Phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Luật Châu Á (Asialaw) về vấn đề này.
- Pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp như thế nào, thưa ông?
Đầu tiên có thể nói, hoạt động bán hàng đa cấp khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam nhưng tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nó đã có lịch sử khá lâu. Tuy vẫn còn những tranh cãi xung quanh mô hình này nhưng thực tế hoạt động này vẫn đang được duy trì, và dần phát triển.
Thực ra, tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã thể hiện khá rõ, việc kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
- Về trường hợp của Thiên Ngọc Minh Uy, theo ông hậu quả pháp lý cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp này đối với những người tham gia bán hàng đa cấp như thế nào?
Theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, sau khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
Trường hợp, người tham gia bán hàng đa cấp đã nộp tiền vào Thiên Ngọc Minh Uy mà chưa được nhận hàng và Thiên Ngọc Minh Uy chưa thực hiện đủ nghĩa vụ thì người bán hàng đa cấp có thể yêu cầu công ty thanh toán hoặc hoàn trả bằng tiền cho bạn các nghĩa vụ mà công ty chưa thực hiện.
- Trường hợp doanh nghiệp “chây ỳ” hoặc không có đủ tiền, tài sản để hoàn trả nghĩa vụ tài chính thì giải quyết ra sao, thưa ông?
Theo quy định về ký quỹ, để được kinh doanh hoạt động bán hàng đa cấp thì các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Chính khoản tiền ký quỹ sẽ là khoản tiền đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.
Nếu Thiên Ngọc Minh Uy không đủ khả năng thanh toán hết phần nghĩa vụ trước khi chấm dứt hoạt động thì khoản tiền ký quỹ của công ty sẽ được rút ra để thực hiện nghĩa vụ đó.
Theo quy định, khoản tiền này sẽ được rút ra trong 2 trường hợp: theo đề nghị của doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hoặc theo đề nghị của người bán hàng đa cấp.
Trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với người bán hàng đa cấp thì người này có quyền khởi kiện ra tòa trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên. Mặt khác, sau đó đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh sử dụng khoản tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để thực hiện các nghĩa vụ.
- Với mô hình và sự phát triển các công ty bán hàng đa cấp như hiện nay chúng ta nên quản lý hoạt động này như thế nào để tránh trường hợp tương tự xảy ra như Thiên Ngọc Minh Uy?
Thực ra, môi trường pháp lý cho hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam về cơ bản đã được hình thành song chưa đủ để kiểm soát những biến tướng trong lĩnh vực này.
Thực tế cho thấy, mỗi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp ngày một lớn theo thời gian, chính vì vậy khi xảy ra chuyện đổ vỡ sẽ ảnh hưởng đến nhiều người tham gia bán hàng đa cấp trong hệ thống. Mặc dù, pháp luật hiện hành có quy định về tỷ lệ ký quỹ nhưng nếu ấn định bằng 5% vốn pháp định như hiện nay thì sau một thời gian doanh nghiệp phát triển hệ thống bán hàng đa cấp từ các đại lý đến chân rết thì số tiền ký quỹ sẽ quá nhỏ, việc không quản trị được mức độ an toàn là điều hiện hữu xảy ra.
Theo tôi cần nghiên cứu tỷ lệ ký quỹ phải tỷ lệ với sự phát triển, mở rộng của doanh nghiệp ở mức độ an toàn. Tức là, đặt trường hợp rủi ro doanh nghiệp đổ vỡ thì số tiền ký quỹ vẫn đảm bảo được nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với cá nhân tham gia bán hàng đa cấp trong hệ thống.
Về mặt quản lý nhà nước, cần tăng cường hoạt động giám sát, quản lý đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đẩy mạnh các hoạt động thanh kiểm tra. Khi phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng và người tham gia bán hàng đa cấp thì phải kịp thời xử lý bằng các biện pháp nghiêm khắc nhất, thậm chí là đình chỉ, rút giấy phép hoạt động, tích cực phối hợp với cơ quan công an khẩn trương điều tra các doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo. Đồng thời, nhanh chóng thông tin cho người dân về các doanh nghiệp có hành vi vi phạm.
Đối với người dân cần xem xét thận trọng khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp đừng vì hứa hẹn mức lợi nhuận cao mà mắc bẫy doanh nghiệp.
Trước đó, như VietTimes đã đưa tin, trong thời gian qua, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) đã có những vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp, Bộ Công thương đã tiến hành thanh tra và xử lý các vi phạm, trên cơ sở doanh nghiệp này xin chấm dứt hoạt động, Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để Công ty giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã có những vi phạm như sau:
- Ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 24, Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
- Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định pháp luật vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 20, Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
- Duy trì nhiều hơn một mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm quy định tại điểm (p) khoản 1 Điều 5, Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Đối với 3 hành vi vi phạm này, TNMU bị phạt số tiền là 140.000.000 đồng. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường đã tiến hành xử phạt Công ty TNHH TNMU tổng cộng 75.000.000 đồng đối với 02 hành vi:
- Không thông báo với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp sau khi sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;
- Kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa.
Ngoài ra, theo báo cáo của các Sở Công Thương, trong năm 2016, Công ty TNHH TNMU cùng các đại lý và người tham gia bán hàng đa cấp của mình đã thực hiện 80 lượt vi phạm đối với 13 hành vi quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP và pháp luật có liên quan tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bị xử phạt tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng.
Bộ Công thương cũng cho biết thêm, sau khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Công ty TNHH TNMU phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.