Để tránh vi phạm do hiểu không đúng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm, đảm bảo đủ vật tư, thuốc men phục vụ khám chữa bệnh, Bệnh viện Việt Đức đã tổ chức hội thảo về hướng dẫn các văn bản đấu thầu trong y tế với sự tham dự của nhiều bệnh viện trên địa bàn.
Theo TS. Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, việc tổ chức hội thảo liên quan đến mua sắm đấu thầu y tế là rất cần thiết, với hy vọng đây là diễn đàn có các chuyên gia chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm đấu thầu. Bởi từ 1/2/2024, Luật Đấu thầu có hiệu lực, rồi Nghị định và hàng loạt Thông tư hướng dẫn được ban hành, nên phải hiểu để làm cho đúng.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Theo ông Hùng, quy định pháp luật hay hướng dẫn thực hiện đều xuất phát từ thực tế, nhưng luôn có độ trễ. Thực tế thay đổi thì phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh nếu thực hiện nhanh, sớm thì sẽ tháo gỡ cho đơn vị, còn chậm lại thành rào cản.
Bên lề hội nghị, trao đổi với VietTimes, TS. Dương Đức Hùng cho biết: Để chủ động được vật tư, thuốc phục vụ khám, chữa bệnh trong mọi hoàn cảnh, bệnh viện đã xây dựng 2 quy trình mua sắm: Một quy trình mua sắm trong điều kiện bình thường và một quy trình mua sắm trong hoàn cảnh cấp bách, để khi xảy ra tình huống cấp bách, cán bộ chuyên môn cứ theo quy chế thực hiện, không cần họp, mà không sợ vi phạm.
Ông Hùng cũng trao đổi về những vướng mắc hiện nay trong quy định, tác động đến hoạt động khám, chữa bệnh.
Trước kia, việc thiếu thuốc trong dược nội trú được hệ thống nhà thuốc bệnh viện hỗ trợ, nhưng hiện hệ thống này gặp nhiều khó khăn do các quy định mới về đấu thầu, gây ra rào cản trong đáp ứng nhu cầu của người bệnh không phải nội trú hoặc nội trú một phần.
Nhà thuốc không chỉ bán thuốc mà còn bán vật tư liên quan đến khám, chữa bệnh như khi bệnh nhân ra viện cần cái nạng gỗ, nhưng việc xây dựng tiêu chí kỹ thuật cho vật tư này để đấu thầu là rất khó. Rồi sữa dinh dưỡng cho người bệnh phải được bán ở nhà thuốc chứ không được bán ở căng tin.
Ông Hùng cũng chia sẻ thêm: Đối tượng phục vụ của nhà thuốc khác với đối tượng phục vụ của dược nội trú. Nhà thuốc đáp ứng nhu cầu mua sắm của không chỉ bệnh nhân nội trú mà của cả bệnh nhân ra viện, bệnh nhân đến khám, nếu không đáp ứng, họ sẽ sang nhà thuốc khác.
Hệ thống nhà thuốc trong bệnh viện với hiệu thuốc tư nhân có sự khác biệt rõ ràng: Quan điểm của nhà thuốc trong bệnh viện phục vụ là quan trọng, còn nhà thuốc tư nhân đặt nặng việc kinh doanh có lãi.
“Chúng tôi đã báo cáo khó khăn đó với cơ quan có thẩm quyền và mong rằng những ý kiến của không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà còn của nhiều bệnh viện công, sẽ sớm được tháo gỡ để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh”- ông Hùng bày tỏ.
Chỉ thiếu thuốc không có tương đương sinh học
Về phản ánh của người dân rằng Bệnh viện Việt Đức thiếu thuốc, vật tư, khiến bệnh nhân phải mua ở bên ngoài, phải chờ đợi để được mổ, ông Hùng cho hay Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành nên số lượng vật tư, thuốc dùng rất lớn.
Tuy nhiên, thuốc điều trị có tương đương sinh học, tức là thuốc khác có tác dụng tương đương thay thế. Và thuốc điều trị mà có loại thay thế thì bệnh viện không thiếu, chỉ thiếu một số thuốc không có thuốc thay thế do không mua sắm được vì không có nhà cung cấp tham gia đấu thầu, mà nhiều bệnh viện công cũng đang gặp phải, như Albumin và Gamma Globulin. Đây là thuốc rất cần cho bệnh nhân nặng. Ở Bệnh viện Việt Đức, số bệnh nhân ghép tạng cần dùng loại thuốc này rất nhiều, nhưng không có trong dược nội trú, nên buộc phải mua ngoài.
Ông Hùng thông tin các nhà thuốc trong bệnh viện công đều được kiểm soát về giá cả và chất lượng, không có tình trạng ép giá. Bệnh viện phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc của nhà thuốc trong bệnh viện, nên Việt Đức không ủng hộ việc mua thuốc từ ngoài mang vào để dùng trong hệ thống nội trú, vì không kiểm soát được chất lượng thuốc. Còn thuốc đã đấu thầu, nhập qua hệ thống dược của bệnh viện mà nhà thuốc là một phần của hệ thống dược thì chất lượng thuốc do bệnh viện chịu trách nhiệm.
Phải chờ đợi mổ vì thiếu thuốc mê
Giải thích nguyên nhân của việc bệnh nhân phải chờ đợi để được mổ, ông Hùng cho biết: Mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức có khoảng 300 ca mổ phiên và 30-40 ca mổ cấp cứu. Vì thế nhu cầu thuốc mê rất lớn, mà là loại thuốc không có thuốc thay thế. Nhưng tháng 5/2024 mới có thông tư hướng dẫn mua sắm, nên các bệnh viện mới bắt đầu làm hồ sơ để thầu. Vì thế, thiếu thuốc mê, nên không thể mổ được.
Khi đã chậm tham gia thầu toàn hệ thống, bệnh viện không thể vay mượn nơi khác được. Do đó, cùng với việc nỗ lực để có hồ sơ thầu, bệnh viện phải điều tiết mổ trong thời gian chờ có thuốc, bằng cách lùi lại những cuộc phẫu thuật chưa thực hiện thì năm sau làm vẫn được như tháo nẹp vít, phẫu thuật thẩm mỹ… Còn các ca mổ ung thư, mổ cấp cứu, hay ghép tạng từ người cho chết não... vẫn phải đảm bảo.
Việc bệnh nhân phải chờ mổ lâu, theo ông Hùng, còn có nguyên nhân là bệnh viện tuyến cuối, bệnh nhân khắp nơi đổ về, số giường bệnh có hạn, nên thời gian chờ mổ phải giãn ra. Tất cả phòng mổ của bệnh viện đã hoạt động hết công suất, các bác sĩ mổ tới 21-22h đêm, không thể chạy theo số lượng mà kéo chất lượng khám, chữa bệnh xuống.
“Hiện nay gói thầu thuốc mê đã giải quyết được, số lượng mổ tăng trở lại. Với các gói thầu đã có kết quả, thời điểm khó khăn nhất của bệnh viện đã qua rồi” - ông Hùng thông tin.
Ông Hùng cũng cho hay các văn bản quy định, hướng dẫn đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua đã tháo gỡ được nhiều khó khăn trước đó, thậm chí có quy định tạo bước tiến vượt bậc, như không nhất thiết mua hàng với giá thấp nhất. Quy định mới đưa tiêu chí chất lượng, xuất xứ nguồn gốc vào đã giúp bệnh viện lựa chọn được hàng tốt, giá hợp lý và đúng luật.
Có giai đoạn bệnh viện không thể mua được hàng loại tốt vì tiêu chí kỹ thuật xây dựng cho 1 cuộn băng dính rất khó. Nên từng có loại băng dính được mua với giá rẻ nhất và khi bóc ra đã lột cả phần da người bệnh. Nhiều mặt hàng chất lượng không đáp ứng nhưng vì giá rẻ nhất nên vẫn trúng thầu, ảnh hưởng chất lượng điều trị.
Tại hội thảo, đại diện Trung tâm mua sắm tập trung Quốc gia,Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý Dược … đã cập nhật các quy định liên quan đến mua sắm các thuốc danh mục đàm phán giá; phổ biến các quy định mới về đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế, đồng thời, hướng dẫn và trao đổi tháo gỡ những vướng mắc hay gặp trong đấu thầu, mua sắm lĩnh vực y tế.