công nghiệp 4.0. Người Việt Nam thông minh, chịu khó học và học rất nhanh. Tôi hy vọng rằng nếu có chính sách hỗ trợ thiết thực thì sẽ có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi tham gia vào công nghiệp 4.0.
Nguồn nhân lực là rào cản chung đối với một nền sản xuất để bước vào công nghiệp 4.0. Còn khả năng tài chính là rào cản đối với mỗi doanh nghiệp để nuôi đội ngũ kỹ sư, lập trình viên… nghiên cứu và phát triển (R&D) tháng này qua năm khác làm công nghiệp 4.0. Vậy còn rào cản đối với bản thân mỗi cá nhân?
- Cần có một thế hệ doanh nghiệp trẻ, đam mê, nhiệt huyết làm việc say đắm ngày đêm mới chạy đuổi theo thế giới được. Rất nhiều đại công ty cha truyền con nối ở Châu Á đang đối mặt với khó khăn này khi các ông chủ hãng ngồi vị trí lãnh đạo lâu quá, không còn tầm nhìn đổi mới. Thời cơ công nghiệp 4.0 không dành cho những ông chủ bệ vệ và các công ty ngăn nắp, nề nếp. Hãng Honda danh tiếng toàn cầu về độ an toàn và độ bền cơ khí cũng phải tìm mua các công ty khởi nghiệp từ Mỹ, Israel để làm cho chiếc xe thông minh hơn. Đây là thời cơ để bứt phá cho một trào lưu mới là khởi nghiệp 4.0, vì thế cần một thế hệ doanh nhân trẻ, nhà sáng tạo trẻ, đầy đam mê, nhiệt huyết, làm việc bất kể ngày đêm.
Nếu chúng ta nhìn công nghiệp 4.0 từ các trường hợp Foxconn, Adidas hay Samsung, thì quả là phải cần những nguồn lực quá sức ngay cả đối với những doanh nghiệp Top lớn nhất của Việt Nam. Vậy có hay không một con đường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, như kiểu “trong cái khó ló cái khôn”, sáng kiến ở quy mô nhỏ giúp những doanh nghiệp vừa và nhỏ có hướng đi riêng và tồn tại thay vì chấp nhận tụt hậu ôm đau thương?
- Đúng là nên như vậy. Có lẽ chúng tôi không dại gì làm ra cái smartphone nhưng chúng tôi sẽ làm các sản phẩm IoT (Internet of Things - Internet kết nối vạn vật) kết nối smartphone để sử dụng công năng của smartphone như là chiếc máy tính mạnh mẽ. Một hướng đi rất thích hợp cho thị trường Việt Nam là chế tạo các hệ thống nhúng tích hợp nối mạng (network embeded system). Nó chính là vạn vật kết nối. Chúng ta có thể thoả sức sáng tạo hàng trăm sản phẩm IoT và chúng tôi đã bắt đầu cung cấp cho thị trường các sản phẩm giải trí kiểu này...
Đơn cử trong lĩnh vực nội dung số cho ngành giải trí như karaoke, chúng tôi đã triển khai các môđun phân tích dữ liệu lớn của 10.000 ca khúc tiêu biểu của Việt Nam để thấy quy luật của các bài hot, hit qua từng thời kỳ, từ đó xác định phần mềm nhân tạo có thể viết ra các ca khúc hot theo phong cách Sơn Tùng MTP hay Phan Mạnh Quỳnh.v.v..., rồi cách lồng ghép ca từ, quy luật ca từ thời thượng để mục tiêu cuối cùng là phầm mềm thông minh sáng tạo ca khúc.
Sau khi ký các hợp đồng thu thập dữ liệu tự động từ các phòng hát karaoke và giải trí gia đình, chúng tôi sẽ liên kết tự động chu trình như sau: Xác định bài hot tự động không cần qua cuộc thi hay bảng xếp hạng - dữ liệu được trả về từ các đầu máy karaoke kết nối mạng => phân tích giai điệu và tiết tấu => phân tích ca từ => sáng tác ca khúc đón đầu sẽ hot => xuất xưởng ca khúc: Tất cả tự động hoá hoàn toàn. Dĩ nhiên chúng ta không ra được một ca khúc xuất thần giản dị như Trịnh Công Sơn “ôi áo xưa lồng lộng, đã xô dạt trời chiều” hay “hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô”. Và cũng có thể, một bài hát top hit vài năm rồi không ai còn hát...
Xin cảm ơn ông!
Theo Lao Động
http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/thoa-suc-sang-tao-cac-san-pham-iot-trong-cong-nghiep-40-670784.bld