Thanh toán trực tuyến: dễ mà khó

Một sáng đẹp trời bạn tình cờ đọc được một bài báo đúng ngay đề tài bạn muốn tìm hiểu nhưng chỉ đọc được ba đoạn thì hết! Tờ báo đã dựng lên bức tường trả tiền mới được đọc trọn vẹn như rất nhiều báo nước ngoài đã áp dụng và khá thành công.
Tại Việt Nam, thẻ ATM chủ yếu dùng để rút tiền. Ảnh: THÀNH HOA
Tại Việt Nam, thẻ ATM chủ yếu dùng để rút tiền. Ảnh: THÀNH HOA

Chuyện nhỏ. Bạn lấy điện thoại di động ra, bấm trả 1.000 đồng vào một số tòa soạn cung cấp, ngay lập tức bạn được cấp mã số truy cập để đọc hết bài báo kia. Số tiền 1.000 đồng trừ vào số dư tài khoản di động của bạn.

Đây là câu chuyện viễn tưởng nhưng hoàn toàn khả thi. Hiện đã có nhiều dịch vụ sử dụng thẻ cào điện thoại để thanh toán, dù báo chí thì chưa. Như một hiệu sách chuyên bán ebook trên mạng, người mua chọn sách, xong rồi bấm “Mua”, họ sẽ được chuyển đến trang thanh toán với nhiều chọn lựa như trả bằng thẻ tín dụng, trả bằng thẻ ATM và trả bằng thẻ điện thoại. Lẽ ra thương mại điện tử ở nước ta cũng như việc thanh toán các khoản mua sắm nhỏ, lặt vặt như mua tờ báo, thậm chí mua bài báo, mua bài hát, album nhạc, mua phim, mua tách cà phê, ly nước mía... đã có thể cất cánh nhờ vào cách thanh toán bằng thẻ cào điện thoại. Thế nhưng vì nhiều lý do, cách thức thanh toán này bị gạt sang một bên.

Lý do trực tiếp là vào tháng 4-2018 các nhà mạng tuyên bố tạm dừng cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến bằng thẻ cào điện thoại sau khi cơ quan điều tra xác định thẻ cào điện thoại bị sử dụng để nạp tiền đánh bạc trái phép lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Đây chỉ là chuyện tình thế bởi trong thực tế, người dùng vẫn có thể dùng thẻ cào để thanh toán cho các game, truyền hình cùng nhiều dịch vụ khác ở các nơi cung cấp dịch vụ từ nước ngoài, kể cả trên cổng ứng dụng Google Play.

Lý do sâu xa hơn là bởi các nhà mạng... quá tham! Trong vai trò cung cấp dịch vụ thanh toán như một phần của hệ sinh thái thương mại điện tử, các nhà mạng chỉ nên tính tỷ lệ hoa hồng chừng 2-3% là vừa phải, 5% là đã quá cao. Thế mà trước đây các dịch vụ bán sách dùng thẻ cào điện thoại để thanh toán, phía nhà mạng sẽ đòi tỷ lệ ăn chia đến 20-25%. Thử hỏi lợi nhuận của một doanh nghiệp bình thường làm sao đủ để bù đắp cho một tỷ lệ cao ngất như thế. Cho nên cuối cùng chỉ còn những dịch vụ có vấn đề là tồn tại được như các đầu số chuyên lừa đảo người dùng bằng tin rác và các nơi tổ chức đánh bạc. Cùng lắm là các nơi cung cấp dịch vụ... không bản quyền như tải phim ảnh. Ví dụ trong vụ án đánh bạc trên mạng, thanh toán bằng thẻ cào chiếm đến 97% tiền chơi bạc và với mỗi giao dịch thanh toán bằng thẻ cào, các doanh nghiệp viễn thông hưởng đến 15,5-16,3%.

Doanh thu lớn, ăn chia dễ dàng, tỷ lệ hoa hồng cao - tất cả những yếu tố làm các nhà mạng đâu cần bỏ công nói chuyện với các nơi cung cấp dịch vụ nhỏ, làm ăn kiểu bạc lẻ, bạc cắc.

Nay các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, MobiFone, VNPT đã đề nghị Chính phủ cho phép mở lại kênh thanh toán thẻ cào điện thoại để nạp tiền cho các nội dung số. Người viết ủng hộ cho đề nghị này nhưng phải kèm theo một số điều kiện.

Ở các nước việc thanh toán trực tuyến khá dễ dàng vì ai nấy đều có thẻ tín dụng hay thẻ ATM. Ở nước ta, vì một số vụ mất tiền trong thẻ bị báo chí tô đậm quá mức nên rất nhiều người dù có thẻ tín dụng hay thẻ ATM nhưng đa phần đều e dè không dễ gì chịu điền thông tin thẻ rồi bấm thanh toán, nhất là cho các món lặt vặt. Ở một số nước, các ứng dụng trả tiền bằng điện thoại di động đã cất cánh, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong doanh thu bán lẻ. Ở nước ta, cũng do công tác truyền thông sai đường nên giờ nhìn vào các ứng dụng này ai nấy đều dè chừng. Các loại ví điện tử dù quảng bá rộng rãi cũng không thu hút được đông đảo khách hàng.

Chỉ có thẻ cào điện thoại là có tiềm năng nhất với độ bao phủ rộng khắp; giá trị thẻ cào nhỏ, đủ nhỏ để nhiều người muốn thử nghiệm một kênh mua sắm mới mà không sợ bị mất tiền; thực tế thanh toán để mua sách, mua băng thông để tải phim là rất thông suốt, đơn giản mà hiệu quả.

Thế nhưng để tránh đi vào con đường “tà đạo” (dùng để đánh bạc, trốn thuế, rửa tiền) các nhà mạng cần thiết kế lại phương thức thanh toán này, gồm viết ứng dụng, tách bạch tiền dùng cho dịch vụ viễn thông và tiền trong tài khoản dùng cho thanh toán điện tử. Cần hạn chế tỷ lệ hoa hồng, tối đa là 5% và có lộ trình cạnh tranh để các nhà mạng giảm tỷ lệ này xuống nữa, ngang bằng với chi phí cho các hãng như Visa, MasterCard.

Chính sách cần hướng đến việc kết nối tài khoản thẻ điện thoại di động với tài khoản ngân hàng, ít ra là của bên cung ứng dịch vụ hay hàng hóa. Thử tưởng tượng đến ngày chỉ cần dùng camera điện thoại để quét mã thanh toán, tiền tự động trừ từ tài khoản thẻ điện thoại còn người dùng thoải mái mua từng bài báo, từng số báo hay một bài nhạc, một cuốn sách hay, một đích nhắm không quá xa vời trong điều kiện hiện nay. 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

https://www.thesaigontimes.vn/td/278824/thanh-toan-truc-tuyen-de-ma-kho-.html