Bộ Y tế vừa có Công văn gửi 16 Sở Y tế về thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm chi phí tiền lương. Theo đó từ ngày 12/10/2016, viện phí chính thức được điều chỉnh tăng đợt 2 có tính chi phí tiền lương, áp dụng ở 16 tỉnh.
Cụ thể sẽ áp dụng tăng viện phí với các cơ y tế ở các tỉnh Kom Tum, Trà Vinh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Đăk Nông, Bình Dương, Đăk Lăk, Gia Lai, Phú Yên, Hà Nam, Long An.
Theo đó, viện phí tại 16 tỉnh nói trên tăng thêm khoảng 18% so với trước và chỉ áp dụng cho các bệnh nhân có thẻ BHYT, những bệnh nhân chưa có thẻ vẫn áp dụng theo mức giá cũ. Đối với người bệnh đang điều trị thời điểm trước ngày 12/10 sẽ vẫn áp dụng mức giá cũ cho đến khi kết thúc đợt điều trị.
Theo Bộ Y tế, việc thực hiện mức giá bao gồm cả tiền lương về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tê xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, người cận nghèo.
Từ tháng 3/2016 đến nay, viện phí đã điều chỉnh 2 lần đối với nhóm có thẻ BHYT. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ còn 3 đợt điều chỉnh giá với các địa phương còn lại.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế được BHYT chi trả đã bao quát khoảng 95% dịch vụ y tế hiện hành. Với gần 80% dân số có thẻ BHYT, người bệnh sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách BHYT. Tuy nhiên, trong trường hợp viện phí tăng, nếu không tham gia BHYT mà chẳng may đổ bệnh, người bệnh sẽ chịu gánh nặng rất lớn.