Cái kết “thấu tình đạt lý"
Chiều ngày 8/5, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức phiên xét xử phúc thẩm liên quan đến vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc môi giới đất nền” giữa nguyên đơn là Công ty CP Bách Đạt An (chủ đầu tư) và bị đơn là Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam (môi giới).
Vụ tranh chấp hợp đồng môi giới đất nền số 14/2017/HĐĐC/BĐA-CN ngày 14/7/2017 giữa Công ty CP Bách Đạt An (chủ đầu tư) và Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam (môi giới), tại dự án 7B mở rộng tại Khu đô thị mới Điện Nam Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Trong đó, Công ty CP Bách Đạt An (trụ sở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là nguyên đơn và Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam (trụ sở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là bị đơn.
Đây là vụ án chưa từng có từ trước đến nay trên địa bàn, khi số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan lên đến gần 300 người và sự việc kéo dài suốt hơn 2 năm qua. Vụ án trải qua cả chục lần hòa giải và xét xử không thành khiến sự việc trở nên phức tạp, có thời điểm trở nên căng thẳng khi hàng trăm người liên tục tập trung đông người kéo đến trụ sở các doanh nghiệp, thậm chí cơ quan chức năng với hy vọng tìm lấy lẽ công bằng.
Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc môi giới đất nền” giữa nguyên đơn là Công ty CP Bách Đạt An (chủ đầu tư) và bị đơn là Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam (môi giới)
|
Tại phiên tòa, đại diện cho Công ty CP Bách Đạt An kháng cáo nội dung bản án sơ thẩm ngày 28/11/2019 do TAND TP Đà Nẵng đã tuyên, yêu cầu giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện đối với Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam, bác bỏ nội dung hợp đồng số 14/2017/HĐĐC/BĐA-CN vì những sai phạm của Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam đối với việc bán sản phẩm cho khách hàng.
Bên cạnh đó, đại diện nguyên đơn cho rằng, hợp đồng này không có tính kế thừa với hợp đồng được Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam ký trước đó với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt, nên Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam không được phép bán sản phẩm cho người mua khi chưa có phụ lục hợp đồng với Công ty CP Bách Đạt An.
Trong khi đó, đại diện bị đơn là Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam tiếp tục giữ nguyên quan điểm như hợp đồng đã ký với chủ đầu tư và cho rằng, các thỏa thuận ký kết tại dự án có tính kế thừa từ Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt và Công ty CP Bách Đạt An. Nên các bên cần thực hiện các thỏa thuận đã cam kết tại cơ quan Công an tỉnh Quảng Nam nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua, các bên tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của các bên nhằm đảm bảo quyền lợi cho số khách hàng mua đất tại dự án này.
Trước những chứng cứ xác đáng, HĐXX phiên xét xử phúc thẩm đã tuyên án phúc thẩm, giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm ngày 28/11/2019 do TAND TP Đà Nẵng tuyên, buộc Công ty CP Bách Đạt An tiếp tục hợp đồng số 14/2017/HĐĐC/BĐA-CN ngày 14/07/2017 giữa Công ty CP Bách Đạt An và Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam; Công ty CP Bách Đạt An có trách nhiệm phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam thực hiện giao đất, thực hiện dự án đầu tư, lập các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những người liên quan.
Sau khi HĐXX tuyên án, phía bên ngoài trụ sở TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, hàng trăm khách hàng ngóng trông đã vỡ òa niềm vui khi một lần nữa, đơn kêu cứu của họ đã được thấu hiểu.
“Suốt 2 năm, chúng tôi đã phải lê la khắp nơi, từ trụ sở của Hoàng Nhất Nam cho đến Bách Đạt ở Đà Nẵng, rồi Bách Đạt An, kể cả trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam để được bấu víu, được bảo vệ. Đó là tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi tích góp lại mà có, mua miếng đất mong sẽ là của để dành, nhưng 2 năm qua, vụ kiện khiến chúng tôi hao tổn sức lực, tinh thần lẫn vật chất. HĐXX tuyên án, bác đơn của Bách Đạt An, yêu cầu cả 2 doanh nghiệp cùng hoàn thành nghĩa vụ với chúng tôi là bản án thấu tình đạt lý. Vừa đúng lý lẽ, vừa thuận với đạo đức kinh doanh?” – Chị Võ Thị Mến (trú Minh An, Hội An) khách hàng mua đất tại dự án nói.
Vẫn còn nhiều việc ở phía trước
Tại cả 2 phiên tòa, ông Trịnh Xuân Thái - Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho rằng, mặc dù việc các doanh nghiệp tiến hành thỏa thuận, mua bán với khách hàng, chính quyền không hề hay biết, nhưng khi xảy ra vụ việc, vì lợi ích của số khách hàng này, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ bằng việc yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện dự án, để Sở TN&MT, Sở Xây dựng và UBND Điện Bàn tiến hành các thủ tục liên quan để cấp sổ và thực hiện sang nhượng cho người dân.
“Và mới đây nhất, UBND tỉnh đã đệ trình HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư dự án làm căn cứ pháp lý quan trọng giúp các bên thực hiện các bước tiếp theo đối với dự án và sớm đảm bảo quyền lợi cho số khách hàng mua đất nền tại đây. Song thái độ của chủ đầu tư vẫn gần như im lặng” - ông Trịnh Xuân Thái nói.
Việc im lặng của chủ đầu tư Bách Đạt An buộc phía nhà môi giới Hoàng Nhất Nam đã phải đưa đơn phản tố lên TAND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) và TAND Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Dự án Hera Complex Riverside và Dự án Bách Đạt 1 (tên thương mại Eco Future Park).
Cụ thể đối với dự án Dự án Hera Complex Riverside, ngày 31/8/2018, Hoàng Nhất Nam nhận được Thông báo chấm dứt hợp đồng số 49/2018/CV-BĐA của Bách Đạt An với lý do Hoàng Nhất Nam đã vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng gây mất uy tín chủ đầu tư và mất an toàn dự án vì đã trực tiếp ký hồ sơ chuyển nhượng các lô đất thuộc dự án cho khách hàng và thu tiền trái quy định.
Diễn biến tiếp theo, Bách Đạt An yêu cầu thu hồi toàn bộ danh mục 326 lô đất của dự án Hera Complex Riverside đã ký kết với Hoàng Nhất Nam, đồng thời khởi kiện Hoàng Nhất Nam ra TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng) trong khi Hoàng Nhất Nam đã thanh toán gần như toàn bộ số tiền bán được.
Tuy nhiên, Hoàng Nhất Nam không đồng ý với các lý do trên và có yêu cầu phản tố gửi TAND quận Hải Châu yêu cầu Bách Đạt An nghiêm túc tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký giữa 2 bên sớm có những động thái đảm bảo quyền lợi cho số khách hàng mua đất nền tại dự án.
Còn đối với Dự án Bách Đạt Eco Future Park, cũng viện lý do tương tự nhằm thoái thác trách nhiệm với người mua, ngày 24/10/2018, Bách Đạt An thông báo chấm dứt hợp đồng số 107/2018/CV-BĐA với Hoàng Nhất Nam, tiến hành thu hồi toàn bộ số lô đất đã bán cho khách hàng từ năm 2017, buộc Hoàng Nhất Nam phải phát đơn khởi kiện Bách Đạt An tại TAND Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).
Cũng như đối với các dự án hợp tác giữa Hoàng Nhất Nam và Bách Đạt An, Hoàng Nhất Nam yêu cầu Bách Đạt An thực hiện nghiêm túc tiếp tục thực hiện cam kết với môi giới, hoàn thành việc thi công xây dựng hạ tầng dự án; hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án để thực hiện nghĩa vụ với hàng trăm khách hàng đã đặt mua sản phẩm.
Khách hàng mua đất nền do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư và nhà môi giới Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam tập trung trước cổng Tòa án cấp cao tại TP Đà Nẵng ngóng tin từ phiên xét xử
|
“Vì tin tưởng, chúng tôi đã bỏ tiền đặt mua, nhưng với việc điều chỉnh quy hoạch của chính quyền thì liệu có chồng chéo các quy định liên quan đến quy hoạch của khu đô thị mới Điện Nam Điện Ngọc hay không. Đơn cử là Quyết định 1253 về khớp nối quy hoạch chi tiết 1/500 khi mật độ đất ở chỉ 35%, trong khi đó các quyết định phê duyệt 1/500 mới hay cũ vẫn không đảm bảo theo quy định này… như vậy liệu những người đã mua như chúng tôi có nhận được giấy chứng nhận theo quy định hay không?” - ông Nguyên Viết Dự (Hội An, Quảng Nam) lo lắng.
Như vậy, sau những diễn biến của vụ việc, liệu TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng) và TAND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) có đưa ra những phán quyết thấu tình đạt lý như TAND TP Đà Nẵng và TAND Cấp cao vừa tuyên đối với vụ án tranh chấp giữa 2 bên, đem lại những tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS tại khu vực cung như tránh những xung đột khiến kiện kéo dài trong suốt 2 năm qua?
“Từ bài học của Hoàng Nhất Nam và Bách Đạt An, trước khi ký kết hợp đồng các doanh nghiệp cần phải lưu ý nhiều hơn đến 2 vấn đề sau. Thứ nhất cần phải làm rõ những căn cứ pháp lý của nội dung hợp tác. Khi một doanh nghiệp muốn hợp tác với ai về quan hệ pháp luật nào thì phải tìm hiểu rõ những quy định pháp luật điều chỉnh về cái quan hệ pháp luật đó. Phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình đối với bên mà mình định hợp tác, cũng như bên thứ 3, các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Chỉ ký kết những hợp đồng hợp tác trong trường hợp căn cứ pháp lý đã được đảm bảo hoan toàn. Thứ nữa, các doanh nghiệp cũng phải dự liệu trước những tình huống, sự việc có thể xảy ra ngoài ý muốn. Phải thống nhất được trước những phương án xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu, để hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra và nếu có xảy ra thì cũng có cơ sở để giải quyết. Còn đối với người mua, trước khi tiến hành giao dịch phải đề nghị bên giao kết hợp đồng với mình cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến giao dịch, để mình trực tiếp hoặc nhờ người khác tìm hiểu, kiểm tra đánh giá về tính pháp lý của hồ sơ đó. Một biện pháp nữa để giảm thiểu rủi ro là người mua cần phải thỏa thuận, trao đổi với doanh nghiệp để làm rõ những quy định về chế tài đi kèm với cam kết của doanh nghiệp tại hợp đồng. Bởi vì mỗi cam kết chỉ có giá trị khi có chế tài kèm theo và cam kết được ghi rõ kèm chế tài sẽ là cơ sở để giải quyết nếu xảy ra tranh chấp” - Luật sư Dư Ngọc Thiện – Công ty Luật TNHH Thiện Minh (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) |