Việc triển khai tàu sân bay của lực lượng phòng vệ Nhật Bản IS bên ngoài lãnh thổ Nhật sẽ bao gồm việc ghé vào vịnh Subic của Philippines, nơi khoảng 5.000 quân Mỹ và 3.500 lính Philippines đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật Balikatan kéo dài đến ngày 15/4.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter cùng với các quan chức Nhật Bản, Úc, Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực được trông đợi sẽ tới Philippines quan sát cuộc tập trận, trước khi ông Carter sang Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và bàn thương vụ mua sắm vũ khí.
Trong cuộc họp báo mới đây tại căn cứ Aguinaldo, tổng hành dinh của quân đội Philippnes, thiếu tướng John A. Toolan, tư lệnh lính thủy đánh bộ Mỹ khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết có vài thứ ông Carter “rất quan tâm”. Có vẻ tướng Toolan muốn nói đến hệ thống rocket cơ động cao (HIMARS) do hãng Lockheed Martin chế tạo.
Việc Mỹ và các đồng minh liên tục tăng cường các cuộc tập trận trên bộ, trên không và trên biển cho thấy tình trạng căng thẳng leo thang do những hành động hung hăng cũng như việc bồi lấp, ráo riết xây đảo và đường băng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hải quân Nhật Bản cho biết, chiến hạm Ise đã rời cảng phía nam Nhật hồi cuối tháng trước cũng sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Komodo với các đồng minh khu vực do Indonesia chủ trì vào cuối tháng này.
Trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington, D.C. mới đây, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh cáo rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận việc vi phạm “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông nhân danh “tự do hàng hải”.
Bộ trưởng quốc phòng Carter thường xuyên cảnh báo Trung Quốc “tự cô lập” bởi những hành động của mình ở Biển Đông. Hồi tháng trước, ông Carter nói đã “xem lại” lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 6 tới tại Hawaii do những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 10/4, tàu ngầm Oyashio và hai chiến hạm khác của Nhật Bản đã tới vịnh Subic. Đây là chuyến ghé thăm cảng Philippnes lần đầu tiên của tàu ngầm Nhật trong vòng 15 năm qua. Sự kiện tàu Ise tới Philippines “nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, nhưng cũng bao gồm phát đi một thông điệp mạnh mẽ nhằm giữ Trung Quốc trong tầm kiểm soát”, một quan chức cấp cao của bộ quốc phòng Nhật Bản được tờ Yomiuri Shimbun dẫn phát biểu.
Tàu sân bay Ise có thể mang theo 11 máy bay trực thăng chống ngầm SH-60J/K Seahawk, tuy nhiên truyền thống Nhật Bản thường lưu ý rằng Ise có thể dễ dàng cải tiến để mang theo các trực thăng cánh xoay MV-22 Osprey và chiến đấu cơ tàng hình F-35 phiên bản cất cánh thẳng đứng dành cho hải quân.
Liên quan cuộc tập trận Balikatan và các cuộc tuần tra thực thi “tự do hàng hải” của Mỹ và các đồng minh ở Biển Đông, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tức tối cho rằng đó là “một hành động khiêu khích và không đúng lúc giống như cái boomerang sẽ quay lại người ném”. Hồng còn nói thêm rằng các cuộc tập trận nên “tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực thay vì ngược lại”, theo Xinhua.
Hồng Lỗi còn lớn tiếng cáo buộc “Nhật Bản đã chiếm đóng trái phép các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông trong thế chiến thứ hai. Chúng tôi cảnh giác cao độ trước những mưu toan trở lại Biển Đông của Nhật Bản thông qua con đường quân sự”.
Theo Hiến pháp hòa bình Nhật Bản năm 1946 do Mỹ phác thảo, quân đội Nhật Bản bị giới hạn ở cấp độ “tự vệ” nhưng hồi năm 2015 quốc hội Nhật đã thông qua dự luật do Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất, cho phép Nhật Bản tham gia “phòng vệ tập thể” với các đồng minh.
Trung Quốc chỉ trích rằng tàu sân bay Ise giống như các tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn của Mỹ có thể mang các trực thăng Ospreys và chiến đấu cơ phản lực, lại được liệt vào “khu trục hạm” là cách lách lệnh cấm quân đội Nhật Bản tham gia các chiến dịch mang tính tấn công.
T.N