Trước hết chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân của những lần thị trường chứng khoán sụt giảm. Đó là sự đổ vỡ niềm tin từ các nhà đầu tư trên thị trường, hệ lụy dẫn đến bán tháo ồ ạt trên diện rộng. Sự đổ vỡ niềm tin này có thể đến từ 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, đó là khi xảy ra sụt giảm kinh tế hoặc đổ vỡ từ một nhóm ngành nào đó. Ví dụ, cuộc khủng hoảng năm 2008 đến từ sự đổ vỡ của thị trường cho vay nợ dưới chuẩn của Mỹ, hệ lụy dẫn đến một loạt các công ty tài chính lớn phá sản (như Lehman Brothers, Merrill Lynch ...).
Khi đó, thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến một sự sụt giảm nghiêm trọng, do nền kinh tế thực sự đối mặt với một cuộc suy thoái, đến từ sự sụp đổ của một nhóm ngành nào đó.
Ở nguyên nhân thứ hai, đó là khi các nhà đầu tư trên thị trường tự tạo ra một bong bóng tài sản khổng lồ, đến từ việc quá hào hứng đổ tiền vào các công ty.
Ví dụ như sự sụt giảm vào năm 1987, thị trường chứng kiến bán tháo kinh hoàng, sau một chu kỳ dài các nhà đầu tư ào ạt rót tiền vào thị trường mà thiếu sự phân tích kỹ lưỡng và cẩn trọng.
Những sự sụt giảm này thường được gọi là điều chỉnh (correction), vì nguyên nhân của nó không phải là sự đổ vỡ của nền kinh tế, mà nó đến từ sự quá hào hứng của các nhà đầu tư.
Vậy nên nó thường không hề có tác động gì lên nền kinh tế và cũng không kéo theo một cuộc suy thoái nào cả.
Vậy sự sụt giảm năm 2020 này sẽ như thế nào, liệu có dẫn đến một cuộc suy thoái hay không?
Thống kê cho thấy trong 11 lần sụt giảm gần nhất của thị trường Mỹ, chỉ có 7 lần là kéo theo một cuộc suy thoái (Ảnh: CNBC)
|
Sự sụt giảm của thị trường năm nay đến từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới. Ảnh hưởng của dịch bệnh lần này là cực kỳ sâu rộng và không một bệnh dịch nào trong lịch sử hiện đại có thể so sánh được.
Nó khiến cho các chính phủ phải đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, và tiến hành cách ly nhiều nhóm người. Việc này khiến cho các nhóm ngành hàng không, du lịch, bán lẻ... bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất lại đến từ sự đổ vỡ của các công ty vừa và nhỏ, các công ty start-up, cũng như các hộ kinh doanh cá thể.
Những thành phần này của thị trường là những thành phần thiếu sức chống chọi nhất, và cũng dễ bị phá sản nhất. Nếu các nhóm này bị phá sản đồng loạt, thì hệ lụy của nó chắc chắn sẽ là một cuộc suy thoái kinh tế.
Vì ngay cả khi dịch đi qua, sẽ cần rất nhiều thời gian để các thành phần này gây dựng, cũng như hoạt động trở lại. Những công ty nhỏ cũng như những hộ kinh doanh cá thể sẽ cần rất nhiều thời gian để tái khởi động, hoặc thậm chí không đủ vốn để hoạt động trở lại ngay cả khi không còn dịch. Trong khi đó, những công ty lớn có nhiều tiềm lực và khả năng để khởi động lại ngay sau khi dịch qua đi.
Thế nên sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán lần này, có một xác suất rất cao là sẽ kéo theo một cuộc suy thoái kinh tế sau nó, nếu như các chính phủ không hành động đủ quyết liệt, để giải cứu những thành phần kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh.
Dịch bệnh và suy thoái là điều không ai muốn xảy ra đồng thời, hãy cứ tưởng tượng bạn vừa lo sợ vì bệnh tật lại vừa bị mất việc làm và không có thu nhập, liệu có gì có thể tồi tệ hơn (!?).
Để đối phó với một sự việc đã không may xảy ra, công việc của các chính phủ cũng như người dân cần làm nhất lúc này là cùng nhau ngăn chặn sự việc thứ hai.
Hãy cố gắng hết sức mình để có thể duy trì các hoạt động kinh tế, để chúng ta không phải bước vào một cuộc suy thoái mới, một cơn ác mộng thực sự không đáng có ngay đầu thập kỷ./.
(*) Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore)