Truyền thông Mỹ nói ‘chỉ 30% viện trợ’ cho Ukraine đến được mặt trận, Kiev phẫn nộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 8/8, các cơ quan truyền thông của Mỹ như Fox News và Business Insider đưa tin hãng truyền hình Mỹ CBS đã rút lại bộ phim tài liệu “Arming Ukraine” (Vũ trang cho Ukraine) do phản đối của Chính phủ Ukraine.
Phim tài liệu của CBS nói chỉ khoảng 30% viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine tới được mặt trận khiến Chính phủ Ukraine nổi giận (Ảnh: AP).
Phim tài liệu của CBS nói chỉ khoảng 30% viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine tới được mặt trận khiến Chính phủ Ukraine nổi giận (Ảnh: AP).

Bộ phim tài liệu này từng dẫn các nguồn tin liên quan nói rằng việc cung cấp viện trợ quân sự liên quan đến "giới quyền quý, các nhà tài phiệt và các tay chơi chính trị" ở Ukraine, và “chỉ có 30% viện trợ quân sự của Mỹ đến được mặt trận Ukraine”. Nội dung này đã "khiến Ukraine tức giận", sau đó CBS đã phải rút lại bộ phim tài liệu và vào ngày 7/8 đã đăng bản tweet để giải thích rằng họ đang "cập nhật" bộ phim, và thay đổi lời bình của họ, nói rằng tình hình chuyển giao viện trợ quân sự từ cuối tháng 4 đã "được cải thiện rõ rệt".

Ngày 4/8, bộ phim tài liệu “Arming Ukraine” (Vũ trang cho Ukraine) của CBS đã được công bố trên trang web của hãng và được thông báo rằng nó sẽ được phát sóng trên ứng dụng CBS News vào tối ngày 7/8. Cùng được phát hành với “Arming Ukraine” là một phóng sự phản ánh nội dung của bộ phim tài liệu, với tiêu đề "Tại sao viện trợ quân sự cho Ukraine luôn không tới được mặt trận: chỉ có khoảng 30% viện trợ quân sự đến được nơi cần tới".

Một bài viết của CBS giới thiệu về bộ phim "Arming Ukraine”.

Một bài viết của CBS giới thiệu về bộ phim "Arming Ukraine”.

Vào ngày 5/8, CBS đã đưa ra một bài tweet tuyên truyền khác, công khai nói rằng bộ phim tài liệu này "khám phá lý do tại sao một phần lớn trong số hàng tỷ USD viện trợ quân sự mà Mỹ cung cấp cho Ukraine không được gửi đến tiền tuyến."

Trong số đó, nhiều lần cụm từ "chỉ khoảng 30% viện trợ quân sự đến được đích" được ông Jonas Ohman, người sáng lập và là Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ thân Ukraine Blue-Yellow lặp đi lặp lại. Nhóm Blue-Yellow này có trụ sở tại Lithuania, đã gặp gỡ các đơn vị quân đội Ukraine ở tiền tuyến và cung cấp các thiết bị quân sự không sát thương kể từ khi Ukraine xảy ra xung đột với Nga vào năm 2014.

Trong bộ phim tài liệu "Arming Ukraine", vào tháng 4, Ohman nói với CBS rằng "tất cả những thứ này đều được đưa qua biên giới, sau đó sẽ có một số chuyện xảy ra và chỉ khoảng 30% vũ khí đến được đích cuối cùng. Về chuyện gì đã xảy ra, Ohman bày tỏ, ông ta không thể không đối phó với tình trạng tham nhũng và quan liêu của Ukraine vì "có những người quyền quý, những kẻ tài phiệt, những người cơ hội chính trị", điều đó có nghĩa là việc gửi vũ khí cho quân đội tiền tuyến của Ukraine liên quan đến nhiều thế lực.

Ông Jonas Ohman, người sáng lập và là Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ thân Ukraine Blue-Yellow khẳng định trong phim "chỉ 30% viện trợ quân sự được chuyển đến đích".

Ông Jonas Ohman, người sáng lập và là Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ thân Ukraine Blue-Yellow khẳng định trong phim "chỉ 30% viện trợ quân sự được chuyển đến đích".

Theo tin của CBS ngày 4/8, dữ liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức, theo dõi viện trợ toàn cầu cho Ukraine cho thấy, kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, Mỹ đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 23 tỷ USD viện trợ quân sự; Anh cam kết 3,7 tỷ USD, Đức 1,4 tỷ USD, Ba Lan 1,8 tỷ USD và nhiều quốc gia khác cũng nô nức làm theo.

Nhưng do tiền tuyến Ukraine liên tục thay đổi, việc cung cấp viện trợ quân sự cho mặt trận Ukraine trở nên khó khăn, một số người bắt đầu lo lắng về việc vũ khí rơi vào thị trường chợ đen Ukraine. Theo CBS, kể từ khi Liên Xô giải thể, thị trường chợ đen của Ukraine "phát triển bùng nổ" do nạn tham nhũng.

"Thực sự không có thông tin về nơi chúng (vũ khí) sẽ đến", Donatella Rovera, một cố vấn xuất hiện trong bộ phim tài liệu, cũng nói với CBS.

Các ý kiến trong phim nghi ngờ về nơi đến của vũ khí viện trợ cho Ukraine.

Các ý kiến trong phim nghi ngờ về nơi đến của vũ khí viện trợ cho Ukraine.

Không có gì ngạc nhiên khi một bộ phim tài liệu như vậy rõ ràng sẽ khiến phía Ukraine khó chịu. Trang web "Business Insider" của Mỹ ngày 8/8 đưa tin: bộ phim tài liệu "đã khiến một số người trong chính phủ Ukraine phẫn nộ". Trung tâm An ninh Truyền thông Chiến lược và Thông tin (Ukraine's Centre for Strategic Communications and Information Security) của Ukraine vào ngày 5/8 đã đưa ra một số bản tweet, bác bỏ quan điểm của bộ phim tài liệu.

Trung tâm An ninh Truyền thông Chiến lược và Thông tin Ukraine đầu tiên tấn công CBS đã đưa ra “một câu chuyện không hay ho", gọi đó là một cuộc tấn công thông tin vào Ukraine. Sau đó, trung tâm này mô tả một loạt các biện pháp giám sát mà họ cho rằng đã giúp theo dõi vũ khí viện trợ và cho biết hệ thống nước này sử dụng cũng được quân đội Mỹ sử dụng.

Trung tâm này cũng cho biết “Ukraine đã chính thức mời đại diện của các đối tác để giám sát việc sử dụng vũ khí trong nỗ lực đảm bảo tính minh bạch tối đa”. Chuẩn tướng Garrick M. Harmon, người vừa đến thủ đô Kiev của Ukraine, chuyên giám sát việc sử dụng viện trợ quân sự.

Trước sức ép của Ukraine, CBS phải lên tiếng cải chính, sửa chữa và hoãn chiếu bộ phim "Arming Ukraine”.

Trước sức ép của Ukraine, CBS phải lên tiếng cải chính, sửa chữa và hoãn chiếu bộ phim "Arming Ukraine”.

Theo kênh truyền hình Nga Russia Today (RT), cuối tuần qua, một số tài khoản mạng xã hội thân Ukraine cũng tiếp tục tấn công CBS, chỉ trích cơ quan truyền thông Mỹ này "tuyên truyền cho Nga".

Dưới áp lực của các bên, vào ngày 7/8 theo giờ địa phương, CBS đã phải rút bộ phim tài liệu “Arming Ukraine” khỏi trang web của mình và xóa bản tweet tuyên truyền vào ngày 5/8. Bài viết công bố vào ngày 4/8 cũng đã được sửa đổi, câu tuyên bố của ông Ohman "chỉ khoảng 30% viện trợ quân sự đến được đích cuối cùng" đã bị xóa khỏi tiêu đề, và nội dung của bài báo cũng đã được sửa đổi. CBS cũng thêm đoạn ghi chú lời của biên tập viên vào câu chuyện, lưu ý ông Ohman nói rằng việc cung cấp viện trợ quân sự đã "cải thiện đáng kể" kể từ khi quay bộ phim tài liệu cùng với CBS vào cuối tháng 4.

Vào tối ngày 7 theo giờ địa phương, CBS đã một lần nữa đăng tweet, giải thích về một loạt thao tác. CBS cho biết họ đã gỡ bỏ dòng tweet quảng cáo ngày 5/8 vì Orman cho biết việc chuyển giao viện trợ quân sự đã "được cải thiện" kể từ cuối tháng 4. Ngoài ra, quân đội Mỹ xác nhận rằng Chuẩn tướng Garrick Harmon của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đến Kiev vào tháng 8 để giám sát vũ khí. CBS cũng cho biết họ đang cập nhật bộ phim tài liệu để phản ánh thông tin mới này và sẽ phát sóng sau.

Tuy nhiên, hành động này của CBS vẫn chưa khiến Ukraine hài lòng.

Ngoại trưởng Dmitry Kuleba viết tweet chỉ trích CBS và yêu cầu điều tra việc sản xuất bộ phim "Arming Ukraine”.

Ngoại trưởng Dmitry Kuleba viết tweet chỉ trích CBS và yêu cầu điều tra việc sản xuất bộ phim "Arming Ukraine”.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba ngày 8/8 đã viết tweet nói rằng ông hoan nghênh bước đi đầu tiên của CBS, nhưng điều đó là chưa đủ. Ông tiếp tục chỉ trích CBS vì đã chia sẻ những quan điểm "chưa được chứng minh" làm xói mòn lòng tin vào viện trợ quân sự quan trọng cho Ukraine và đánh lừa đông đảo khán giả.

Cuối cùng, ông còn yêu cầu CBS tiến hành một cuộc điều tra nội bộ "để làm rõ ai đã gây nên việc này và nguyên nhân."

Vào ngày 8/8 theo giờ địa phương, Lầu Năm Góc lại công bố tiếp một kế hoạch viện trợ quân sự khác trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đây là một khoản viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine của chính quyền Biden. Cho đến nay, ông Biden đã cung cấp cho Ukraine khoảng 9,8 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ khi vào Nhà Trắng nắm quyền.