Nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc SK Telecom đã trình diễn dịch vụ viễn thông cho phép truyền hình trực tiếp các nội dung được thiết bị bay ghi nhận dựa trên hạ tầng kết nối 5G.
Trong khi đó, Engineering Inc lại “khoe” bộ điều khiển có thể kích hoạt dễ dàng chỉ với một tay. Được thành lập vào năm 2016, doanh nghiệp khởi nghiệp này đã thu hút được tới 6,2 triệu USD đầu tư riêng trong năm ngoái.
Thú vị hơn cả, Doosan Mobility Innovation đã lần đầu tiên đưa tới công chúng những thiết bị bay có thể sử dụng pin nhiên liệu hydro, cho phép bay tới 2 tiếng đồng hồ sau mỗi lần nạp nhiên liệu, dài hơn đáng kể so với mức trung bình 20-30 phút của các loại sử dụng pin lithium lâu nay. Thời gian nạp nhiên liệu cũng ngắn hơn rất nhiều.
Ngoài những sản phẩm cụ thể, các công ty và tổ chức nghiên cứu tham gia triển lãm cũng chia sẻ nhiều bước tiến mới quan trọng trong lĩnh vực thiết bị bay không người lái, bao gồm cả các loại phục vụ việc giao nhận hàng hóa cho tới thiết bị quốc phòng.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Seoul sẽ có nhiều động thái hỗ trợ cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị bay không người lái trong thời gian tới, nhằm biến đây thành một trong những thế mạnh của quốc gia châu Á này.
Trong đó, trọng tâm sẽ nằm ở việc đưa ra các chương trình khép kín, nới lỏng các quy định… nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tìm kiếm cơ hội phát triển, miễn là những yếu tố an toàn phải được đảm bảo tuyệt đối.
Theo Hà Nội mới
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/925594/thiet-bi-bay-khong-nguoi-lai-se-la-the-manh-moi-cua-han-quoc