Trao đổi riêng với VietTimes trong khuôn khổ Tọa đàm Dự thảo Công ước của ILO về chấm dứt bạo lực, quấy rối trong công việc, bà Lê Kim Dung – Giám đốc Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam bất bình về thói quen đùa “tục giảng thanh” đang tồn tại ở đa số các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.
Đùa vui hay quấy rối?
Bà Kim Dung cho rằng: “Việt Nam có văn hóa đùa nên nhiều người Việt chưa nhận thức được đầy đủ việc đùa liên quan đến nam và nữ, liên quan các bộ phận nhạy cảm cơ thể, là không phù hợp. Khi vấp phải sự phản đối, họ thường dùng yếu tố văn hóa truyền thống để viện dẫn giải thích, thanh minh. Tôi cho rằng cần thay đổi!”
Những lời lẽ, hành động đùa đó xuất phát từ văn hóa trọng nam khinh nữ đã lỗi thời. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa, việc đó cần phải được nhìn nhận lại, cần thay đổi, nếu không vô hình trung, chúng ta đang vi phạm chuẩn mực về quyền con người của quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.
Bà Lê Kim Dung – Giám đốc Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam
|
Việt Nam sẽ tham gia vòng đàm phán cuối về một Công ước mới của ILO về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong công việc tại Geneva (Thụy Sỹ) từ ngày 17-19/6 tới. Và sự quan tâm của Việt Nam đối với Công ước mới này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với xu thế toàn cầu về lao động và hội nhập quốc tế. |
Đồng tình với quan điểm này, bà Valentina Barcucci, chuyên gia Kinh tế Lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng, bạo lực và quấy rối tình dục xảy ra ở khắp nơi. Dẫn số liệu từ một cuộc khảo sát gần đây, có 15% số người lao động được phỏng vấn cho biết họ đã nghỉ việc đến 60 ngày vì bị quấy rối và bạo hành trong công việc, chuyên gia ILO Việt Nam khẳng định bạo hành và quấy rối tại nơi làm việc ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của phụ nữ.
Vị đại diện ILO cũng cho rằng, nội dung Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong công việc sẽ là cơ sở để sửa đổi các quy định pháp luật về quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Bộ Luật Lao động.
Làm rõ khái niệm "bạo lực và quấy rối"
Cách đây 4 năm, vào năm 2015, ILO đã khởi động quá trình xây dựng một bộ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới về bạo lực và quấy rối trong công việc. ILO thừa nhận rằng bạo lực trong công việc là mối đe dọa với phẩm giá, an ninh, sức khỏe và phúc lợi của mọi người; rằng bạo lực tại nơi làm việc không chỉ tác động tới người lao động và người sử dụng lao động, mà còn tác động tới gia đình, cộng đồng họ, tới nền kinh tế và toàn thể xã hội.
Sau khi Công ước mới này của ILO được thông qua, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn.
Bà Vương Thái Nga (Tổ chức Care) cho biết, dự thảo Công ước dài 10 trang, gồm 7 chương: Định nghĩa; phạm vi; nguyên tắc cốt lõi; bảo vệ và phòng ngừa; thi hành và khắc phục; hướng dẫn, đào tạo và nâng cao nhận thức; phương pháp áp dụng. Dự thảo Công ước hiện nay đã mở rộng phạm vi đối với các khái niệm “bạo lực”, “quấy rối”, “trong công việc”, và “người lao động”. Trong đó, thuật ngữ “bạo lực và quấy rối” trong công việc đề cập tới một loạt các hành vi không được chấp nhận, hoặc các nguy cơ liên quan tới các hành vi đó, dù xảy ra một lần hoặc lặp lại nhiều lần, nhằm mục đích, gây ra, hoặc có khả năng gây ra tác hại về mặt thể chất, tâm lý, tình dục và kinh tế, gồm cả bạo lực và quấy rối.
“Người lao động” cũng được mở rộng nội hàm, bao gồm nhân viên như định nghĩa trong Luật, cũng như những người làm việc bất kể tình trạng hợp đồng của họ, những người đang được đào tạo, gồm cả thực tập sinh và người học việc/học nghề, người lao động đã chấm dứt việc làm, tình nguyện viên, người tìm việc và ứng viên xin việc, trong tất cả các ngành, cả ở khu vực kinh tế chính thức và không chính thức, ở thành thị hay nông thôn.
Và “trong công việc” là bất cứ địa điểm hoặc môi trường nào liên quan đến quá trình làm việc, có liên hệ với hoặc phát sinh từ công việc.
Một khảo sát gần đây cho thấy 78,2% nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam là nữ giới. Phần đông chỉ tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc báo cáo sự việc họ gặp phải khi quấy rối leo thang trở thành tấn công tình dục. Theo một khảo sát thực hiện năm 2014, 87% nữ giới được khảo sát tại Hà Nội và TPHCM xác nhận họ đã bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng; 67% người qua đường không có phản ứng gì để giúp đỡ. Tại trường học, 31% nữ sinh cho biết họ đã bị quấy rối tình dục nơi công cộng và trên các phương tiện công cộng. Một báo cáo của Tổ chức Plan Quốc tế cho thấy 11% học sinh từ 30 trường trung học phổ thông tại Hà Nội xác nhận họ từng bị lạm dụng hoặc quấy rối tình dục. Nguồn: Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam |