Thí điểm tự chủ bệnh viện (Bài 4): Mô hình tự chủ toàn diện đã sai ngay từ triết lý ban đầu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Việc 2 bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện rơi vào khó khăn và xin “thôi” tự chủ toàn diện cho thấy sự thất bại của mô hình này, hay ít nhất là chưa đúng ở thời điểm hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS).
Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS).

Khi giao quyền tự chủ cho các bệnh viện (BV), Chính phủ và Bộ Y tế đều kỳ vọng sẽ có sự bứt phá ngoạn mục trong việc nâng cao chất lượng y tế. Thực tế, quá trình xã hội hóa ở các BV đã ít nhiều mang lại bộ mặt mới cho các BV, lợi ích cho bệnh nhân khi BV được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, người bệnh được khám, chữa bệnh (KCB) bằng các kỹ thuật cao mà không phải ra nước ngoài. Vì thế, nhiều người cho rằng để các BV tự chủ là con đường tốt nhất nhằm huy động được nhiều nguồn lực, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại. Ngược lại, có ý kiến cho rằng, đó không phải là mô hình đúng.

Giữa những ý kiến trái chiều đó, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS).

Mô hình sai?

- Việc 2 BV được giao quyền tự chủ toàn diện đã xin rút lui khỏi mô hình này, cho thấy, vấn đề tự chủ không dễ mang lại hiệu quả như mong muốn là thay đổi cơ chế quản trị truyền thống đã trì trệ, tận dụng được các nguồn vốn để đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng KCB?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Việc đặt vấn đề tự chủ ở BV công đã sai ngay từ triết lý ban đầu, bởi dịch vụ công thì không thể yêu cầu tự chủ được. Đã tự chủ để có nguồn thu, thì phải kinh doanh, phải có lợi nhuận. Khi BV phải tạo ra các dịch vụ để có lợi nhuận, đã dẫn đến thực trạng hiện đang khá phổ biến là trong cùng BV công, có người bệnh được thuê nằm riêng một phòng rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, có cả chỗ để xe ô tô, trong khi những bệnh nhân khác chen chúc hai, ba, bốn người/giường.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Giám đốc BV Việt Đức – thực hiện thành công ca mổ khớp gối cho cụ bà 100 tuổi
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Giám đốc BV Việt Đức – thực hiện thành công ca mổ khớp gối cho cụ bà 100 tuổi

Trong BV công lập, nơi nhà nước đầu tư từ đất đai đến cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, tình trạng người có tiền được hưởng giá dịch vụ rẻ (so với tư nhân), được ưu tiên chăm sóc, là rất bất bình đẳng.

Do đó, điều mà chúng ta cần giải quyết là làm sao để nâng hiệu quả vận hành BV công, chứ không phải là thực hiện tự chủ trong BV công.

- Nhưng nếu cứ theo cách quản lý cũ, thì với nguồn kinh phí nhỏ giọt của ngân sách, các BV sẽ khó/không thể mua sắm được trang thiết bị đắt tiền cho những kỹ thuật cao. Vì thế, việc xã hội hóa trong các BV cũng là giải pháp cần thiết để giúp các BV bước qua khó khăn chứ?

Đang có sự lẫn lộn về cung cấp dịch vụ công y tế, dẫn đến thiết kế mô hình công - tư bất hợp lý, và vô tình trở thành con đường đưa một loạt bác sĩ giỏi, lãnh đạo đầu ngành, cán bộ quản lý BV công vướng vòng lao lý, gây những thiệt hại to lớn cho ngành y tế. Bởi đã có yếu tố kinh doanh thì phải đặt nặng lợi nhuận lên trên, nên khó tránh khỏi việc BV lạm dụng các dịch vụ cận lâm sàng, kê đơn không cần thiết để thu được nhiều tiền hơn từ người bệnh, từ bảo hiểm y tế.

Sẽ không có một quy trình nào đủ hiệu quả để ngăn những biến tướng đó. Nếu quy trình lỏng lẻo thì sẽ khiến y đức tiếp tục tha hóa và bệnh nhân tiếp tục là nạn nhân. Còn quy trình quá chặt thì sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, sẽ làm tê liệt hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, mà thực tế đã diễn ra, khiến hiện nhiều BV thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị và bệnh nhân cũng lại là nạn nhân.

Giải pháp: Công - tư phát triển song hành

- Nhưng các BV cũng cần phát triển và đặc biệt, người dân cũng cần được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao, nên không thể cứ duy trì mãi cách quản trị BV công theo lối cũ?

Để giải quyết vấn đề trên, không phải bằng cách lẫn lộn công - tư, mà phải khắc phục bằng giải pháp chính sách ở cấp độ nền tảng hơn với hai giải pháp song song.

Đó là một mặt, khuyến khích xã hội hóa đúng bản chất, bằng cách tạo môi trường cho bệnh viện tư phát triển. Mặt khác, trả BV công về đúng bản chất “công”, là chỉ cung cấp dịch vụ y tế công cho những nhóm người dân nhất định, ở một mức độ chất lượng cơ bản. Không thể đòi hỏi BV công vừa đồng thời phục vụ đối tượng phổ thông, lại vừa có chất lượng dịch vụ KCB tối ưu.

BV Bạch Mai gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các thầy thuốc vẫn cố gắng chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân (ảnh: Đỗ Hằng)

BV Bạch Mai gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các thầy thuốc vẫn cố gắng chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân (ảnh: Đỗ Hằng)

Với BV công, cần từng bước giới hạn đối tượng phục vụ là những nhóm dân cư có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, và đáp ứng mức độ chăm sóc y tế cơ bản. BV công không thể bố trí riêng mỗi bệnh nhân một phòng, mà phải chấp nhận nằm phòng chung, miễn là đáp ứng mỗi giường một người. Nhà nước sẽ có trách nhiệm đầu tư đầy đủ để BV công đáp ứng mức độ cơ bản đó.

Đương nhiên, mục tiêu này cần có lộ trình để thực hiện từng bước: Chỉ khi y tế ngoài công lập phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu người dân, thì BV công mới có thể thu hẹp phạm vi phục vụ vào các nhóm ưu tiên.

- Như ông nói, muốn BV công về đúng bản chất BV công, thì cũng phải phát triển mạnh mẽ hệ thống y tế tư nhân, để tạo thế hai chân kiềng?

Vài thập kỷ trước, khi khu vực y tế tư còn yếu, ngân sách thiếu tiền, thì liên kết công - tư giúp hài hòa lợi ích giữa 2 bên. Nhưng hiện nay, khu vực y tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ với nhiều phân khúc, từ cao cấp đến cơ bản, đáp ứng các nhu cầu KCB của người dân. Thậm chí, nhiều BV tư còn chú ý đầu tư, mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại nhất, để thực hiện các kỹ thuật cao.

Y tế tư nhân sẽ nhanh chóng phát triển hơn nữa, mở rộng mạng lưới đến tận vùng nông thôn, miền núi, khi chúng ta có chính sách hợp lý, chú trọng vào tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, như minh bạch và bình đẳng tiếp cận nguồn chi trả của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đặc biệt, thị trường dịch vụ y tế tư nhân cần là một thị trường có cạnh tranh, với nhiều phân khúc khách hàng, nhiều mức giá. Vì thế, không thể kiểm soát hành chính về giá cả đối với dịch vụ y tế tư nhân. Công cụ kiểm soát chỉ có thể là tiêu chuẩn, quy chuẩn và đánh giá chất lượng dịch vụ chứ không thể kiểm soát giá.

Không lo việc tự định giá của y tế tư nhân sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi người bệnh, vì người bệnh có quyền lựa chọn dịch vụ KCB cho cá nhân. Nếu giá dịch vụ KCB của BV này đưa ra không hợp lý, bệnh nhân sẽ chọn BV khác.

Xã hội hóa y tế đúng nghĩa

- Tạo điều kiện để y tế công và tư phát triển song hành, mà không cần chuyển đổi BV công sang cơ chế tự chủ?

Thay vì yêu cầu tự chủ, thì tiêu chí để đánh giá BV công là hiệu quả vận hành và hiệu quả hoạt động. Tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế, từ đó bảo hiểm y tế trả mức cơ bản; phần vượt quá người dân tự bù đắp – là yêu cầu bắt buộc. Thiết kế chính sách theo hướng: các BV công phải cạnh tranh lẫn nhau; và cạnh tranh với BV tư trong việc tiếp cận nguồn chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng là một giải pháp nâng cao hiệu quả khác.

Tiến trình này sẽ mất thời gian, nhưng chắc chắn khả thi. Đến lúc đó, người dân muốn dùng các kỹ thuật cao, sẽ vào BV tư. Điều này mới thực sự là xã hội hóa y tế đúng nghĩa khi tư nhân được cung cấp dịch vụ y tế cho những nhóm đối tượng có khả năng chi trả và có nhu cầu cao hơn mức cơ bản.

Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả phí dịch vụ cơ bản dù người dân vào BV công hay tư, còn người bệnh sẽ phải chi trả phần phí dịch vụ tăng thêm. Người dân được quyền lựa chọn dùng mức bảo hiểm y tế chi trả cơ bản để đến BV công hay BV tư. Trường hợp những bệnh nhân nghèo, cận nghèo không đủ tiền chi trả, thì các nguồn từ thiện nguyện sẽ hỗ trợ để giải quyết một phần. Thực tế, bệnh nhân nghèo vào BV công, thì cũng không được miễn phí.

Đã đến lúc xem lại tư duy tiếp cận. Việc “đại phẫu” ngành y cần được thảo luận và nhìn sâu lại từ gốc chính sách, từ những triết lý gốc rễ nhất.

- Cám ơn ông vì cuộc trò chuyện dành cho VietTimes!

Thanh Hằng (thực hiện)