Theo CNN, hãng công nghệ hàng đầu Mỹ cho hay hôm 25.4 rằng chương trình Google Translate mới có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vừa mở 9 ngôn ngữ được sử dụng ở Ấn Độ. Google cũng tăng gấp đôi số ngôn ngữ Ấn trên bàn phím di động tùy chỉnh Gboard lên 22 ngôn ngữ. Thay đổi này cho phép hàng triệu người dùng Ấn Độ gõ, thậm chí tìm kiếm emoji và hình ảnh động, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Đây là lý do vì sao Google rất quan tâm đến ngôn ngữ Ấn: 234 triệu người trong tổng số 409 triệu người dùng internet ở Ấn Độ (tương đương 60%) lướt web bằng một trong số hàng chục ngôn ngữ ở nước này, theo nghiên cứu mới do hãng KPMG và Google thực hiện.
Số người dùng web không sử dụng tiếng Anh được cho là sẽ chỉ tăng lên. Nghiên cứu trên cho biết sẽ có 536 triệu người dùng tiếng Ấn Độ online vào năm 2021, gần gấp ba lần người dùng internet bằng tiếng Anh. Con số này tăng rất mạnh từ 42 triệu người hồi năm 2011.
Hiện có khoảng 900 triệu dân Ấn Độ chưa tiếp cận với internet. Một khi họ có điều kiện lên mạng, 90% trong số này sẽ lướt bằng một ngôn ngữ khác tiếng Anh.
Áp dụng phương ngữ Ấn là nhiệm vụ lớn với Google vì quốc gia Nam Á có gần 30 ngôn ngữ mà mỗi ngôn ngữ được 1 triệu dân sử dụng. Bên cạnh đó, họ còn 1.600 phương ngữ khác. Nhiều ngôn ngữ có cách viết lạ và sự thay đổi mạnh trong cấu trúc internet là cần thiết để hiển thị văn bản viết bằng các ngôn ngữ này. Theo Google, một nửa số nội dung trên internet hiện viết bằng tiếng Anh.
Ngoài thông tin về ngôn ngữ, doanh nghiệp Mỹ cũng đưa ra nhiều sáng kiến để phổ biến internet ở Ấn Độ, trong đó có kế hoạch phủ sóng Wi-Fi miễn phí tại 100 ga tàu và hợp tác với công ty Tata để giúp phụ nữ ở khu vực nông thôn Ấn Độ sử dụng điện thoại thông minh.
Google không phải hãng duy nhất chú trọng thị trường đất nước Nam Á. Facebook, Microsoft, tỉ phú giàu nhất đất Ấn và cả chính phủ Ấn Độ đều đang nỗ lực đưa internet đến nhiều người dân hơn.
Theo Thanh niên
http://thanhnien.vn/cong-nghe/tham-vong-dat-1-ti-nguoi-dung-cua-google-tren-dat-an-829593.html