Thêm dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Nhật Bản quyết tâm cứng rắn với Trung Quốc

VietTimes -- Khi trả lời phỏng vấn tạp chí Will Nhật Bản vào năm 2006, Tân Bộ trưởng Quốc phòng - bà Tomomi Inada cho biết: "Đền Yasukuni không phải là nơi thề thốt từ bỏ chiến tranh, mà là nơi cần phải tuyên thệ "Tổ quốc mà có biến, chúng ta kế tục'".

 

Bà Tomomi Inada, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Indiaexpress
Bà Tomomi Inada, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Indiaexpress

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 7/8 dẫn Đài tiếng nói Hoa Kỳ ngày 4/8 cho biết dựa vào kết quả bầu cử Thượng viện Nhật Bản tháng 7/2016, ngày 3/8 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cải tổ ban lãnh đạo Đảng Tự do Dân chủ (LDP) và nội các.

Bà Tomomi Inada, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.
Bà Tomomi Inada (bên phải), Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.

Trong các nhân sự mới, bà Tomomi Inada, một cựu quan chức LDP phụ trách về chính sách, người được dư luận trong và ngoài Nhật Bản coi là thuộc phái bảo thủ, đã đảm nhận cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Điều này đã gây cảnh giác cho dư luận Trung Quốc.

Bà Tomomi Inada là nữ chính khách thứ hai Nhật Bản đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên giữ cương vị này là bà Yuri Koike - bà vừa trúng cử Thị trưởng thành phố Tokyo.

Trên báo chí bà Tomomi Inada cho biết quan niệm chính trị của bà là để thực hiện "tuyền thống và sáng tạo" của nước lớn về chính nghĩa, hình dung "cải cách thực sự cần giống như thời kỳ Minh Trị duy tân, vừa bảo vệ truyền thống, vừa sáng tạo ra sự vật mới".

Bà cho biết: "Nhật Bản 65 năm sau Chiến tranh, đang đứng trước cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ khi thành lập nước đến nay, trận động đất lớn ngày 11/3/2011 đã làm thay đổi cách sống và quan niệm giá trị của người Nhật Bản, cần phải bù đắp lại những thứ phong phú mất đi, vấn đề chính trị quan trọng nhất là bảo vệ độc lập quốc gia và bảo đảm an ninh lãnh thổ, biển".

So với chủ trương chính trị công khai trước đây của bà, tư tưởng chính trị của bà Tomomi Inada đã thể hiện ngôn ngữ khôn khéo trong những năm gần đây.

Bà Tomomi Inada, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg
Bà Tomomi Inada, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Khi trả lời phỏng vấn tạp chí Will Nhật Bản vào năm 2006, Tân Bộ trưởng Quốc phòng - bà Tomomi Inada cho biết: "Đền Yasukuni không phải là nơi thề thốt từ bỏ chiến tranh, mà là nơi cần phải tuyên thệ "Tổ quốc mà có biến, chúng ta kế tục'".

Năm 2007, sau khi xem bộ phim "Sự thật Nam Kinh", bà nói với các phóng viên rằng: "Những ghi chép về cuộc thảm sát 100 người gây nghi ngờ là không tin cậy".

Người nối nghiệp Thủ tướng?

Bài báo cho biết khoảng từ tháng 9/2014 trở đi khi bà Tomomi Inada lên làm người đứng đầu về chính sách của đảng LDP, trong đảng LDP đã có tin đồn rằng Thủ tướng Shinzo Abe có ý định xây dựng bà Tomomi Inada thành ứng cử viên Thủ tướng tương lai, bà Tomomi Inada bắt đầu tránh né rất nhiều phát biểu nhạy cảm.

Chẳng hạn, bà đã thay đổi lập trường mạnh mẽ phản đối Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây.

Bà cũng thay đổi thái độ trên khuôn mặt, đã tươi cười nhiều hơn và đã nhiều lần tham gia các hoạt động như Cosplay (đóng vai hoạt hình) để làm nổi bật hình tượng nữ tính.

Bà Tomomi Inada, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Straitstimes
Bà Tomomi Inada, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Straitstimes

Tuy nhiên tờ Jiji Press Nhật Bản dẫn nguồn tin cho biết: "Ít nhất hiện nay, khả năng bà Tomomi Inada trở thành Thủ tướng rất thấp". "Ông Shinzo Abe lần này cải tổ nội các chủ yếu là đã cân nhắc đến nhân tố nội bộ.

Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike đang được quan tâm, phe bồ câu trong đảng LDP còn để lại ông Fumio Kishida, bà Tomomi Inada là một quân cờ cân bằng các thế lực chính trị, đương nhiên tư tưởng chính trị của bà thực sự gần gũi với ông Shinzo Abe".

Theo bài báo, chủ trương bảo thủ và các hành động của bà Tomomi Inada đã làm cho bà nhanh chóng gây chú ý ở Nhật Bản, đồng thời cũng gây cảnh giác cho Trung Quốc và Hàn Quốc.

Năm 2011, bà Tomomi Inada đã bị Hàn Quốc cấm nhập cảnh do bà đã tham gia một chiến dịch tuyên bố chủ quyền đối với đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là đảo Dokdo).

Đối với việc bà Tomomi Inada làm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc đã thể hiện thái độ cảnh giác.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc tỏ thái độ thận trọng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi văn bản trả lời phỏng vấn của hãng tin Kyodo cho rằng đây là công việc nội bộ của Nhật Bản, Chính phủ Trung Quốc không tiện bình luận, nhưng báo chí nhà nước Trung Quốc lại làm ầm lên.

Nhật Bản quyết tâm cứng rắn với Trung Quốc

Ngoài ra, theo BBC Anh ngày 4/8, bà Tomomi Inada là một nhân vật cứng rắn, đã từng nhiều lần đến thăm đền Yasukuni. Ngày 3/8, khi được hỏi bà có thăm đền Yasukuni vào ngày 15/8 hay không, bà Tomomi Inada đã tránh trả lời trực tiếp.

Bà Tomomi Inada, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Indiaexpress
Bà Tomomi Inada, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Indiaexpress

Giáo sư Takashi Kawakami, Đại học Takushoku Nhật Bản cho rằng bà Tomomi Inada thuộc phái cực kỳ bảo thủ, việc bổ nhiệm bà sẽ được coi là tiến hành chuẩn bị cho sửa đổi Hiến pháp, đồng thời có thể được coi là chính quyền Shinzo Abe “quyết tâm thực hiện lập trường cứng rắn” đối với Trung Quốc.

Bà Tomomi Inada năm nay 57 tuổi, xuất thân từ luật sư, bà từng nghi ngờ về vụ thảm sát Nam Kinh ở Trung Quốc do Quân đội Nhật Bản tiến hành.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ ngày 4/8 cho rằng bà Tomomi Inada xuất thân từ luật sư là đồng minh chính trị của ông Shinzo Abe, bà luôn chủ trương sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (tuyên bố vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh).

Bà còn nghi ngờ phán quyết của Tòa án quân sự quốc tế Viễn Đông xử lý tội phạm chiến tranh Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trước đây, bà cũng thường xuyên đến thăm đền Yasukuni, nơi được báo chí Trung Quốc cho là thờ tội phạm chiến tranh Nhật Bản.

Trung Quốc bất ngờ triển khai hành động chống Nhật ở vùng biển đảo Senkaku

Ngay sau khi bà Tomomi Indada lên nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, đến chiều ngày 5/8, các tàu cảnh sát biển và hơn 230 tàu cá Trung Quốc đã lần đầu tiên đồng thời xâm nhập lãnh hải đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).

Đến sáng ngày 6/8 Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác nhận có 6 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào khu vực tiếp giáp đảo Senkaku, tàu công vụ Nhật Bản đã phát hiện hơn 230 tàu cá Trung Quốc ở lân cận. Nhật Bản đã lên tiếng phản đối Trung Quốc.

Tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku Nhật Bản. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku Nhật Bản (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư). Ảnh: Sina Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp lại bằng cách đưa ra tuyên bố “chủ quyền” theo thường lệ, đồng thời đòi Nhật Bản không được có bất cứ hành động nào gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình, hơn nữa đòi Nhật Bản có các nỗ lực để bảo đảm ổn định vùng biển này.

Hãng tin Kyodo Nhật Bản cho biết, sáng ngày 6/8, 6 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã lần lượt xâm nhập khu vực tiếp giáp đảo Senkaku. Tàu Trung Quốc bị nghi ngờ trang bị pháo. Tờ Sankei Shimbun dẫn lời Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, có 3 tàu Trung Quốc bị nghi ngờ lắp vũ khí. Phía Nhật Bản đã giữ cảnh giác với hành động cố tình nhiều lần gây sự cố kiểu này.

Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh, hành động đơn phương này của Trung Quốc đã tiếp tục làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng, tuyệt đối không thể chấp nhận. Ông yêu cầu tàu Trung Quốc không được xâm phạm lãnh hải và phải rời khỏi khu vực tiếp giáp. Sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối với Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản cho rằng mặc dù tàu nước ngoài hoạt động ở khu vực tiếp giáp hoàn toàn không vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng tàu lắp vũ khí có số lượng nhiều như vậy chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng.

Chiều ngày 5/8, có 2 tàu cảnh sát biển và 6 tàu cá Trung Quốc đã đi vào lãnh hải đảo Senkaku, khi đó đã bị Nhật Bản phản đối. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, đây là lần đầu tiên tàu công vụ Trung Quốc đi vào lãnh hải đảo Senkaku sau tàu cá.

Nhưng có lẽ điều bất ngờ đối với Nhật Bản là, hành động ngày 5/8 cơ bản chỉ là “diễn thử”. Ngày thứ hai (6/8) đã xuất hiện đội tàu Trung Quốc có quy mô lớn hơn.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku. Ảnh: Sina Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản phán đoán tàu Trung Quốc ngang ngược đến lãnh hải đảo Senkaku để tiến hành cái gọi là “thực thi pháp luật”, vì vậy đã nâng cấp độ phản đối.

Tối ngày 5/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã triệu kiến Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Trình Vĩnh Hoa để đưa ra phản đối mạnh mẽ, cho biết: “Hành động này đã xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản, kiên quyết không cho phép loại hành vi này”.

Ngoài ra, cơ quan chức năng Nhật Bản xác nhận, các tàu công vụ Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản vào chiều ngày 5/8 là tàu Hải cảnh-33115, tàu Hải cảnh-2307. Hai tàu này đều đã lắp pháo.