Gói hỗ trợ lãi suất 2009 và món nợ của Ngân hàng Nhà nước

Một thông tin được Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại đưa ra ngày hôm qua tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2015 về việc Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa hoàn trả khoảng 20% trợ cấp lãi suất được hưởng theo chương trình hỗ trợ lãi suất đã kết thúc năm 2009 cho các ngân hàng.
Gói hỗ trợ lãi suất 2009 và món nợ của Ngân hàng Nhà nước

Đây là gói hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh trong năm 2009. Cụ thể, Chính phủ đã sử dụng gói kích cầu đầu tiên có giá trị 17.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho khoản vay ngân hàng bằng VND của doanh nghiệp, hộ sản xuất bắt đầu thực hiện từ tháng 2/2009, đối với hầu hết các ngành, lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế.

Lãi suất tiền vay sau khi được hỗ trợ còn khoảng từ 4 - 6%/năm, tương đương với lãi suất tiền vay bằng đồng bản tệ ở nhiều nước (Thái Lan 7%/năm, Malaysia 6,5%/năm, Mỹ 6%/năm, Trung Quốc 7%/năm).

390.000 doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay hỗ trợ

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2009, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 420.000 tỷ đồng với khoảng 78.000 doanh nghiệp (tương đương khoảng 20%) trong tổng số 390.000 doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay hỗ trợ.

Vậy nhưng, đến nay, các ngân hàng vẫn chưa được NHNN hoàn trả khoản 20% trợ cấp lãi suất được hưởng theo chương trình hỗ trợ lãi suất đã kết thúc năm 2009.

“Sau một số buổi làm việc trước đây với NHNN cuối năm 2012, chúng tôi đã trình bày rằng các số liệu đã được kiểm tra và chốt chính thức đối với một số ngân hàng thành viên của Nhóm Công tác Ngân hàng. Chúng tôi hiểu rằng đây là một vấn đề phức tạp có liên quan đến bảng cân đối tài khoản ngân sách nhà nước và tình hình tài chính quốc gia”, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại bình luận.

Tuy nhiên, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại cho rằng việc các khoản trợ cấp lãi suất tích dồn chưa được hoàn trả đang ngày càng làm phát sinh nhiều vấn đề cho các ngân hàng liên quan đến hệ thống kế toán quốc tế và kiểm toán báo cáo tài chính.

“Nên Nhóm công tác đề nghị NHNN có kết luận về vấn đề và chỉ đạo tiến hành hoàn trả các khoản trợ cấp này trong thời gian sớm nhất có thể”, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại kiến nghị.

Với thực tế trên, không ít câu hỏi được đặt ra cho NHNN về khoản tiền đang nợ các NHTMhiện nay là bao nhiêu và bao giờ sẽ trả? Tuy nhiên, câu hỏi này không nhận được phản hồi từ đại diện NHNN tham dự tại Diễn đàn ngày hôm qua.

Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại cũng kiến nghị NHNN xem xét lại một số quy định trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại đánh giá Thông tư 36 là bước tiến lớn để nâng cao tiêu chuẩn an toàn và minh bạch trong hoạt động của TCTD, hạn chế cổ phần chéo và đẩy mạnh việc tái cấu trúc ngân hàng. Tuy nhiên, có hai vấn đề chính mà các thành viên của Nhóm đang gặp phải. Đó là, Thông tư 36 là quy định giới hạn tỷ lệ trái phiếu chính phủ mà các NHTM và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang nắm giữ dưới hình thức nguồn vốn ngắn hạn tương ứng ở mức 15% và 35%.

“Điều này không phù hợp với Hiệp ước Basel II và III, tại đó quy định rằng các ngân hàng phải nắm giữ nhiều hơn lượng trái phiếu Chính phủ. Hơn nữa, các ngân hàng có thể được coi là người mua nhiều nhất trái phiếu Chính phủ và các yêu cầu giới hạn tỷ lệ này có thể tác động không tốt tới kế hoạch của Chính phủ trong việc tài trợ thâm hụt ngân sách trong năm sau và tới việc phát của TTCK sơ cấp và thứ cấp năng động”, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại phân tích.

Phải thiết lập đường cong lãi suất

Một kiến nghị nữa của Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại là vai trò của NHNN trong việc thiết lập nền tảng cho một thị trường minh bạch, đường cong lãi suất chuẩn và quy tắc ứng xử tốt.

Gần đây, trước tình trạng gia tăng những vi phạm ứng xử trên thị trường tài chính thế giới. Ví dụ như bê bối thao túng lãi suất Libor và tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng… Các nhà quản lý và lập pháp trên toàn cầu đã đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ và nghiêm khắc về quy tắc ứng xử trên thị trường.

“Đối với thị trường Việt Nam đang trên đà phát triển cả về khối lượng giao dịch và độ phức tạp thì yêu cầu về đạo đức ứng xử và chuẩn mực hành xử trên thị trường cũng gia tăng tương ứng. Nhằm thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, chúng tôi tin rằng Việt Nam cần áp dụng những thông lệ quốc tế cũng như đảm bảo sự lành mạnh trong hệ thống. Vì vậy chúng tôi mong muốn đề xuất việc đưa ra những chuẩn mực ứng xử thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, phái sinh và những sản phẩm khác”, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại kiến nghị.

Cụ thể, là các quy tắc ứng xử chung nhằm đảm bảo các TCTD hành xử đúng đắn đối với khách hàng và các TCTD khác trên thị trường liên ngân hàng.

“Ví như cán bộ giao dịch không được phép lan truyền tin đồn hoặc phổ biến thông tin sai lệch hoặc dễ gây hiểu nhầm, đặc biệt đối với những thông tin vô căn cứ trên thị trường. Đối với khách hàng, cán bộ giao dịch cần cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, tránh những thông tin bất cân xứng, mập mờ dễ hiểu lầm”, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại đề nghị.

Một quy tắc nữa là cán bộ giao dịch phải hành xử vì lợi ích của khách hàng. Các ngân hàng phải có các quy định nội bộ nhằm nghiêm cấm hành vi và ứng xử sai trái trên thị trường.

Một quy tắc quan trọng nhất, theo Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, đó là thiết lập đường cong lãi suất của các thành viên trong việc tạo đường cong lãi suất toàn thị trường để đảm bảo tính tin cậy, minh bạch và dựa trên cơ chế tinh toán và quản lý rõ ràng.

Hiện nay, có một số đường cong lãi suất chuẩn chính như HNX fixing cho thị trường trái phiếu (HNX) và VNIBOR cho thị trường tiền tệ. HNX fixing được giám sát bởi HNX và được đóng góp từ các thành viên theo Quyết định 56/QĐ-SGDHN ngày 6 tháng 3 năm 2013 của HNX - Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội  và Quyết định 160/QĐUBCK ngày 15 tháng 3 năm 2013 của SSC - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

“Đối với đường cong lãi suất trên thị trường tiền tệ và có thể cho thị trường ngoại hối hay hoán đổi trong tương lai, việc đặt ra những quy tắc thống nhất để thiết lập và giám sát là rất cần thiết”, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại kiến nghị.

Theo Bizlive