Đáng lẽ, cước taxi phải giảm ít nhất 400-900 đồng/km, vận tải hành khách phải giảm 5.000- 6.000 đồng/vé 150km.
Đắt hơn Thái Lan, Singapore
Đó là bài toán về sự vô lý trong giá cước vận tải tại Việt Nam vừa được ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch Hội Thẩm định Giá Việt Nam, công bố tại toạ đàm "Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng" diễn ra chiều 8/9 tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Thoả cho biết, nếu so với mức giá trước ngày 4/7 thì xăng đã giảm 16,3%, dầu diesel giảm 17,21%. Trong 2 tháng qua, nếu doanh nghiệp không có biến động tăng như khấu hao, tiền lương, chi phí khác... thì giá cước vận tải sẽ phải giảm đáng kể.
Theo ông Thoả, giá cước vận tải xe chạy xăng hiện nay sẽ phải giảm được 4,1% - 5,7%. Ở Hà Nội, giá cước taxi trung bình khoảng 11.000-12.000 đ/km thì sẽ giảm được khoảng 448-685 đ/km. Ở TP. Hồ Chí Minh, giá cước taxi khoảng 14.500-15.500 đ/km thì sẽ phải giảm được khoảng 591-884 đ/km.
Người tiêu dùng đang thiệt đơn thiệt kép khi giá cước vận tải dền dứ không giảm theo giá xăng dầu. |
Đối với xe chạy dầu, giá cước vận tải sẽ giảm được 6% - 7,75%. Trong đó, nếu giá cước vận tải hành khách hiện nay khoảng 550đ/km thì sẽ giảm được khoảng 33.17-42,64 đ/km. Với tuyến đường khoảng 150km, với giá vé khoảng:\ 82.500 đ/vé sẽ giảm được 4.975-6.397 đ/vé.
"Với mức hiện nay, cước taxi ở Việt Nam đang cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực", ông Thoả đánh giá.
Giá cước taxi trung bình ở Bangkok, Thái Lan là 3.800đ/km (6 bath), Manila, Philippines: 5.700đ/km (11,93 peso), Jakarta, Indonesia 6.300đ/km (4.000 rupiah) và thậm chí ở Singapore cũng chỉ 8.700đ/km (0,55S$). So với giá cước tại Singapore, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, thì giá cước taxi tại Hà Nội đang cao hơn từ 26.4% đến 60% và ở thành phố Hồ Chí Minh đang cao hơn tới 66.7% đến 78.2%.
Trước bức tranh trên, ông Thoả chia sẻ: "38 năm làm trong ngành giá, tôi rất am hiểu vấn đề này. Hai tháng qua, giá xăng đầu giảm mạnh rồi mà cước vận tải chây ì không giảm là rất vô lý, không thể chấp nhận được".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cũng than phiền: "Người tiêu dùng đang thiệt đơn, thiệt kép khi giá cước vận tải chây ỳ như vậy. Vì khi cước không giảm, giá cả hàng hoá khác cũng vin vào lý do này để tiếp tục giậm chân tại chỗ".
Ông Hùng cũng đưa ra một tính toán khác: Cước taxi 5 chỗ tại TP. HCM hiện có mức giá là 14.500-15.500 đồng/km, xăng cấu thành khoảng 4.350 – 6.200 đồng/km, chiếm 30-40% giá thành. Vậy khi giá xăng giảm tới 16,3% mà giá cước chưa giảm đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã phải chịu thiệt hại khoảng 710 - 1.012 đồng/km.
"Nghịch lý tăng nhanh, giảm chậm ở thị trường này lặp đi lặp lại suốt 5 năm qua. Với hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải thì số tiền thiệt hại về phía người tiêu dùng và số tiền lợi nhuận về phía người kinh doanh sẽ không hề nhỏ", ông Hùng nói.
Lợi ích nhóm, liên kết độc quyền?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nghi ngại: "Liệu có sự thoả thuận làm giá ở đây không? Chỉ cần nhìn nhau, cùng không thay đổi giá là cùng được lợi".
Giá cước taxi Việt Nam thuộc top đắt đỏ nhất thế giới |
"Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã đề nghị cần tẩy chay những doanh nghiệp không giảm giá cước. Hiệp hội chưa bao giờ sử dụng vũ khí lợi hại này tẩy chay doanh nghiệp. Nhưng rõ ràng, biện pháp hành chính như hiện nay là chưa đủ", ông Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Thoả nhìn nhận: "Nguyên nhân gốc rễ của sự vô lý giá cước chính là do cấu trúc thị trường cạnh tranh chưa hoàn hảo ở thị trường vận tải. Có những doanh nghiệp lãnh đạo giá ở đây, khi doanh nghiệp chiếm thị phần lớn không giảm giá thì các DN con cũng không tội gì giảm giá".
Theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, bên cạnh việc xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, cần thúc đẩy cạnh tranh trong thị trường này, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường phù hợp với yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường. Có như vậy, thị trường hoàn hảo hơn và sẽ hiệu quả hơn.
Nhìn nhận trung dung hơn, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, cho rằng, doanh nghiệp phải có lợi nhuận thì mới phát triển được thị trường.
Theo ông Hùng, trong lúc các hãng taxi truyền thống chây ì như vậy, để đáp ứng mục tiêu giảm được chi phí vận hành và cước phí cho người tiêu dùng, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề nghị cho phép triển khai Đề án thí điểm GrabCar, là sàn giao dịch vận tải trên môi trường điện tử hay còn gọi là dịch vụ gọi xe theo hợp đồng điện tử".
"Tôi đi GrabTaxi, chỉ mất trung bình có 6000-6.500 đồng/km. Thay vì 10 xe taxi cùng lao đến đón 1 người thì chỉ có một xe đến đón, giảm được tới 90% thời gian xe chạy rỗng hiện nay, kéo theo, chi phí vận tải giảm, người tiêu dùng cũng được lợi", ông Khuất Việt Hùng nói.
Ông Hùng phân tích, bên cạnh tăng cường quản lý thị trường vận tải truyền thống thì chính việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong Smartphone như Grabtaxi, tương lai có thể là GrabCar nếu Chính phủ thông qua là thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Nếu như Chính phủ thông qua sàn giao dịch vận tải thí điểm thì các hãng xe truyền thống cũng phải đổi mới công nghệ để giữ thị phần, vì người tiêu dùng.
Theo VNN