Thị trường tiền tệ đang trong những ngày căng thẳng

Thị trường tiền tệ đang trong những ngày căng thẳng cuối năm khi lãi suất liên ngân hàng tăng lên đỉnh cao nhất trong năm, tỷ giá áp sát mức trần và cơ quan quản lý đã phải bơm một lượng tiền đồng lớn ra thị trường.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có những chính sách để người dân và doanh nghiệp "nhả" bớt ngoại tệ găm giữ song thị trường ngoại hối vẫn rất căng. (Ảnh: Lê Toàn)
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có những chính sách để người dân và doanh nghiệp "nhả" bớt ngoại tệ găm giữ song thị trường ngoại hối vẫn rất căng. (Ảnh: Lê Toàn)

Thị trường tiền tệ tuần này bước vào trạng thái căng kéo sau một thời gian dài bình lặng gần như suốt năm qua.

Lãi suất liên ngân hàng lên cao nhất trong năm

Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng thắt chặt hơn khi nhu cầu thanh toán gia tăng vào cuối năm, thể hiện ở việc lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đến một tuần đã và tiếp tục đà tăng từ đầu tháng Giáng sinh.

Ngày hôm qua 22-12 mức lãi suất này xoay quanh ngưỡng 5%/năm, trong khi các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần đến 1 tháng cũng tăng khoảng 0,05 điểm phần trăm từ tuần trước, đồng loạt nhảy lên mức xấp xỉ 5%/năm. Đây là mặt bằng lãi suất cao nhất trong năm trên thị trường liên ngân hàng.

Vì các ngân hàng đều có tâm lý thủ thế thanh khoản cuối năm, thứ nhất để tất toán số liệu, thứ hai để đáp ứng nhu cầu tiền thanh toán cho người dân và doanh nghiệp, thứ ba “phòng thủ” cho tỷ giá đang căng kéo trên thị trường ngoại hối, nguồn vốn được chào trên thị trường liên ngân hàng đã và đang có xu hướng co hẹp. Các ngân hàng dự báo lãi suất liên ngân hàng trong một vài tuần tới sẽ tiếp tục giữ ở mức cao (trên 5%) cho tất cả các kỳ hạn. 

Tỷ giá chạm trần và lượng cung tiền tăng mạnh

Tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ ở các ngân hàng thương mại đã áp sát mức trần được phép của cơ quan quản lý; còn trên thị trường tự do ở TPHCM ngày hôm qua 22-12 giá đô la Mỹ lên tới 2.880 VND/1 đô la, cao nhất từ đầu năm và cao nhất trong 3 tuần gần đây. Tỷ giá mua vào-bán ra tại các ngân hàng thương mại không còn chênh  lệch và đều niêm yết ở mức giá  trần cho  thấy mức độ căng kéo của thị trường ngoại hối.

Diễn biến cung tiền trên OMO gần đây. (Nguồn: Bloomberg)
Diễn biến cung tiền trên OMO gần đây. (Nguồn: Bloomberg)

Tuần trước, trên thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm mới tiền đồng kỳ hạn 14 ngày với lượng tương đối lớn là 12.439 tỉ đồng. Có 7.232 tỉ đồng đáo hạn trong tuần, do vậy lượng vốn bơm ròng trong tuần là 5.207 tỉ đồng, theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt. Đây là tuần thứ tư liên tiếp cơ quan điều hành cung tiền có hoạt động bơm ròng qua kênh OMO và lượng vốn bơm mới khá lớn so với các tuần trong năm.

Chỉ trong nửa đầu tháng 12 Ngân hàng Nhà nước đã bơm một lượng tiền lớn khoảng 74 nghìn tỉ đồng ra thị trường. Cơ quan này đã bơm ròng 34 nghìn tỉ đồng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn trong nửa đầu tháng 12. Trong khi đó, có xấp xỉ 40 nghỉn tỉ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đáo hạn trong vòng 4 tuần qua và không có tín phiếu phát hành mới, nghĩa là một lượng tiền tương đương được bơm vào thị trường, theo báo cáo của VCSC (Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt).

Các yếu tố cộng hưởng khác đang gây áp lực lên thị trường tiền tệ không bất ngờ và không nằm ngoài dự đoán của giới kinh doanh tiền tệ, đó là đồng đô la Mỹ mạnh lên trên thị trường thế giới, nhu cầu ngoại tệ cao vào thời điểm cuối năm của người dân, doanh nghiệp và các nhà băng, diễn biến yếu đi nhanh chóng của đồng nhân dân tệ (đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam) và đặc biệt do tín dụng của các ngân hàng từ đầu năm tới nay đã đổ ra thị trường với tỷ lệ tăng rất cao so với các năm gần đây… Điều này ngày càng gia tăng áp lực lên thị trường và chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi sự gia tăng lãi suất của Mỹ khiến các thị trường châu Á điều chỉnh lãi suất cơ bản theo hướng đồng thuận thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuần qua đã cắt giảm lãi suất huy động ngoại tệ từ 0,25% về 0% với cá nhân tại các ngân hàng dù trước đó lãi suất này đã về 0% với doanh nghiệp (kể từ ngày 28 tháng 9).

Theo TBKTSG