Thanh tra Quốc phòng Mỹ lo ngại vũ khí Mỹ viện trợ Ukraine bị đem bán kiếm lợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Mỹ và phương Tây đã viện trợ Ukraine số lượng khổng lồ vũ khí, trang thiết bị. Nhưng sự quản lý hỗn loạn của chính phủ Ukraine khiến Lầu Năm Góc lo ngại về vũ khí sẽ đi đâu.
Mỹ đã viện trợ số lượng rất lớn tên lửa chống tăng vác vai Javelin cho Ukraine, một phần được cho là đã bị mang bán trên chợ đen (Ảnh: Guancha).
Mỹ đã viện trợ số lượng rất lớn tên lửa chống tăng vác vai Javelin cho Ukraine, một phần được cho là đã bị mang bán trên chợ đen (Ảnh: Guancha).

Theo tin của Bloomberg ngày 25/8, Quyền Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ Sean O'Donnell mới đây đã tiết lộ, do các quan chức Ukraine đều sử dụng văn bản giấy để thống kê nên chính phủ Ukraine có thể không xác định được vị trí chính xác của thiết bị quân sự được Mỹ viện trợ. Ông lo ngại rằng do cơ chế quản lý hỗn loạn, hàng nghìn bản hợp đồng quân sự của chính phủ Mỹ và Ukraine có thể xảy ra gian lận.

Một trong những trọng điểm chú ý của O'Donnell là 26,6 tỉ USD chi tiêu bổ sung liên quan đến Ukraine đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt từ năm ngoái và văn phòng của ông có kế hoạch thẩm tra hồ sơ kế toán của Lầu Năm Góc về chi tiêu liên quan đến Ukraine, các thỏa thuận chia sẻ tình báo, hiệu quả của việc huấn luyện quân đội Ukraine, và khả năng vũ khí thiết bị quân sự chảy ra thị trường chợ đen.

Ông O'Donnell cũng nói với Bloomberg rằng chính phủ Mỹ đã ký hơn 7.800 hợp đồng quân sự trị giá hơn 2,2 tỉ USD liên quan đến Ukraine từ rất lâu trước khi Ukraine nhận được từ Mỹ các thiết bị tiên tiến đắt tiền như hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng cơ động cao M142 HIMARS.

O'Donnell cho biết các quan chức NATO dường như tin rằng các biện pháp an ninh hiện tại là đủ để đảm bảo việc chuyển giao vũ khí và thiết bị do phương Tây cung cấp diễn ra suôn sẻ. Nhưng ông cho biết độ tin cậy của tuyên bố này vẫn cần được xác minh bằng cách thẩm tra.

Bài viết của Bloomberg về vấn đề vũ khí viện trợ cho Ukraine bán chợ đen.

Bài viết của Bloomberg về vấn đề vũ khí viện trợ cho Ukraine bán chợ đen.

Tuần trước, một quan chức Lầu Năm Góc nói với Bloomberg rằng Lầu Năm Góc đã có các biện pháp giải trình chi tiết để đảm bảo có thể bắt đầu theo dõi tung tích của các thiết bị quân sự ngay khi được phép. Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ và Văn phòng chuyên viên quốc phòng mới được lập ở Kiev sẽ tham gia vào quá trình này, theo dõi toàn bộ quá trình từ việc vận chuyển thiết bị từ Mỹ đến Ukraine và việc phân phối thiết bị cho các đơn vị quân đội.

Nhưng O'Donnell lo ngại về độ tin cậy của trình tự này. Ông tiết lộ rằng sau khi thiết bị đến Ukraine, các quan chức Ukraine đều sử dụng biên lai chứng từ bằng giấy để thống kê, và những hồ sơ như vậy thường không được lưu giữ một cách hiệu quả. “Chúng tôi cho rằng họ cũng không nắm rõ những vũ khí này cuối cùng đã được đưa tới đâu”.

O'Donnell cho biết trọng điểm công tác của ông với tư cách quyền Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng là tập trung vào các vấn đề như hành vi gian lận liên quan đến các hợp đồng của chính phủ Mỹ, đệ trình định giá bất hợp lý và hồ sơ quản lý kém. Ông thừa nhận rằng trong thời kì đầu của đại dịch COVID-19, chi tiêu của Bộ Quốc phòng cho vật tư y tế như máy thở và khẩu trang đã tăng vọt, điều này khiến họ rút ra một bài học quan trọng rằng "khi tốc độ chi tiêu tăng lên, thì khả năng gian lận cũng gia tăng lên.”

Các loại vũ khí chống tăng phương Tây viện trợ Ukraine được rao bán trên mạng (Ảnh: RT).

Các loại vũ khí chống tăng phương Tây viện trợ Ukraine được rao bán trên mạng (Ảnh: RT).

Ông nhấn mạnh với Bloomberg rằng việc tìm hiểu hồ sơ của các hợp đồng, tài trợ và dự án đang thực hiện là rất quan trọng đối hiệu quả vận hành và giám sát hiệu quả, “việc thiếu lưu trữ hồ sơ kém đã ảnh hưởng xấu đến nhiều cuộc điều tra của chúng tôi ở Afghanistan và Iraq. Các nhân viên công tác sẽ tham khảo kinh nghiệm này khi lập kế hoạch và tiến hành công việc rộng rãi ở Ukraine."

Theo O'Donnell, các chuyên gia phân tích dữ liệu sẽ sử dụng các công cụ phần mềm chuyên dụng, hợp tác với kiểm toán viên và nhân viên điều tra hình sự, để có được số liệu phong phú hơn về quá trình thực hiện hợp đồng, đồng thời tiến hành nghiên cứu sâu hơn để xác định xem có gian lận hoặc dấu hiệu thông đồng hay không”.

Theo báo Anh Financial Times ngày 12/7, do lo ngại các băng nhóm tội phạm đang vận chuyển vũ khí ra khỏi Ukraine và đưa vào thị trường chợ đen châu Âu, các nước thành viên NATO và EU đã bắt đầu đẩy mạnh việc theo dõi vũ khí và thiết bị mà Ukraine tiếp nhận. Các cơ quan thực thi pháp luật, truyền thông và các tổ chức tư vấn của châu Âu lo ngại hiện tại rất khó để theo dõi tung tích vũ khí do phương Tây viện trợ cho Ukraine. Tình trạng hỗn loạn này có thể gây nguy hiểm và đe dọa an ninh của Liên minh châu Âu.

Về những lo ngại của thế giới bên ngoài, ông Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, đã trả lời vào thời điểm đó : "Bất kỳ loại vũ khí nào ra vào Ukraine, nếu cần thiết, cần sửa chữa, đều được Ukraine và đối tác quốc tế theo dõi và giám sát chặt chẽ". Ông tuyên bố, những thông tin nói Ukraine là "Trung tâm buôn lậu vũ khí" là không phù hợp với thực tế, và những người tung tin “có thể là một phần của cuộc chiến thông tin của Nga".

Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Nga TASS ngày 6/7, người đứng đầu Cơ quan An ninh và Kinh tế Ukraine, Vadim Melnik, đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Ukraine rằng Cơ quan An ninh và Kinh tế Ukraine đã phát hiện nhiều vụ án vật tư quân sự và hàng viện trợ nhân đạo của nước phương Tây bị đem bán trái phép để trục lợi. Cơ quan thực thi pháp luật Ukraine đã mở các cuộc điều tra sâu hơn về những trường hợp như vậy.