|
Liên tiếp phát hiện các vụ việc găm hàng, buôn lậu mặt hàng khẩu trang trong thời kì dịch bệnh do virus Corona chủng mới hiện nay. Ảnh: Bình An. |
Ngày 11/2, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29C-939.89 đang dừng đỗ trước cửa nhà 69 Hồ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội.
Số hàng được mua gom trên mạng và được bán với giá 364.000 đồng/hộp không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năng đã xác minh chủ hàng là Chu Ngọc Tú, SN 1993 trú tại đường Lê Hồng Phong, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tú khai nhận, số hàng hóa này chuẩn bị giao dịch thì bị đoàn lực lượng chức năng phát hiện và kiểm tra.
Theo đó, số hàng này được mua gom trôi nổi trên thị trường qua mạng xã hội Facebook như Nhóm sỉ khẩu trang y tế rẻ 3 miền Bắc - Trung - Nam; Nhóm chuyên sỉ lẻ khẩu trang,... thông qua facebook có tên là “Chu Ngọc Tú”.
Do lô hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nên Đội QLTT số 1 đã lập biên bản chuyển các mẫu khẩu trang trong lô hàng trên đến Trung tâm kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm Hà Nội để giám định chất lượng và xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
* Cũng về mặt hàng khẩu trang đang khan hiếm trong thời kỳ dịch bệnh virus Corona chủng mới, cơ quan chức năng đã phát hiện một trường hợp găm 90 nghìn chiếc khẩu trang y tế để chờ bán thu lời. Cụ thể, chiều 11/2, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Hà Nội phối hợp cùng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Thanh Xuân tạm giữ lô hàng 90.000 chiếc khẩu trang y tế loại 3, 4 lớp của 10 nhà sản xuất khác nhau để làm rõ hành vi găm hàng thu lời bất chính.
Theo điều tra ban đầu, chủ số hàng trên là Đoàn Hoàng Quân, sinh năm 1988 tại Đống Đa, khai nhận đã mua gom số khẩu trang trên với giá từ 200 nghìn đến 300 nghìn tùy loại sau đó bán ra thị trường với giá 400 nghìn đồng.
Nếu so với ngày thường mỗi hộp khẩu trang cùng loại trên chỉ có giá từ 50 – 60 nghìn đồng/hộp, tức là giá mỗi hộp khẩu trang đã bị đẩy lên cao 8 lần so với bình thường.
Hiện số hàng bị cơ quan chức năng niêm phong xử lý theo quy định.
Báo cáo của Tổng cục QLTT cũng cho thấy, từ ngày 31/1 đến 8/2 vừa qua, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý gần 3.500 vụ vi phạm đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn với các hành vi như không niêm yết giá, không bán đúng giá niêm yết, găm hàng, tăng giá quá mức, vi phạm về nhãn, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.