Trong bối cảnh thế giới bất ổn, bất an và bất định như hiện nay, để nhận rõ bản chất các sự kiện đã, đang và sắp diễn ra, cần sử dụng phương pháp tiếp cận hệ thống, nếu không sẽ khó đánh giá và dự báo đúng tình hình. Những sự kiện nóng diễn ra trong mấy ngày qua chứng tỏ điều đó, trong đó có vụ cháy ở tòa tháp Trump.
Khoảng 18h ngày 7/4/2018 (giờ địa phương, tức 5h ngày 8/4/2018 theo giờ Việt Nam), một đám cháy bùng phát ở tầng trên cao của tòa tháp Trump. Ngay khi nhận được tin báo, Sở cứu hỏa New York đã điều động khoảng 200 lính cứu hỏa tới hiện trường dập lửa. Trong đó, 4 lính cứu hỏa đã bị thương trong quá trình khống chế ngọn lửa. Ở thời điểm xảy ra đám cháy, gia đình Tổng thống Mỹ Donald Trump không có mặt ở Tòa tháp.
Trên Twitter cá nhân lúc 18h42 cùng ngày 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trấn an mọi người bằng dòng trạng thái:"Ngọn lửa đã được dập tắt, một tòa nhà kiên cố". Ông Trump không quên dành lời khen ngợi lực lượng cứu hỏa thành phố đã "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" khi ông đang có mặt tại Washington D.C.
Lời cảnh báo nhằm vào ông Trump?
Một câu hỏi được nêu ra là vụ cháy ở tòa tháp Trump xảy ra ngẫu nhiên hay do một hành động phá hoại nào đó? Câu hỏi này được đặt ra không phải là không có cơ sở, bởi kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt bên trong nội bộ chính trường Mỹ, thậm chí đã có người cảnh báo rằng có thể ông Trump phải chịu số phận tương tự cựu Tổng thống Mỹ John F.Kennedy từng bị ám sát năm 1963 nếu cứ bất đồng với “nhà nước ngầm” ở Mỹ.
Trong hơn một năm cầm quyền, do bị sức ép gắt gao từ “nhà nước ngầm”, Tổng thống Donald Trump đã phải làm ngược lại một điều cam kết vô cùng quan trọng đối với nước Mỹ mà ông từng đưa ra khi tranh cử là “sẽ cải thiện quan hệ với Nga và sẽ hợp tác với Nga và Syria trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Liên quan tới cuộc chiến ở Syria, ngày 1/4/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân khỏi quốc gia này và chấm dứt sứ mệnh của Mỹ ở đó. Tuyên bố này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các nhân vật cấp cao trong bộ máy chiến tranh của Lầu Năm Góc.
Phát biểu tại Viện nghiên cứu hòa bình Mỹ tại Washington, tướng Joseph Votel-Chỉ huy Bộ tư lệnh trung tâm của Mỹ, khẳng định rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Syria trong tương lai. Cùng quan điểm, ông Brett McGurk, đại diện cấp cao của Bộ ngoại giao Mỹ tại Liên minh chống khủng bố, xác nhận: “IS vẫn chưa được tiêu diệt hoàn toàn và đây chưa phải là thời điểm rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này. Chúng tôi ở Syria để chống IS và sứ mệnh đó vẫn chưa kết thúc”.
Lúc này, cả thế giới đều biết, cái gọi là “tiếp tục sứ mệnh chống IS” chỉ là cái cớ để Mỹ hiện diện lâu dài ở Syria. Trước đó, Mỹ đã từng mượn cớ chống IS để giúp các lực lượng đối lập tiêu diệt tổng thống Syria Bassa Al-Assad, nhưng toan tính này đã bị Nga phối hợp với quân đội Syria làm cho thất bại.
Vụ cháy ở tòa tháp Trump xảy ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc họp với các tướng lĩnh quân đội Mỹ và các lực lượng đặc biệt để đánh giá tình hình về các hoạt động đang diễn ra của Mỹ ở Syria. Tại cuộc họp này, Tổng thống Trump nói rằng ông muốn quân đội Mỹ rút khỏi Syria. Giới quân sự không tán thành quan điểm này của Tổng thống Mỹ Donald Trump và họ cảnh báo ông rằng nếu tổng thống rút quân khỏi Syria thì “mọi việc sẽ rất xấu”.
Vì thế, có ý kiến nhận định vụ hỏa hoạn trên tòa tháp Trump có thể là một cảnh báo cho Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông phải đứng trước hai sự lựa chọn. Một là, sẽ phê chuẩn kế hoạch tiếp tục chiến tranh ở Syria của Lầu Năm Góc để được an thân. Hai là, nếu vẫn quyết định rút quân thì sẽ lãnh hậu quả?!
Hai vụ tấn công hóa học xuất phát từ cùng một kịch bản
Chỉ 48 giờ sau cuộc họp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các tướng lĩnh quân đội Mỹ, truyền thông Mỹ và phương Tây đồng loạt đưa tin:“Quân đội Syria được Nga bảo trợ sử dụng rất nhiều vũ khí hóa học chống lại thường dân ở phía đông của Ghouta, gần Damascus. Trong đó, có khoảng 1.000 nạn nhân và 161 người thiệt mạng”.
Vụ việc này đã được chỉ huy và lãnh đạo cấp cao của phía Nga nhiều lần cảnh báo, rằng quân đội Mỹ-đối tác liên minh của hai tổ chức khủng bố là "Mặt trận Al-Nusra" và "Quân đội Syria tự do" đang lên kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học tấn công vào dân thường để buộc tội lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria gây ra. Phía Nga cũng cảnh báo, nếu Mỹ mượn cớ này để tấn công với lý do “trừng phạt” các lực lượng của Syria, thì Nga sẽ đáp trả bằng cách đánh trả vào tất cả các phương tiện mang vũ khí tấn công của Mỹ.
Để dàn dựng màn kịch “quân đội Syria được Nga bảo trợ sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân”, trước đó Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục tình báo Anh (MI6) đã phối hợp dàn dựng vụ “Nga sử dụng vũ khí hóa học tấn công cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal”. Một chi tiết cần đặc biệt lưu ý là mặc dù Sergei Skripal được cho là bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, nhưng nhà cầm quyền Anh liên tục phát đi tuyên bố nhấn mạnh trong vụ này Nga đã sử dụng vũ khí hóa học.
Rõ ràng, việc cáo buộc “Nga sử dụng vũ khí hóa học ở Anh” là một mũi tên nhằm nhiều đích như giới phân tích đã đề cập trong mấy ngày qua. Trong đó có một mục đích rất quan trọng là tạo dư luận để dàn dựng kịch bản “quân đội Syria được Nga bảo trợ sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân”. Một thực tế không thể phủ nhận là quân đội Syria đang trên đà thắng to ở Đông Ghouta và đang truy quét tàn quân khủng bố. Trong điều kiện đó, nếu như họ có trong tay vũ khí hóa học thì cũng hoàn toàn không cần mang ra sử dụng trong lúc này. Hơn nữa, theo Tổ chức cấm vũ khí hóa học, Syria đã hoàn toàn tiêu hủy vũ khí hóa học của họ theo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Lời cảnh báo từ vụ hỏa hoạn đã có tác dụng
Quả nhiên, lời cảnh báo từ vụ hỏa hoạn trên tòa tháp Trump đã có tác dụng. Ngay sau khi có tin về vụ tấn công hóa học ở Syria, cũng tương tự như vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Anh, không cần một cuộc điều tra khách quan, ngay lập tức trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Có nhiều người chết, trong đó có phụ nữ và trẻ em, trong vụ tấn công hóa học điên rồ. Tổng thống Putin, Nga và Iran phải chịu trách nhiệm trong việc ủng hộ Assad. Họ sẽ phải trả giá đắt”.
Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm phát động cuộc tấn công Syria với lý do được dàn dựng là “quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học”, thì một cuộc đụng đầu quân sự Mỹ-Nga sẽ xẩy ra. Khi đó, không chỉ mọi ý tưởng cải thiện quan hệ với Nga của Tổng thống Donald Trump sẽ vĩnh viễn tan thành mây khói mà còn sẽ đẩy thế giới trước hiểm họa một cuộc chiến tranh lớn.
Ai thực sự tấn công Syria sau vụ scandal hóa học?
Theo tin từ Đài truyền hình nhà nước Syria, rạng sáng ngày 9/4/2018, căn cứ không quân Tayfur của nước này ở tỉnh Homs bị tấn công bằng tên lửa. Hệ thống phòng không của Syria đã đáp trả và bắn rơi 8 tên lửa của đối phương.
Thoạt đầu, truyền thông nhà nước Syria cho biết, có khả năng Mỹ tiến hành vụ không kích này nhưng Washington đã bác bỏ thông tin trên. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đòn tấn công tên lửa do Israel ra tay. Israel hồi tháng 2/2018 cũng đã không kích các mục tiêu trên lãnh thổ Syria mượn cớ “một máy bay không người lái của Iran xuất phát từ căn cứ không quân Tayfur của Syria và bay vào không phận Israel”.
Một câu hỏi tự nhiên nảy ra ở đây là, do đâu hồi tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng ra lệnh sử dụng 59 quả tên lửa hành trình tấn công một sân bay của Syria sau khi cáo buộc quân đội nước này “sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường”, mà nay lại không dám đứng ra nhận mình đã tấn công “trừng phạt Syria”? Lý do ở đây có thể là, sau khi Tổng thống Nga V.Putin đã đưa ra lời cảnh báo “lạnh gáy” trong bản thông điệp liên bang ngày 1/3/2018 và tiếp đến là tuyên bố sắc lạnh của tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga rằng Matxcơva sẵn sàng đáp trả một khi lực lượng của họ ở Syria bị tấn công.
Còn Israel, tuy họ sẵn sàng đóng vai trò lực lượng xung kích để tiến hành “cuộc chiến tranh qua tay người khác” của Washington ở Syria sau khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump tặng món quà đặc biệt Jerusalem, nhưng cũng không thể mạo hiểm đương đầu với hệ thống phòng không dày đặc của Syria được Nga yểm trợ.
Vậy nên, cả Mỹ và Israel đều chỉ tiến hành “cuộc tấn công thăm dò” để xác định thái độ kiên quyết và sức mạnh thực tế của Syria và Nga. Mà đã là thăm dò thì chẳng dại gì đứng ra tự nhận mình tấn công, để trong trường hợp bị đánh trả quá đau thì còn có đường thoái lui an toàn và không để lại dấu vết./.