Dân quê ăn thịt nhiều hơn
Điểm đầu tiên chúng tôi tìm hiểu là chợ làng Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tại đây, sức mua thịt tăng nhiều hơn thời điểm thịt lợn cao giá. Anh Trần Văn Trung, một đầu bếp cho biết: “Tôi nấu ăn cho một nhóm thợ xây hơn 20 người. Khi thịt đắt, chúng tôi ăn nhiều rau. Bây giờ thịt rẻ, tôi mua nhiều và thường xuyên hơn”.
Được biết, nhiều chủ hàng bán lẻ thịt lợn tại Đông Anh vào chợ Núi, Yên Phong, Bắc Ninh lấy hàng. Theo chân một thợ mua thịt, chúng tôi đã đến chợ Núi. Mới 2 giờ sáng, không khí chợ nhộn nhịp vô cùng. Những con lợn mổ phanh được chở đến ào ào. Công việc pha lọc thịt diễn ra nhanh thoăn thoắt. Thậm chí, người mua buôn còn xếp hàng, túc trực đợi mua. Tại đây, có khoảng hơn 30 phản thịt. Chị Nguyễn Thị Mai, thợ bán thịt phấn khởi: “Trước đây, chúng tôi chỉ bán từ 28-30 con/ngày. Từ ngày thịt rẻ, có hôm nhà tôi bán được 35 con. Người buôn mua nhiều mà người dân cũng mua về ăn nhiều hơn. Họ mua thịt về làm ruốc, xay giò, chả”. Giá thịt tại đây khá rẻ: Thịt mông: 30.000-35.000 đồng/kg, thịt vai, ba chỉ: 40.000-45.000 đồng/kg. Nếu mua buôn, giá giao động từ 25.000-28.000 đồng/kg.
Cùng tình hình này, những người bán thịt tại xã Cổ Loa, Đông Anh mà chúng tôi có dịp trò chuyện, cho biết: “Giá thịt hơi đã tăng nhẹ, tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tăng giá bán. Khách hàng thấy thịt rẻ cũng mua nhiều hơn. Thậm chí, có người hay tin thịt lên giá còn mua gom về trữ đông”.
Cách đó vài km là địa phận xã Uy Nỗ. Bà Đặng Thị Xuyến, một chủ hàng thịt nhiều năm tại chợ Tó, Đông Anh, buồn rầu: “Nhà tôi đến các hộ nuôi lợn để mua lợn hơi rồi làm thịt để bán. Trước đây, mỗi ngày, tôi bán 2 tạ thịt mà giờ 1 tạ còn khó”. Bà Xuyến cho biết, tình trạng này là do nhiều hộ chăn nuôi đã tự thịt lợn bán cho bà con hàng xóm để giải cứu đàn lợn nên ít người ra chợ mua. Giá thịt tại khu vực Đông Anh, giao động trong khoảng 45- 50.000 đồng/kg thịt mông sấn. Thịt ba chỉ, chân giò khoảng 55-60.000 đồng/kg.
Được biết, khoảng 5 ngày nay, giá thịt hơi có tăng khoảng 2.000 đồng/kg nhưng giá thịt móc vẫn chững, hầu như không tăng.
Thị trường nội thành: sức mua giảm
Sang đến nội thành, không khí mua thịt có khác. Tại chợ bình dân như chợ Diêm Gỗ (Long Biên) hay chợ cóc (Hoàn Kiếm) người mua thịt lợn giảm đáng kể. Nguyên nhân được cho là người dân đụng thịt, mua thịt ở quê nhiều hơn, giá ở quê rẻ hơn thành phố. Những người bán hàng cho biết, lúc thịt đắt, người dân mua nhiều hơn. Có lẽ do sự chênh lệch giá cả giữa thành thị và nông thôn không nhiều. Giá bán lẻ thịt tại các chợ cóc Hoàn Kiếm: Thịt mông tề sạch: 65.000 đồng/kg. Thịt vai và ba chỉ ngon: 70.000-75.000 đồng/kg.
Vợ chồng anh Hòa chị Hạnh (Phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm) bán thịt tại nhà bộc bạch: “Trước đây, mỗi ngày chúng tôi bán được từ 70-80kg thịt nhưng bây giờ chỉ bán được từ 40-50kg/ngày”.
Tuy nhiên, tại chợ đầu mối Đền Lừ, các quầy bán thịt la liệt túi lớn túi bé. Lượng người mua vẫn khá nhiều. Giá thịt lẻ bán cho người dân từ khoảng 40.000-50.000 đồng/ kg. Đa số, người mua thịt tại đây là mua buôn hoặc chủ các quán cơm bình dân. Họ cho biết, vì thịt rẻ nên chúng tôi bán thức ăn nhiều và rẻ hơn, đôi khi, đông khách hơn trước”.
Chị Trịnh Thị Hà (Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai) cho biết: “Hàng ngày, tôi vẫn mua các loại thịt và rau tại chợ đầu mối Đền Lừ. Từ ngày thịt giảm giá, tôi chỉ mua rau ở đây là chủ yếu, còn thịt lợn đụng ở quê, trữ đông ăn dần”.
Tại các siêu thị, giá thịt cũng giảm nhẹ, đồng thời có nhiều khuyến mại đi kèm. Những người mua hàng tại siêu thị cho biết, họ vẫn tin dùng thịt siêu thị vì nguồn gốc đảm bảo. Chị Nguyễn Thị Hằng (Khu Đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) xởi lởi: “Nhà tôi đông người, gần như ngày nào cũng ăn thịt. Tôi biết, giá thịt bên ngoài rẻ hơn siêu thị nhiều nhưng tôi sợ thịt trôi nổi, không đảm bảo. Hơn nữa, tôi đi làm về muộn không đi chợ được nên tôi thường xuyên mua tại các siêu thị lớn trong khu vực”.
Nhà nước cần có giải pháp mang tính liên ngành
Trước tình hình thịt lợn còn nhiều bất ổn như hiện nay, anh Lại Đoài Hoàng (Cụm 4, Xuân Phúc, Phúc Thọ, Hà Nội)-gia đình đã có hơn 20 năm làm trang trại cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 300 đầu lợn cả thịt và nái. Đợt này, chúng tôi phải tự thịt để bán. Mỗi ngày chỉ bán được một con. Năm nay, nuôi lợn bị lỗ. Do nhà tôi tự túc con giống nên vớt vát được phần nào”.
Qua câu chuyện, anh Hoàng cho biết, ở thời điểm giá thịt lợn cao, rất nhiều người tại địa phương đã mạnh dạn đầu tư về quy mô chuồng cũng như đàn để vỗ béo. Đợt này thịt giảm mạnh, nhiều người mất 1-2 tỷ đồng, lâm vào cảnh nợ nần, lao đao. Anh Hoàng đề xuất: “Nếu như, khi đàn lợn rớt giá mới lo cứu thì cứu làm sao được. Tôi mong, nhà nước cần có giải pháp mang tính liên ngành để đảm bảo sự phát triển chung. Đặc biệt, nhà nước cần có những quy định cụ thể về việc chăn nuôi như phải đảm bảo tốt từ khâu cơ sở, chuồng trại, kiến thức cho tới quy hoạch chăn nuôi. Việc chăn nuôi tự phát cũng là một trong những nguyên dẫn đến tình trạng như hiện nay”.
Bà Đặng Thị Xuyến (Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) buồn rầu: “Nói thực, không chỉ người nuôi lỗ mà người bán cũng gặp nhiều khó khăn, kinh tế giảm sút, hàng ế ẩm. Lúc này, nhà nước và các ngành liên quan mới lo giải cứu đàn lợn thì chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, tôi mong nhà nước có chính sách thiết thực, cụ thể hơn. Ví dụ như tự tìm cách xuất khẩu, tiêu thụ. Không nên chỉ trông chờ vào sự thu mua của Trung Quốc. Giờ họ không mua nữa…chỉ có người dân khổ”.
Là nhân viên kinh doanh của Cty TNHH Thức Ăn Chăn Nuôi Hoa Kỳ, anh Trần Anh Dũng cho biết: “Giá thịt lợn giảm mạnh khiến việc kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn. Tháng 4.2017, doanh số bán hàng của tôi giảm 10%. Dự đoán tháng 5, doanh số còn giảm nữa. Công ty cũng đang đồng hành cùng bà con bằng cách giảm giá cám chứ cũng chưa có giải pháp mới. Chúng tôi cũng mong nhà nước sớm có giải pháp, đồng thời, người dân cần có kế hoạch cũng như kiến thức chăn nuôi bài bản sẽ hạn chế thất thu”.
Có thể thấy, từ nông thôn cho đến thành thị đi đâu cũng thấy nhắc đến việc giải cứu đàn lợn. Tuy nhiên, người dân tự cứu nhau không phải là giải pháp hiệu quả mà cần có sự vào cuộc một cách quy mô mang tính đồng bộ của nhà nước mới mong có sự phát triển lâu dài.