Cuộc thi này còn là nghệ thuật trình diễn thể hiện “sự tương phản trực quan giữa một nhóm không làm gì và một nhóm bận rộn” (Ảnh: CNN) |
Được biết, cuộc thi đặc biệt này vừa là thử thách thể chất, vừa mang tính nghệ thuật vừa là thời gian nghỉ ngơi của nhiều người giữa xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc. Cuộc thi có tên Space-out, được tổ chức thường niên, nhằm tìm ra ai giỏi nhất trong việc ngồi im trong 90 phút mà không buồn ngủ, sử dụng điện thoại hay nói chuyện.
Nhịp tim của người tham gia được theo dõi trong khi khán giả bình chọn cho 10 thí sinh yêu thích của họ. Ai có nhịp tim ổn định nhất trong số 10 người sẽ giành cúp.
Trong số những người tham gia kỳ thi năm nay có cả vận động viên trượt băng tốc độ Kwak Yoon-gy, người từng hai lần đoạt huy chương bạc Olympic.
“Tôi đã cố gắng tham dự Thế vận hội 5 lần và chưa bao giờ nghỉ ngơi hợp lý trong suốt 30 năm tập luyện”, một chuyên gia chạy cự ly ngắn 34 tuổi, cho biết. “Tôi nghe nói nơi này là nơi tôi có thể giải tỏa đầu óc và nghỉ ngơi ít nhất trong thời gian này, nên tôi đến đây và nghĩ đây chính là thứ mình rất cần”.
Hơn 4.000 người đã đăng ký tham gia cuộc thi do chính quyền thành phố đăng cai tổ chức. 117 thí sinh được chọn rất đa dạng, từ một đứa trẻ học lớp hai cho đến những người ở độ tuổi 60.
Đối với nhiều người tham gia, đây là một cách để phục hồi sau khoảng thời gian kiệt sức và căng thẳng, thường là do công việc của họ, ở một đất nước có áp lực học tập và áp lực thành công cực cao.
“Tôi thường có nhiều lo lắng và căng thẳng nên đã đăng ký tham gia, vì tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu có thể trút bỏ những căng thẳng và lo lắng đó bằng cách tạm dừng”, YouTuber Kim Seok-hwan, 26 tuổi, cho biết.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm cuộc thi Space-out, do một nghệ sĩ có nghệ danh Woopsyang khởi xướng sau khi cô bị kiệt sức trầm trọng.
“Tôi tự hỏi tại sao mình lại lo lắng đến vậy khi không làm gì cả”, cô nhớ lại và nói thêm rằng đó là lúc cô nhận ra sự lo lắng của mình đến từ việc so sánh bản thân với những người khác có cuộc sống bận rộn.
“Trên thực tế, những người đó cũng có thể muốn tách ra và không làm gì giống tôi”, Woopsyang nói. “Vì vậy, tôi đã tạo ra một cuộc thi với suy nghĩ rằng sẽ rất tuyệt nếu tất cả cùng nhau tạm dừng ở cùng một địa điểm vào cùng một thời điểm”.
Cô cho biết, cuộc thi còn là nghệ thuật trình diễn.
Woopsyang cho biết: “Mặc dù các thí sinh vẫn ở yên trong địa điểm thi đấu nhưng khán giả vẫn liên tục di chuyển xung quanh,” đồng thời cho biết thêm mục tiêu của cô là “tạo ra sự tương phản trực quan giữa một nhóm không làm gì và một nhóm bận rộn”.
Kể từ khi cuộc thi Space-out đầu tiên được tổ chức tại Seoul vào năm 2014, nó đã mở rộng ra phạm vi quốc tế, với các cuộc thi diễn ra ở nhiều thành phố khác nhau như Bắc Kinh, Rotterdam, Hong Kong và Tokyo.
Chiến thắng cuộc thi năm nay tại Seoul thuộc về phát thanh viên tự do Kwon So-a, người làm nhiều công việc khác nhau, và mang về nhà chiếc cúp có hình giống tác phẩm điêu khắc “The Thinker” của Auguste Rodin.
Kwon, 35 tuổi, cho biết: “Hàn Quốc là một đất nước đặc biệt cạnh tranh, nơi mọi người nghĩ rằng nếu họ không làm gì thì họ sẽ bị tụt lại phía sau một chút. Tôi nghĩ mọi người đều phải có nhịp độ riêng của mình và đôi khi chỉ cần chậm lại”.
Cô nói thêm rằng không làm gì hết “rất tốt cho sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe thể chất của bạn vì cơ thể bạn cần thư giãn, nhưng cơ thể chỉ có thể thư giãn khi não bạn thư giãn”.
Singapore và Hàn Quốc báo động vì tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục
Quốc gia mỗi năm có 68.000 người chết trong cô độc, tình trạng trở thành từ vựng phổ biến
Tỷ lệ sinh quá thấp, quốc gia này muốn thành lập một bộ riêng để giải quyết
Theo CNN