|
TS.BS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), chuyên gia phản biện chính sách y tế |
LTS: Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đề xuất được dừng thí điểm tự chủ toàn diện, đã gây bất ngờ lớn với nhiều người trong và ngoài ngành Y tế. VietTimes đã đề nghị TS.BS Trần Tuấn(*) có bài viết nêu nhận định về vấn đề này. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
Bệnh viện (BV) Bạch Mai đề nghị Bộ Y tế cho dừng thí điểm tự chủ toàn diện sau 2 năm triển khai. Còn BV K, báo chí dẫn lời GS. Lê Văn Quảng giám đốc BV cho biết, khó khăn của BV Bạch Mai cũng là của BV K, và cùng mong muốn đi theo đề xuất của BV Bạch Mai: dừng thí điểm tự chủ toàn diện.
Như đã biết, ngày 19/5/2019, Chính phủ có Nghị quyết số 33/NQ-CP (sau đây gọi tắt Nghị quyết 33) tạo hành lang pháp lý cho 4 BV Bạch Mai, BV K, Việt Đức và Chợ Rẫy thực hiện thí điểm “cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện”. Hai BV Bạch Mai và BV K đã triển khai thực hiện. BV Việt Đức và BV Chợ Rẫy thì do yếu tố khách quan và chủ quan nên chưa thực hiện.
Nay với diễn biến nêu trên, 4 BV đã bước vào trạng thái “buông” cái cơ hội “tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện” trong vận hành BV công mà bao năm nay, một số vị lãnh đạo trong ngành y tế, cả một số vị trong Chính phủ, và rộng ra, một bộ phận đáng kể trong xã hội, luôn cố gắng vận động.
Điều này là đáng mừng hay đáng lo?
Để trả lời câu hỏi trên, tôi xin bàn thêm hai 'câu hỏi dẫn đường' dưới đây:
Trước hết, là câu hỏi 1: Nghị quyết 33 cho phép 4 BV công thí điểm “tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện” đến mức nào?
- Có tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn? CÓ!
- Có tự chủ tự chịu trách nhiệm về tổ chức và nhân sự không? CÓ.
- Có tự chủ tự chịu trách nhiệm về đầu tư mua sắm và quản lý tài sản không? CÓ.
- Có tự chủ tự chịu trách nhiệm về giá dịch vụ không? CÓ, cho phần dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Còn với khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, thì theo bảo hiểm y tế.
|
Tuy có nhiều khó khăn, các bác sĩ Bệnh viện K vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân |
Ngoài ra, các loại hình hoạt động khác như đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, hợp tác quốc tế, v.v. cũng được tự quyết định!
Mấy tuần nay, truyền thông bàn luận nhiều về các căn nguyên, quy tụ lại vào “giá dịch vụ”, bài toán kinh tế “nguồn sống của các BV”! Nghị quyết 33 (và cả Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập) ra ngày 21/6/2021, phần về “giá dịch vụ” cho loại hình khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thực ra đã “rất mở”, viết “như mơ” cho các lãnh đạo BV: Cho phép "xác lập khung giá dịch vụ y tế theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích lũy, trên cơ sở tham khảo giá của các BV tư nhân và các BV có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam"! Bộ Y tế ban hành khung giá này!
Nghị quyết 33/2019/NQ-CP rõ ràng là 'phép thử' trao toàn quyền cho ngành y tế, thực hiện giấc mơ vận hành loại hình 'BV công', quản lý 'hiệu quả như tư'! Viễn cảnh giải được bài toán 'hiệu quả, chất lượng, cạnh tranh bền vững' cho BV công trong nền kinh tế thị trường chừng như đang đến nhờ Nghị quyết 33/2019/NQ-CP.
Vậy mà trong khi các BV tư vẫn 'sống được' trong 2 năm qua, chấp nhận chung cơ chế cả khám, chữa bệnh bảo hiểm và giá dịch vụ tự xây dựng, thì BV Bạch Mai và BV K thí điểm tự chủ toàn diện lại 'càng làm càng lỗ', tới mức chỉ 2 năm thôi đã… không chịu nổi phải 'buông súng'!
Câu hỏi 2 cần đặt ra: Tại sao lãnh đạo các BV Bạch Mai, BV K đề nghị cho dừng thực hiện tự chủ toàn diện? Tại sao BV Chợ Rẫy, Việt Đức chưa dám thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện?
Những phát biểu của lãnh đạo các BV trên thực tế chưa đủ để giải đáp thỏa mãn câu hỏi nêu trên.
Cần có một nghiên cứu khoa học định hướng chính sách, được thiết kế chuẩn thức, thông tin thu thập toàn diện, phân tích đa chiều đủ sâu để làm rõ đâu là căn nguyên chính, đâu là yếu tố ảnh hưởng khách quan, chủ quan; cái gì đến từ dịch bệnh, cái gì từ ngành y tế, từ thực tế BV, từ chính sự trỗi dậy của đối thủ cạnh tranh là các BV tư đang có trong thị trường, v.v.
Loại nghiên cứu vận hành hệ thống định hướng chính sách này mà thuật ngữ tiếng Anh là operation research, đòi hỏi thiết kế phải phối hợp cả về lượng (quantitative), và về chất (qualitative); phải thêm minh chứng bằng những 'case-studies' cụ thể, cả thành công và thất bại; thông tin phải được thu thập theo phương thức 'hợp tác nhiều bên' (participatory approach); phân tích phải được thực hiện bằng một nhóm chuyên gia đa thành phần, cả trong và ngoài ngành y tế.
Rõ ràng, Chính phủ đã thấy trước, nên ra nghị quyết nêu rõ cấp độ làm 'thí điểm'. Thí điểm, nghĩa là để rút kinh nghiệm trước khi ra phương án chính thức nhằm giải quyết những vấn đề thách thức sự phát triển của hệ thống khám, chữa bệnh công.
Vậy thì, triển khai thực hiện Nghị quyết 33, phải được tiến hành theo nguyên tắc của một nghiên cứu khoa học định hướng chính sách, có đánh giá trước và sau khi thí điểm.
Tôi e rằng cho đến thời điểm BV Bạch Mai đề nghị Bộ Y tế cho dừng, một nghiên cứu như thế vẫn chưa được thiết kế và triển khai thực hiện!
Vậy nên chúng ta cùng mong đợi Chính phủ sớm cho thực hiện đánh giá độc lập, khoa học về việc triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP trong khoảng thời gian 2 năm qua.
Còn nếu Chính phủ đã cho thực hiện việc đánh giá rồi, thì rất mong sớm được đọc báo cáo đánh giá đó! Bởi câu chuyện BV 'công ra công, tư ra tư, nhân đạo phi vụ lợi ra nhân đạo phi vụ lợi' phụ thuộc rất nhiều vào những bài học rút ra từ cuộc thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của 4 BV Bạch Mai, BV K, Chợ Rẫy và Việt Đức.
'Mừng hay lo' với câu chuyện quản lý vận hành BV Bạch Mai, BV K (nói riêng) và giải quyết căn bản những thách thức phát triển đối với khối BV công của Việt nam (nói chung), câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước!
Nhưng tôi tin, theo xu thế, mừng hẳn sẽ nhiều hơn! Công sẽ trở về công đích thực!
Bởi tôi đã thấy, gần đây đã có những tia sáng tỏa ra từ Nghị định số 60/2021-NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, và gần nhất, phiên bản 4 của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã đặt những viên gạch pháp lý xây móng cho sự tồn tại của 3 chủ thể cung cấp dịch vụ y tế trong thị trường chăm sóc sức khỏe Việt nam: 'Công lập', 'Tư nhân', và 'Ngoài nhà nước, nhân đạo, không vì lợi nhuận' (TLTK5).
BV Bạch Mai, BV K rồi sẽ tới ngày trở thành chính nó, như những định hướng ban đầu đã xác lập nên!"
_______________________________
(*) TS.BS. Trần Tuấn là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), chuyên gia phản biện chính sách y tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://vnexpress.net/benh-vien-bach-mai-xin-dung-thi...
2. https://www.congluan.vn/giam-doc-benh-vien-k-benh-vien...
3. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/.../nghi-quyet-so...
4. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=203429
5. Trần Tuấn (12/08/2022). Nguồn lực đầu tư cho khám bệnh, chữa bệnh & xã hội hóa, hợp tác công-tư trong vận hành hệ thống y tế: Thực trạng và kiến nghị sửa đổi, bổ sung dự thảo luật KB-CB (sửa đổi) phiên bản 04 (25/07/2022). Tài liệu tọa đàm 'Tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)', Viện Nghiên cứu Lập pháp & Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Hà Nội, 12.08.2022 (Bạn đọc quan tâm bài viết có thể tiếp cận qua trang của RTCCD: https://rtccd.org.vn/cong-nhan-loai-hinh-ngoai-nha-nuoc.../)