Thay đổi chính sách dân số, dân được đẻ thoải mái?

VietTimes -- Theo đại diện Tổng cục Dân số, năm 2013 có "nới" theo hướng giảm mức phạt: Đảng viên sinh con thứ 3 bị khiển trách, con thứ 4 cảnh cáo và con thứ 5 bị khai trừ. Còn lại không có quy định khống chế số con trong mỗi gia đình nên không có bãi bỏ, sinh bao nhiêu con là quyền của người dân. 
Mỗi gia đình được tự quyết định số con. Ảnh minh hoạ: giadinh.net
Mỗi gia đình được tự quyết định số con. Ảnh minh hoạ: giadinh.net
Tại buổi gặp gỡ báo chí của Bộ Y tế diễn ra chiều qua (17/10), ông Nguyễn Văn Tân, phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục dân số và KHH-GĐ (Bộ Y tế) cho biết, đến nay Việt Nam không có quy định pháp luật nào khống chế người dân sinh bao nhiêu con, nhưng có chính sách vận động mỗi gia đình sinh hai con, trừ nhóm đảng viên.

Ông Tân cũng cho biết từ năm 1993 đến nay, về mặt luật pháp, Nhà nước không có quy định khống chế số con, nhưng có chính sách vận động mỗi gia đình nên có 1-2 con, ngoại trừ đảng viên thì năm 2008 quyết định 94 của Trung ương Đảng nêu kỷ luật mức cảnh cáo với đảng viên sinh con thứ 3, khai trừ đảng viên sinh con thứ 4. 

Năm 2013 có "nới" theo hướng giảm mức phạt: Đảng viên sinh con thứ 3 bị khiển trách, con thứ 4 cảnh cáo và con thứ 5 bị khai trừ. Còn lại không có quy định khống chế số con trong mỗi gia đình nên không có bãi bỏ, sinh bao nhiêu con là quyền của người dân. 

Nếu có rà soát là rà soát các quy định với đảng viên, trước đây có đề nghị là bãi bỏ ngay các quy định xử lý kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ 3, nhưng sau khi được Hội nghị trung ương vừa qua góp ý thì chúng tôi đã đề nghị từng bước sửa đổi các quy định hiện có, theo hướng không xử phạt đảng viên sinh con thứ 3, thứ 4 nếu họ có mong muốn ấy.

Quy mô dân số năm 2016 gần 93 triệu người. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Đại diện Tổng cục Dân số cho biết, hiện tỉ lệ cư dân sống ở đô thị Việt Nam là khoảng 34%, so với thế giới là rất thấp. Mục tiêu đến năm 2030 có 45% dân số Việt Nam sống ở đô thị.

Trong những biện pháp để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa là cho phép người di cư, kể cả di cư đến khu vực đô thị, bình đẳng với người sở tại trong tiếp cận các dịch vụ công (về y tế, giáo dục... ) mà hiện đang không được bình đẳng do hộ khẩu.

Ngoài ra, có một mục tiêu nữa được đề ra trong dự thảo là đến năm 2030 có 100% dân số được đăng ký trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư toàn quốc, tức là bãi bỏ cách quản lý tạo rào cản giữa người dân sở tại và người di cư.

Cũng theo ông Tân, trong khảo sát mới nhất với 700.000 người, có trên 8% vẫn muốn có nhiều hơn 3 con, 9,3% muốn có 3 con, 73% muốn có 2 con và 8,3% muốn có 1 con.

Một hạn chế lớn trong công tác dân số suốt 25 năm qua là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng nhanh và ở mức nghiêm trọng. Đại diện Tổng Cục Dân số lí giải, sở dĩ có tình trạng này là do tập quán ưa thích con trai để có con nối dõi; lạm dụng kỹ thuật y học tiến tiến để lựa chọn giới tính khi sinh; chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, bố mẹ khi về già. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân do hạn chế mức sinh.

Theo ông Tân, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống mới có thể thay đổi toàn bộ nhận thức, hành vi của người dân, từ đó mới hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.