Chiều 3/3, hàng trăm người dân ở xã Quảng Cư, phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn) đã tập trung về ngã tư đại lộ Lê Lợi – Trần Phú (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ngã tư này cách trụ sở UBND tỉnh hơn 100 m.
Họ mang theo nhiều tấm bìa ghi các dòng chữ: "Trả lại biển cho dân"; "Trả lại biển cho người Sầm Sơn"; "Biển là của dân"…
Cuộc sống đảo lộn vì dự án của FLC
Trong giờ tan tầm, giao thông qua đoạn đường này hoàn toàn tê liệt, rối loạn. Các ngã đường đổ về trung tâm TP Thanh Hóa tắc nghẽn.
Lực lượng CSGT buộc phải chốt chặn ở các ngã đường hướng dẫn các phương tiện chuyển lộ trình. Hàng chục cảnh sát được huy động để bảo đảm an ninh trật tự. Nhà chức trách dùng loa thuyết phục bà con giải tán nhưng bất thành.
Theo nhiều người dân, lâu nay họ sống bằng nghề truyền thống là bám biển vươn khơi đánh bắt, cào ngao trên bãi biển. Giờ khu vực biển là nơi neo đậu tàu thuyền bị thu hồi giao cho Tập đoàn FLC xây dựng nên họ phản đối.
Họ còn cho rằng, từ khi Tập đoàn FLC về địa phương xây dựng thì cuộc sống của họ đã bị đảo lộn. Tập đoàn FLC đã có những việc làm nhằm chặn đường ra biển, cấm người dân khai thác thủy sản gần bờ trước mặt của khu nghỉ dưỡng.
"Lãnh đạo UBND tỉnh hãy lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của chúng tôi" – anh Nam (ở xã Quảng Cư) nói và cho hay, dân sẽ còn phản đối nếu lãnh đạo tỉnh vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.
Người dân còn tổ chức đi bộ qua các tuyến phố ở TP Thanh Hóa để thể hiện bức xúc. Ảnh:Nguyễn Dương. |
Tỉnh, nhà đầu tư chưa thống nhất
Từ nhiều ngày trước, người dân ở xã Quảng Cư và phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn) kéo về trước trụ sở UBND tỉnh để phản đối việc cơ quan chức năng thu hồi đất ở khu vực neo đậu bến thuyền phía Đông đường Hồ Xuân Hương (thuộc xã Quảng Cư) để giao cho Tập đoàn FLC xây dựng, cải tạo.
Để giải quyết, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân bị ảnh hưởng của dự án "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương – thị xã Sầm Sơn".
Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ cho ngư dân giải bản (phá bỏ) tàu, thuyền (bè, mủng) công suất dưới 20 CV, khuyến khích đóng tàu mới công suất lớn và chuyển đổi nghề. Các chính sách hỗ trợ này đã được tính toán và đưa ra khá chi tiết, rõ ràng.
Tuy nhiên, người dân vẫn không đồng ý với chính sách hỗ trợ vì không muốn nhận số tiền xong lại bơ vơ không biết làm gì để ổn định cuộc sống sau này.
Họ mong muốn các cấp lãnh đạo hãy trừ ra một khoảng bãi biển để người dân neo đậu tàu thuyền, tiếp tục vươn khơi. Bởi nghề đi biển đánh bắt truyền thống là "cần câu cơm" nuôi sống nhiều thế hệ người Quảng Cư từ xưa đến nay.
CSGT TP Thanh Hóa đứng giữa để hướng dẫn phương tiện không đi qua ngã tư đại lộ Lê Lợi - Trần Phú. Ảnh:Nguyễn Dương. |
Theo ông Ngô Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, dự án quy hoạch không gian du lịch phía Đông đường Hồ Xuân Hương kéo dài 3,5 km, có tổng vốn 315 tỷ, được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 10/2015.
Tỉnh đã phê duyệt dự án và lựa chọn nhà đầu tư là Tập đoàn FLC. Theo chỉ đạo của ban lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, dự án này sẽ phải hoàn thành trước 30/4/2016, để kịp khai thác du lịch mùa hè Sầm Sơn.
Trong cuộc họp báo diễn ra chiều 2/3, trước kiến nghị để lại một đoạn bãi biển dài 500-1.000 m cho bà con neo đậu tàu thuyền, ông Tuấn bỏ ngỏ và hứa sẽ trình lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh xem xét.
"Quan điểm của tỉnh là đặt dân trên hết. Lãnh đạo tỉnh sẽ lắng nghe và giải quyết thấu đáo cho dân" - ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, cho đến ngày 3/3, lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư vẫn chưa có ý kiến thống nhất nên người dân vẫn tụ tập để đòi quyền lợi.
Theo Zing