Thị trường tài chính về đâu trong thương chiến?

VietTimes – Nếu nhìn lại suốt năm 2019, khi mà ông Trump đẩy mạnh chiến tranh thương mại, các chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh mới (kết thúc năm 2019 S&P500 tăng 30%). Điều này thể hiện các nhà đầu tư đều đánh giá kinh tế Mỹ sẽ được hưởng lợi lớn nếu Mỹ kiềm tỏa được Trung Quốc.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây đang trở nên căng thẳng nhất trong vòng 40 năm qua, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1979. 

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump liên tục áp dụng các chính sách cứng rắn, thúc đẩy chiến tranh thương mại, cũng như ngăn chặn chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc. Và với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 lần này, mối quan hệ giữa hai nước lại càng xấu đi.

Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chúc mừng bà Thái Anh Văn tái đắc cử tổng thống Đài Loan, sau khi bà tuyên bố từ chối chính sách "một quốc gia, hai thể chế" trong lễ nhậm chức của mình. Còn ông Donald Trump thì thúc giục điều tra nguồn gốc Covid-19 và liên tục đổ lỗi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng là do Trung Quốc che giấu, bưng bít thông tin.

Một số từ ngữ như “điểm xung đột” hay “Chiến tranh lạnh” đã được giới phân tích sử dụng đến để bình luận về mối quan hệ giữa 2 nước lúc này.

Dĩ nhiên, cuộc đối đấu Mỹ - Trung là khó tránh khỏi. Thế nhưng tại sao ông Trump lại quyết định đẩy mạnh hơn nữa vào thời điểm này, khi mà tình hình dịch bệnh cũng như kinh tế đang rất khó khăn (!?).

Nhiều khả năng nguyên nhân xuất phát từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần. Ông Donald Trump có 2 con bài chiến lược để tái tranh cử lần này, đó là: Trung Quốc và thị trường tài chính.

"Nhất tiễn hạ song điêu"

Ông Donald Trump gần như là Tổng thống đầu tiên của Mỹ thể hiện đường lối cứng rắn, cũng như đối đầu trực diện với Trung Quốc, kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Và điều này rất được lòng cử tri Mỹ.

Người Mỹ trong nhiều năm đã không có nhiều thiện cảm với Trung Quốc, nhất là với việc quốc gia này liên tục sao chép cũng như đánh cắp các công nghệ công khai, lộ liễu. Thế nên đẩy mạnh hơn nữa căng thẳng Mỹ - Trung sẽ giúp ông Trump có thêm lá phiếu từ các cử tri.

Thứ hai là thị trường tài chính. Hầu hết người dân Mỹ đều tham gia vào thị trường tài chính, họ có thể trực tiếp mua cổ phiếu, trái phiếu, hoặc thông qua các quỹ hưu trí để mua các ETF. Chính vì thế, một thị trường tài chính tăng điểm sẽ hỗ trợ rất nhiều chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Nếu nhìn lại suốt năm 2019, khi mà ông Trump đẩy mạnh chiến tranh thương mại, các chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh mới (kết thúc năm 2019 S&P500 tăng 30%). Điều này thể hiện các nhà đầu tư đều đánh giá kinh tế Mỹ sẽ được hưởng lợi lớn nếu Mỹ kiềm tỏa được Trung Quốc.

Việc tăng cường đối đầu với Trung Quốc sẽ giúp ông Trump vừa lấy được lòng cử tri Mỹ, vừa giúp người dân Mỹ hạnh phúc vì giàu có hơn (các khoản đầu tư chứng khoán tăng giá). Điều này sẽ giúp ích rất lớn trong chiến dịch tái tranh cử sắp tới.

Chính vì thế rất có thể thời gian tới đây, ông Trump sẽ dựa vào các kết quả điều tra về nguồn gốc Covid-19 để trừng phạt Trung Quốc thông qua kinh tế, nhằm gia tăng khả năng tái đắc cử cho bản thân mình.

Thị trường tài chính toàn cầu sẽ ra sao?

Trước tiên, đồng Dollar Mỹ sẽ mạnh lên. Nguyên nhân là do dòng tiền trú ẩn rủi ro được đổ vào, hệ quả là tỷ giá Dollar Mỹ/Nhân Dân Tệ (USD/CNY) sẽ phi mã nhanh chóng. Tỷ giá này vừa lập đỉnh mới 7,19 vào hôm qua và chưa thể hiện dấu hiệu sẽ dừng lại.

Thị trường chứng khoán toàn cầu nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực vì căng thẳng Mỹ - Trung sẽ gây tác động xấu đến thương mại cũng như kinh tế các nước.

Tuy nhiên, một số nước có thể sẽ được hưởng lợi từ điều này. Với việc các công ty rút khỏi Trung Quốc thì nước nào có thể nổi lên như một điểm đến thay thế, sẽ đạt được tăng trưởng vượt bậc thời gian tới.

Vì thế thị trường chứng khoán toàn cầu có thể sẽ chứng kiến một đợt giảm giá mạnh sắp tới, nhưng sẽ có sự phân hóa. Một số nước được hưởng lợi từ thương chiến, có thể sẽ nằm ngoài sóng giảm giá này.

Thế nên mấu chốt trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung lần này đó là ai sẽ là điểm đến thay thế công xưởng Trung Hoa. Nếu Việt Nam thành công trong việc kêu gọi các công ty dịch chuyển từ Trung Quốc về thì sẽ là tiền đề cho một thời kỳ vàng son sắp tới. Đây thực sự là một cơ hội "trăm năm mới có một lần"./.

(*) Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore)