Cuộc đua của mạng di động ảo (MVNO- Mobile Virtual Network Operator) tại Việt Nam đang ngày một nóng lên với sự tham gia của những gã khổng lồ công nghệ. Bên cạnh các nhà mạng di động lớn như MobiFone, VinaPhone, FPT Retail là đơn vị tiếp theo được cấp phép tại Việt Nam để khai thác kinh doanh lĩnh vực viễn thông di động.
FPT gia nhập đường đua
Được biết, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, ký hiệu FRT) vừa được cấp phép để cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc vào ngày 30/5 vừa qua. Theo giấy phép, FPT Retail - công ty con của FPT được phép cung cấp các dịch vụ này thông qua mạng viễn thông di động mặt đất trên phạm vi toàn quốc, bao gồm dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 và IMT-Advanced được cung cấp cho thuê bao viễn thông kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp.
Hiện tại, thị trường Việt Nam có 3 nhà mạng ảo đang kinh doanh, trong đó, iTel (đầu số 087) và Reddi (đầu số 055) hợp tác với Vinaphone, còn Local (đầu số 089) hợp tác cùng MobiFone.
Trong khi đó, đại diện phía FPT Retail cho hay nhà mạng này sẽ hợp tác, sử dụng hạ tầng của MobiFone để cung cấp mạng di động ảo.
“Tập đoàn FPT và MobiFone có Thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh, tận dụng các thế mạnh công nghệ của hai bên, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. FPT Retail sẽ đầu tư đầy đủ các hệ thống phần cứng/phần mềm đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất tới khách hàng, hướng tới xây dựng hệ sinh thái số”, đại diện FPT Retail nói.
Đề cập đến thời gian cung cấp dịch vụ, FPT Retail cho hay, thời gian để một mạng di động chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật mất trung bình 12 - 15 tháng, nhưng FPT Retail với nhiều lợi thế và sự hỗ trợ từ tập đoàn FPT kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian này và sớm cung cấp dịch vụ tới khách hàng.
Tại Việt Nam, FRT gia nhập thị trường viễn thông di động với rất nhiều lợi thế. Doanh nghiệp này sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 cửa hàng FPT Shop và gần 1300 cửa hàng dược phẩm Long Châu, hiện vẫn đang trên đà tăng trưởng và mở rộng. Mỗi năm, FRT bán ra trên 1,5 triệu máy điện thoại smartphone/thiết bị IoT các loại và là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm ngàn khách hàng.
Hơn thế, là thành viên của tập đoàn FPT, FRT có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng của FPT để phát triển kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Tập đoàn FPT là đối tác của nhiều hãng công nghệ toàn cầu và đã cung cấp nhiều giải pháp phần mềm, phần cứng, dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin cho các công ty viễn thông di động Việt Nam và quốc tế trong suốt hàng chục năm nay.
Nhìn chung, việc gã khổng lồ FRT tham gia thị trường mạng di động ảo được đánh giá sẽ có tác động tích cực tới thị trường viễn thông, song điều này cũng khiến các ông lớn khác phải tích cực đẩy mạnh phát triển sản phẩm nếu không muốn bị chậm lại trong cuộc đua tỉ USD này.
Thi nhau chen chân, chinh phục thị trường MVNO
Mặc dù lỡ hẹn lần đầu vào năm 2012, song đến 4/2019, Đông Dương Telecom đã chính thức ra mắt dịch vụ MVNO iTel có đầu số 087 thông qua thỏa thuận với Tập đoàn VNPT trên cơ sở hạ tầng của mạng di động VinaPhone.
Trên trang web chính thức của iTel, hiện cũng cung cấp cho người dùng nhiều gói cước hấp dẫn. Đơn cử như gói MAY cũng cấp cho người dùng 4 GB/ngày, miễn phí cuộc gọi nội mạng iTel và VinaPhone cũng như tặng 60 SMS nội mạng chỉ với 77.000/tháng. Ngoài SIM vật lý thông thường, iTel cũng cung cấp thêm eSIM, giúp người dùng có thể sử dụng nhiều SIM trên cùng thiết bị mà không cần tháo lắp thẻ SIM.
Một năm sau đó, Việt Nam có mạng di động thứ 7 có tên Reddi với đầu số 055, đồng thời là mạng di động ảo thứ 2. Đây là dịch vụ do Mobicast phát triển và cũng sử dụng hạ tầng viễn thông của VinaPhone.
Không giống iTel, Reddi nhắm vào các dịch vụ sử dụng công nghệ mới như 5G thương mại. Tệp người dùng của nhà mạng cũng tập trung chủ yếu vào thế hệ trẻ.
Đến tháng 9/2021, Công ty TNHH The Sherpa (công ty con của Tập đoàn Masan) chi gần 300 tỷ đồng để mua lại 70% cổ phần Mobicast.
Với hàng loạt đơn vị thành viên như WinCommerce, Techcombank hay Phúc Long, để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cho biết cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. Do đó, việc đặt chân sang lĩnh vực viễn thông được xem là bước đầu để tập đoàn số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life”, từ đó xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.
Tiềm năng lớn của thị trường MVNO
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), "Mô hình MVNO là mô hình mới tại Việt Nam. Mô hình này có thể triển khai nhanh các dịch vụ trên toàn quốc, tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên, đồng thời sẽ mang lại giá trị mới cho khách hàng".
Theo số liệu của Cục Viễn thông đến ngày 30/4, số lượng thuê bao mạng thuê bao ảo đã được 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc hệ sinh thái dịch vụ số iTel, cho biết hiện thị trường MNVO mới chỉ chiếm 2% trong tổng thuê bao di động. Như vậy, mạng di động ảo MNVO vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Nhìn ra thế giới, Trung Quốc có 75 mạng di động ảo. Châu Âu có 130 mạng di động ảo, riêng Đức có 54 mạng di động ảo, trong đó thuê bao mạng di động ảo chiếm trung bình 15% - 50% tổng thuê bao di động. Theo đó, ông Dũng nhận định không gian thị trường cho mạng di động ảo Việt Nam còn rất lớn. Các MNVO sẽ tập trung vào các thị trường ngách mà các MNO không thể tiếp cận được, để phát triển và chiếm khoảng 15 - 20% thị phần (khoảng 15 - 20 triệu thuê bao) trong tổng số thuê bao di động.