CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 985,4 tỉ đồng và 229 tỉ đồng, giảm 34% và 71% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế cả năm 2022, TCBS ghi nhận tổng doanh thu đạt 5.212 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.421,9 tỉ đồng, giảm 21% so với thực hiện năm 2021.
|
Trong quý cuối năm 2022, nguồn thu từ bán các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của TCBS đạt 95 tỉ đồng, giảm 73,9% so với cùng kỳ năm trước. Thu từ các khoản cho vay và phải thu giảm 11,1% xuống còn 333,1 tỉ đồng.
Tương tự, doanh thu môi giới chứng khoán và thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành của TCBS cũng giảm lần lượt 56,9% và 51,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt lần lượt 141,7 tỉ đồng và 166 tỉ đồng.
Ở chiều hướng ngược lại, chi phí hoạt động trong quý 4/2022 của TCBS tăng gần 50% so với cùng kỳ lên 351,5 tỉ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của TCBS tại ngày 31/12/2022 đạt 26.080,9 tỉ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm.
Trong đó, công ty chứng khoán này có 2.404,8 tỉ đồng tiền mặt, 9.354,6 tỉ đồng số dư các khoản cho vay. Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) là 8.362 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với mức đỉnh 16.018,6 tỉ đồng tại cuối quý 1/2022.
Giá trị danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) của TCBS đạt 10.515 tỉ đồng, tăng 60% so với đầu năm và tăng 24,8% so với thời điểm cuối quý 3/2022. Trong đó, trái phiếu chưa niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất với 6.339,7 tỉ đồng.
Các tài sản tài chính AFS khác ngoài cổ phiếu và trái phiếu của TCBS tăng mạnh từ 365 tỉ đồng tại ngày 30/9/2022 lên 2.233 tỉ đồng tại ngày 31/12/2022. Các khoản phải thu khác của TCBS cũng tăng gấp đôi từ 1.505 tỉ đồng lên 3.450,2 tỉ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối, nguồn vốn của TCBS chủ yếu là vốn góp của chủ sở hữu với 1.126,1 tỉ đồng và 9.869 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Nợ phải trả của công ty đạt 15.096,3 tỉ đồng, trong đó có 6.871,6 tỉ đồng vay ngắn hạn và 1.708,6 tỉ đồng trái phiếu phát hành dài hạn./.