Trong chuyến đi vào rừng sâu tại tỉnh Yên Bái, PV Thanh Niên được chứng kiến cảnh tượng hàng trăm héc ta rừng bị chặt phá, đốt cháy. Nhiều quả núi trước đây là rừng pơ mu, gù hương, bách xanh… nhưng nay chỉ còn lô nhô gốc bị chặt phá và bị đốt cháy đen nhẻm, phạm vi chặt phá nhiều đến mức mà đi bộ hàng giờ vẫn chưa hết.
Cả một “bộ máy” phá rừng
Theo tiết lộ của một số người chuyên buôn bán gỗ tại Yên Bái thì người cầm đầu đường dây chặt phá rừng này có tên là Thành, trú tại thị trấn nông trường Nghĩa Lộ (TX.Nghĩa Lộ, Yên Bái). Ngoài hàng chục người sẵn sàng cơ động, ra bản vào rừng để chặt và vận chuyển gỗ thì ông Thành luôn bố trí cho 2 - 6 người khác túc trực trong rừng để trông giữ gỗ bất kể ngày đêm. Ngoài Thành, ở khu vực giáp ranh giữa Yên Bái và Sơn La còn có cả chục đầu nậu khác phá rừng lấy gỗ. Dưới trướng mỗi đầu nậu luôn có hàng chục tay chân.
Việc tiếp tế thực phẩm từ ngoài vào trong hạn chế vì quãng đường di chuyển khá xa, nên những người thường trực trong rừng đã phát quang một mỏm đồi lấy đất trồng các loại rau cải, bí ngô... để lấy rau xanh ăn hằng ngày. Số thực phẩm còn lại chủ yếu là cá khô, thịt muối và các loại thú rừng như chuột, rắn... do lâm tặc săn được.
Khi lương thực và một số nhu yếu phẩm khác như mắm hay muối hết, nhóm người này sẽ thay phiên nhau ra bản mua vào hoặc thuê người tại xã Ngọc Chiến vận chuyển với giá mỗi ký gạo và muối lên đến 20.000 đồng. Hoạt động này thậm chí diễn ra chuyên nghiệp đến mức tại xã Mường Chiến hình thành một nhóm chuyên vận chuyển lương thực và các nhu yếu phẩm cho lâm tặc. Khi hết gạo, người nào đó trong rừng sẽ phải leo lên đỉnh núi cao để bắt sóng điện thoại và gọi về. Sau khi nhận đơn hàng, nhóm vận chuyển sẽ cung cấp các mặt hàng cần thiết đến tận lán.
Vườn rau được lâm tặc gieo trồng ngay trong rừng sâu để tự túc về thức ăn phục vụ cho công việc phá rừng |
“Ai mạnh người ấy thắng”
Trong vai một người mua gỗ, chúng tôi được đầu nậu tên Hợp tại xã Ngọc Chiến dẫn đi lùng sục khắp xã này và biết được các mánh khóe hô biến gỗ để bán đi các địa bàn trong và ngoài tỉnh Sơn La, Yên Bái. Dẫn chúng tôi đến nhà một người dân tên Tuấn ở gần UBND xã Ngọc Chiến, từ ngoài nhìn vào, dưới gầm nhà sàn được gia đình này cột trâu, cạnh đó là một đống gỗ to lù, phủ bạt kín mít. Là chỗ người quen nên Hợp lao thẳng xe vào gầm nhà sàn, lật tung chiếc bạt màu xanh ra để khoe về các loại gỗ quý.
Theo ước đoán của Hợp thì số gỗ tại đây vào khoảng 20 khối, chủ yếu là pơ mu và bách xanh. Các phiến gỗ hầu hết đã được xẻ hộp có kích thước dài từ 1 - 3 m, dày 10 - 30 cm. Mục đích của chủ số gỗ này là để trâu giày xéo, phân trâu bám vào làm gỗ cũ một chút rồi bán lại cho khách dưới hình thức dỡ nhà ra bán. Như vậy thủ tục mua bán sẽ đơn giản hơn và cũng dễ đi đường hơn. Ngoài ra, nếu khách cần chế biến gỗ ra thành sản phẩm là bàn, ghế... thì những đầu nậu sẽ đưa lô gỗ này đến một số xưởng mộc trong xã sơ chế rồi đưa về xuôi. Trường hợp khách cần mua thô chủ nhà cũng bán, nếu vận chuyển trong địa bàn Yên Bái, Sơn La thì đầu nậu Hợp có thể “bao” được, còn đi chỗ khác xa hơn thì có hai khả năng, một là phải thông qua một đầu nậu khác đủ sức đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển, hai là khách “liều mạng” tự vận chuyển.
Giá của mỗi mét khối gỗ quý này là 20 - 30 triệu đồng tùy vào chủng loại. Riêng gỗ gù hương nếu mua tại bản là 45 triệu đồng/sập.
Nhiều người buôn gỗ tại xã Ngọc Chiến cho biết: Trước đây, việc buôn bán gỗ được thực hiện theo quy trình kín kẽ do một nữ thương lái cầm đầu. Cách đây khoảng 2 năm, người này bị bắt quả tang trong vụ vận chuyển gỗ lậu với khối lượng lớn nên phải ngồi tù. Kể từ đó, tại khu vực Mường La, Sơn La và kể cả Nghĩa Lộ, Yên Bái rơi vào tình trạng “ai mạnh người ấy thắng”.
Để chúng tôi yên tâm hơn trong việc lựa chọn và vận chuyển gỗ về xuôi, Hợp tiếp tục dẫn đến một số hộ gia đình khác quanh xã Ngọc Chiến để khảo sát chất lượng gỗ, giá cả, cũng như ghé qua các xưởng mộc để tham khảo giá sơ chế gỗ (nếu muốn) trước khi vận chuyển. Theo đó, lượng gỗ quý như pơ mu, bách xanh… tập kết trong nhà dân không phải là ít, lên tới cả trăm khối. Theo lời Hợp, ngoài phương thức hô biến gỗ rừng thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ đem bán ra còn có một “chiêu thức” khác là mua bán gỗ củi. Cách này chỉ áp dụng với các loại gỗ xấu. Giá cả của loại gỗ này rẻ hơn rất nhiều so với những loại gỗ xẻ hộp vì kích cỡ, kiểu dáng không đều nhau, nếu muốn chế tác thành sản phẩm thì phía đối tác phải kỳ công mài, đẽo hơn...
“Tôi bao trong địa bàn Yên Bái”
Hiện có hai con đường chuyên để vận chuyển gỗ lậu trên địa bàn. Cụ thể, nếu lấy gỗ tại xã Ngọc Chiến thì có 2 đường: Một là di chuyển từ Ngọc Chiến lên H.Mường La, sau đó về TP.Sơn La; Hai là từ Ngọc Chiến sang Nậm Khắt (H.Mù Cang Chải, Yên Bái), rồi xuôi về Nghĩa Lộ, sau đó mới về TP.Yên Bái.
Theo Hợp, để tạo ra con đường làm ăn này, anh ta cho biết mình đã phải rất “vất vả”. Cụ thể, một là mỗi tháng Hợp phải đóng 5 triệu đồng tiền “bảo kê” cho cơ quan chức năng (!?); hai là đóng tiền “bảo kê” theo chuyến. Nếu buôn bán lẻ tẻ, không thường xuyên thì đóng tiền theo chuyến, tùy vào khối lượng gỗ mà có các mức “giá” “bảo kê” khác nhau là 5 - 20 triệu đồng... “Trong địa phận Mường La, Sơn La và Mù Cang Chải, Yên Bái là ngon lành, ngoài ra tôi có thể đảm bảo vận chuyển gỗ qua một số địa phương tại tỉnh Yên Bái, còn đi tỉnh khác thì khách phải tự lo liệu”, Hợp nói.
Mặc dù một mặt khẳng định đảm bảo vận chuyển gỗ an toàn, nhưng Hợp lại nói rằng: Không nên vận chuyển gỗ từ nay đến hết tháng 10. Bởi vì thời điểm này các lực lượng chức năng của Yên Bái đang được tăng cường để thực hiện chiến dịch truy quét ma túy và đảm bảo an toàn giao thông, cho nên họ thấy xe nào bắt dừng xe đó.
Theo Thanh Niên