Ngày 29/9, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, sau thời gian xác minh thông tin Bí thư huyện Mỹ Đức Lê Văn Sang lợi dụng chức vụ, bổ nhiệm họ hàng làm lãnh đạo, Thành ủy nhận thấy thông tin trên không thuyết phục, tuy vậy việc con lãnh đạo được điều động về huyện là có cơ sở.
Theo ông Toàn, Đại hội lần thứ 23 Đảng bộ huyện Mỹ Đức ngày 26/7 chưa đạt kết quả do có biểu hiện cục bộ giữa các vùng miền, bộ phận, dẫn đến một số chức danh theo đề án nhân sự không trúng cấp ủy, như Chủ tịch UBND, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc huyện.
Kết quả đại hội đã gây dư luận không tốt ngay trong nội bộ huyện. Thành ủy nhận được rất nhiều đơn thư, chủ yếu nặc danh, nêu 14 trường hợp cán bộ huyện được cho là họ hàng của Bí thư Lê Văn Sang. Thành ủy đã lập tổ công tác làm việc với huyện, kiểm tra toàn bộ hồ sơ lưu trữ. "Qua đó nhận thấy quy trình bổ nhiệm chặt chẽ, đúng quy định, cán bộ được bổ nhiệm phần lớn đảm bảo tiêu chuẩn, có bằng đại học, nằm trong quy hoạch, sau khi được bổ nhiệm đã và đang phát huy tốt", ông Toàn thông tin.
Ngay sau đại hội, Thành ủy đã tăng cường ông Nguyễn Văn Hoạt (nguyên Phó chánh văn phòng UBND thành phố) về làm Chủ tịch huyện tại phiên họp bất thường của HĐND Mỹ Đức ngày 28/9.
Về hiện tượng "cả họ làm quan", ông Toàn cho rằng cần nhìn nhận khách quan. "Cán bộ trong hệ thống chính trị thường phấn đấu trưởng thành từ cơ sở. Con em cán bộ ở địa phương nào họ lại muốn gắn bó với nơi ấy. Trong một xã, huyện thì quan hệ họ hàng là khó tránh khỏi", ông Toàn phân tích và cho rằng 8-9 người quan hệ họ hàng trong các cơ quan của huyện là "hết sức ngẫu nhiên".
Theo ông Toàn, hầu hết cán bộ được huyện Mỹ Đức bổ nhiệm đều trưởng thành từ huyện, nhiều người đã cống hiến lâu dài. Ví dụ ông Lê Văn Sơn, được bổ nhiệm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy từ tháng 2/2005. Thời điểm đó Bí thư Lê Văn Sang (gọi ông Sơn bằng chú) là Trưởng phòng Tài chính. Bà Lê Thị Vĩnh (em gái ông Lê Văn Sơn) được bổ nhiệm phó phòng Tài chính sau hơn 20 năm công tác và gần 30 năm mới được bổ nhiệm trưởng phòng. Đến tháng 9/2012, ông Sang mới làm Bí thư huyện.
Trường hợp ông Lê Văn Trang (32 tuổi) con trai ông Lê Văn Sang được bổ nhiệm Bí thư xã An Phú, Thành ủy nhận định, ông Trang là cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực, từng làm cán bộ Cục thuế và Phòng Tài chính, giờ làm Bí thư xã thuộc diện khó khăn nhất của thành phố. "Nhiều người muốn con làm việc ở những nơi thuận lợi chứ không muốn con làm nơi khó khăn. Làm tốt không sao, không tốt mất uy tín cả bố lẫn con", ông Toàn nói.
Về 6 trường hợp được biệt phái từ Ban quản lý di tích Hương Sơn về huyện, theo ông Toàn, Mỹ Đức làm đúng thẩm quyền điều động bố trí viên chức trong huyện. Chùa Hương hoạt động theo mùa nên việc điều động có thể hiểu được, nhất là những cán bộ trẻ, có chuyên môn.
Tuy nhiên Thành ủy thừa nhận, 6 cán bộ được điều động đều là người thân lãnh đạo huyện Mỹ Đức. Cụ thể, ông Lê Đức Anh, con trai ông Lê Văn Sơn (Trưởng ban Tổ chức) được điều động về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng; ông Nguyễn Thế Hưng, con ông Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch) về Phòng Nội vụ; ông Nguyễn Văn Hùng, con trai ông Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch) về Phòng tài chính; ông Lê Quang Hưng con ông Lê Văn Cành (Phó chủ tịch) về giúp việc Phòng Nội vụ; bà Nguyễn Thị Ngọc Duyên, con dâu Bí thư Lê Văn Sang về Phòng Quản lý đô thị; ông Nguyễn Minh Hoàng, con trai bà Lê Thị Vĩnh (Trưởng phòng Tài chính) về Phòng Tài chính.
Thành ủy nhận xét, việc điều động thiếu nhạy cảm, thiếu thận trọng dễ dẫn đến dư luận đánh giá không khách quan. Thực tế nhiều con em lãnh đạo huyện đã được điều động nên dư luận nói là có cơ sở. Nếu điều động có tiêu chí, tiêu chuẩn và công bố công khai sẽ không ai thắc mắc, nhưng những tiêu chí ấy chưa có.
"Dù Thành ủy chưa chỉ đạo nhưng huyện đã tự giác thôi biệt phái. 5 cán bộ được điều động đã trở về đơn vị cũ công tác. Một trường hợp từ đơn vị sự nghiệp này chuyển qua đơn vị sự nghiệp khác. Huyện đã khắc phục nhưng Thường vụ vẫn yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm", ông Toàn cho biết.
Theo Vnexpress