Theo đó,về các dự án khu công nghiệp, Thanh tra Chính phủ cho rằng, UBND tỉnh đã không kiểm tra, giám sát để các chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Tân Trường cho thuê đất vào đất cây xanh diện tích 1,73ha, thu lợi 865.000 USD, tương đương 18.069 triệu đồng. Khu công nghiệp Nam Sách cho thuê đất vào đất Trung tâm điều hành, đất đầu mối kỹ thuật, diện tích 1,62ha, thu lợi 241.800 USD; khu công nghiệp Đại An cho thuê đất vào đất hạ tầng giao thông, diện tích 1,543 ha, thu lợi 342.252USD.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, Hải Dương đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đối với khu công nghiệp Nam Sách, khu công nghiệp Đại An mà không xin ý kiến của Bộ Xây dựng theo quy định, làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên Môi trường, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng đã ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê lại đất gồm Khu công nghiệp Đại An cho 16 danh nghiệp thuê lại đất thu về 12.517.148 USD, mở rộng cho 4 doanh nghiệp thuê lại đất thu về 11.571.800 USD.
Đối với dự án khu công nghiệp Tân Trường, kết luận của Thanh tra chính phủ nêu rõ UBND Hải Dương giao cho Công ty Nam Quang vượt 21,4ha so với diện tích đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và không phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được Bộ Xây dựng phê duyệt. Ngoài ra, một số dự án khu công nghiệp như Cẩm Điền - Lương Điền, Việt Hoà - Kenmark cũng được chỉ ra với lỗi như tiến độ thực hiện dự án chậm, đang tạm dừng hoạt động.
Vềdự án cụm công nghiệp, Thanh tra Chính phủ đánh giá, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp rất chậm. Hầu hết các cụm công nghiệp chưa được đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng theo nội dung quy hoạch chi tiết được phê duyệt, đặc biệt chưa có cụm công nghiệp nào đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung làm ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề môi trường”, đại diện Thanh tra Chính phủ cho hay.
Đối với cácdự án khu dân cư, đô thị, dịch vụ, Thanh tra Chính phủ cho rằng quy hoạch chung của các đô thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2015 và 2020 đã được phê duyệt, nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời phù hợp với yêu cầu phát triển; chất lượng các đồ án quy hoạch còn hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện…
Thanh tra Chính phủ phát hiện có3 dự án sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm Khu đô thị mới phía Đông, Khu đô thị mới phía Tây và Khu du lịch sinh thái - dịch vụ TP Hải Dương, không được UBND tỉnh Hải Dương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu thầu công trình xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc đấu giá đất theo quy định. Các công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh chưa tổ chức nghiệm thu, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình để làm cơ sở xác định diện tích đất giao theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với cơ chế sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo dự án đã phê duyệt.
Liên quan đến chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện trong năm 2002-2003 UBND tỉnh Hải Dương ban hành2 quyết định ưu đãi đầu tư trái luật.Mặc dù năm 2006 đã tạm thời đình chỉ thực hiện một số điều của 2 quyết định này, nhưng thời điểm thanh tra vẫn chưa điều chỉnh giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đối với 48 dự án được hưởng ưu đãi đầu tư vượt khung.
Kết luận cho biết tổng số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ năm 2002-2012 ở tỉnh Hải Dương là trên 1.728 tỷ đồng; số tiền nợ đọng là 444,336 tỷ đồng. “Việc để nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một lượng lớn làm ảnh hưởng tới việc thu ngân sách của tỉnh”- kết luận nêu rõ.
Trước hàng loạt sai phạm của UBND tỉnh Hải Dương, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hải Dương tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan qua các thời kỳ trong việc tham mưu, đề xuất, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chậm phát hiện xử lý các sai phạm trong việc thực hiện chức trách quản lý nhà nước để xảy ra một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm.
Theo Trí thức trẻ