Ông Điệp cho rằng, tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng KĐT Thủ Thiêm mặc dù đã được các cấp, các ngành giải quyết trong nhiều năm nay, nhưng tình trạng này không những không thuyên giảm, mà ngược lại ngày một gay gắt, phức tạp hơn và cho đến hôm nay vẫn chưa có lối thoát.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ gay gắt, phức tạp vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng KĐT Thủ Thiêm?
Việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến KĐT Thủ Thiêm là rất phức tạp, gay gắt, kéo dài cho đến nay được khoảng 10 năm, gây mất an ninh, trật tự không chỉ ở địa phương mà cả Trung ương.
Những vấn đề mà người dân khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giá cả bồi thường theo Quy hoạch KĐT Thủ Thiêm. Đa số người dân cho rằng đất đai của họ không nằm trong ranh giới Quy hoạch năm 1996, Bản đồ Quy hoạch 1/5000 KĐT Thủ Thiêm.
Dích dắc hơn là có một số phường còn không có tên trong quy hoạch. Trước đây có những nơi là xã sau đó đổi thành phường, huyện, sau đó lên quận, thì một số cái tên trong hồ sơ trình chẳng biết do đánh máy hay copy thế nào lại mất luôn, không có trong hồ sơ, bản đồ. Vì họ không có tên trong quy hoạch cho nên người dân càng cho rằng đất đai của họ không thuộc diện bị thu hồi, lấy đất, nên càng khiếu kiện nhiều.
Thêm nữa là khi chính quyền thực hiện xây dựng KĐT Thủ Thiêm người dân cho rằng không có phương án bồi thường, đền bù, tổ chức cưỡng chế không đảm bảo. Sau đó họ tố cáo cả chính quyền, địa phương làm sai. Một số trường hợp đã kiện ra tòa.
Giờ họ yêu cầu tìm Bản đồ Quy hoạch 1/5000 nhưng tìm mãi, kể cả các cơ quan Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ,… cũng chưa tìm được.
- Khó vậy, các cơ quan chức năng phải trả lời người dân như thế nào, thưa ông?
Đây là Bản đồ quy hoạch kèm theo Quyết định 367 phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ năm 1996. Đến 2005 đã thay thế bằng Quyết định số 6565 điều chỉnh quy hoạch trước đó.
Cần nói rằng Tiêu đề Quyết định 6565 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 do Phó Chủ tịch UBND TP HCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Đua ký nhưng nội dung tại Điều 2 là thay thế Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ. Về thẩm quyền đây là sai sót về mặt hành chính.
Vấn đề ở đây là chính quyền có căn cứ vào Quy hoạch, bản đồ 1/5000 để điều chỉnh dẫn tới Bản đồ 1/2000 hay không? Có căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng để phê duyệt điều chỉnh lại hay không? Hồ sơ để xin Thủ tướng thì không phải chỉ có bản đồ Quy hoạch mà có rất nhiều hồ sơ kèm theo. Nhưng Bản đồ là một tài liệu quan trọng của Hồ sơ đó. Đây là vấn đề người dân đang thắc mắc và cần phải trả lời cho dân.
Theo nguyên lý thì không thể thiếu, không thể không tìm thấy Bản đồ Quy hoạch vì có rất nhiều cấp trình từ cấp địa phương TP. HCM đến Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ,… Nếu mà mất ở TP HCM thì các bộ, ngành khác phải có, lưu trữ chứ.
Bà con đang bám vào Quyết định của Thủ tướng để cho rằng mình nằm ngoài ranh giới quy hoạch nên khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp nhiều năm nay.
Đến thời điểm hiện tại chưa giải quyết được và phải chờ Kết luận của Thủ tướng, Kết luận của Thanh tra thôi.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc để “thất lạc” Bản đồ quy hoạch 1/5000 KĐT Thủ Thiêm là vô lý, ông có ý kiến gì về điều này?
Thực ra thì ai cũng cho rằng vô lý, vì nó phải có, không thể chỉ có ở một cơ quan mà nó phải ở rất nhiều cơ quan. Chẳng nhẽ tất cả các cơ quan đều để mất hết. Bây giờ bảo không có thì là vô lý còn nếu bảo có mà tất cả các cơ quan đều mất thì còn vô lý hơn.
Trong nhận thức thì không thể không có nhưng bây giờ nói với người dân có thì đâu? Tại sao tất cả các cơ quan đều không có? Như vậy không có tính thuyết phục cho người dân.
- Từ góc độ là cơ quan tiếp công dân ông đánh giá thế nào về cách giải quyết của cơ quan chức năng về vụ việc này?
Đây là bài học về công khai, minh bạch. Đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội, về việc thu hồi đất phải được công khai minh bạch tránh hình thức, không hiệu quả.
Kể cả cách giải quyết cũng phải công khai minh bạch, không thể vòng vo mãi với người dân được. Tôi cho rằng tất cả quyền lợi chính đáng của người dân phải được xem xét một cách thấu đáo.
Tiếp nữa là ngay từ cấp chính quyền địa phương phải giải quyết vụ việc dứt điểm ngay từ đầu không thể để kéo dài 10 năm, càng để lâu càng gây bức xúc cho người dân.
Thứ ba, là sự thống nhất của các cơ quan. Hiện nay bản thân các cơ quan còn không thuyết phục nổi nhau thì làm sao mà thuyết phục được người dân. Các cơ quan đều đưa ra những căn cứ, chứng cứ nhưng bản thân lại không thuyết phục được lẫn nhau.
Ban Tiếp công dân chúng tôi phải có tiếng nói khách quan, đúng pháp luật với người dân, đề xuất với chính quyền giải quyết đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Ngoài ra có cơ sở để vận động thuyết phục người dân chia sẻ khó khăn với chính quyền. Nếu như mình không có tiếng nói, “mũ ni che tai” thì người dân càng bức xúc, không hài lòng.
Với tôi quan trọng là phải giải quyết dứt điểm, không thể vòng vo mãi với dân được. Cái gì chính quyền chưa đúng thì xin lỗi người dân, khắc phục nhưng tương đối thôi chứ đừng nghĩ là tuyệt đối vì điều này rất khó. Mà người dân cứ đòi hỏi thì cũng khó có thể được. Họ đòi hỏi theo ý của họ cũng không thể làm được. Nhưng giải quyết như thế nào cho đúng quy định và đa số người dân chấp nhận được.
Xin cám ơn ông!