Sáng 19/4, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết, ngoài việc duy trì lực lượng và phương tiện hiện có, hôm nay sẽ điều thêm 12 người nhái, 3 tàu gắn thiết bị dò tìm dưới đáy biển.
“Với những thiết bị dò tìm chuyên dụng, hi vọng sớm tìm thấy hai phi công. Bộ Tổng tham mưu và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân thường xuyên túc trực tại Sở chỉ huy ở hiện trường giám sát, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ”, ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, lực lượng tìm kiếm còn được tăng cường một tàu có thiết bị kéo và chứa các vật thể nặng của Cảnh sát biển; tàu biên phòng. Lực lượng Phòng không – Không quân, Kiểm ngư, đặc công, bộ đội địa phương… cũng điều thêm cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện hiện đại đến hiện trường. Việc trục vớt các phần của máy bay đã xác định được sẽ tiến hành trong ngày.
Trao đổi với VnExpress, đại tá Đỗ Hồng Đó - Chính ủy Vùng 3 cảnh sát biển (Bà Rịa - Vũng Tàu) - cho biết thêm, tàu cứu hộ, cứu nạn 9001 công suất lớn của Cảnh sát biển Vùng 3 được điều động tham gia cẩu kéo và chứa các vật thể nặng sau khi trục vớt các bộ phận của Su-22 từ đáy biển.
Sở chỉ huy được lập trên tàu Kiểm ngư 781 ngay trên vùng biển Phú Qúy, nơi từng phát hiện phần đuôi Su-22 để trực tiếp giám sát, chỉ đạo các lực lượng phối hợp nhịp nhàng công tác dò tìm dưới đáy biển cũng như trục vớt, cứu hộ.
Trong ngày 18/4, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn công tác có mặt tại hiện trường trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn. Một số bộ phận của hai máy bay gặp nạn tiếp tục được phát hiện. Các “người nhái” đã phát hiện và kéo lên mặt nước được một thùng dầu phụ, khung nắp buồng lái của máy bay. Các chiến sĩ cũng đã tiếp cận vật thể nghi là bộ phận của thân máy bay dưới đáy biển.
|
Tàu biên phòng ra hiện trường tìm kiếm hai chiếc máy bay vào sáng 19/4. Ảnh:Hoàng Trường |
Trong quá trình tìm hiếm 2 chiếc Su-22, các đơn vị liên quan đã sử dụng 6 máy bay của Quân chủng Phòng không - Không quân, 7 tàu của Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng và hơn 200 tàu, thuyền của ngư dân đang hoạt động ở khu vực tham gia tìm kiếm.
Trước đó vào cuối giờ chiều ngày 17/4, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã phát hiện được một trong hai máy bay Su-22 gặp nạn ở độ sâu 50 m.
Ông Lê Văn Hội, Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận, cho biết lực lượng tìm kiếm cứu nạn phối hợp đã tìm thấy đuôi của một chiếc Su-22 nằm dưới đáy biển tại khu vực được khoanh vùng tìm kiếm.
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân cũng xác nhận đã tìm thấy phần đuôi một chiếc Su-22 tại vùng biển giáp ranh Ninh Thuận và Bình Thuận, ở độ sâu 32 m.
Song, lúc này trời đang tối nên lực lượng tìm kiếm cứu nạn đánh dấu tọa độ để ngày mai trục vớt.
Trao đổi với phóng viên Vietnamnet, nhiều người dân của huyện đảo Phú Quý cho biết, ngoài tàu 828 của cha con ông Nguyễn Phùng ở xã Ngũ Phụng thì tại thời điểm máy bay rơi còn có một số ngư dân trên các tàu cá khác nhìn thấy 2 máy bay rơi.
Họ nhìn thấy 2 máy bay sà xuống biển rồi vọt lên và đụng nhau ở phần cánh rồi rơi xuống biển. Họ không thấy máy bay bị nổ và phi công nhảy dù.
Ngoài 3 thùng dầu ngư dân còn vớt được thêm một số vật nổi khác nhưng họ không biết là gì và họ đã giao nộp cho lực lượng biên phòng vào trưa hôm qua (16/4).
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Tạ Minh Nhựt - Phó chủ tịch huyện Phú Quý cho biết, công việc tìm kiếm đang diễn ra tích cực.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng chưa phát hiện thêm dấu hiệu nào khác ngoài vết dầu loang.
"Nhiều khả năng công tác tìm 2 máy bay Su-22 và phi công gặp nạn phải tạm ngưng vào 18h hôm nay", ông Nhựt cho hay.
14h, theo thông tin của cơ quan chức năng, đã xác định vị trí 2 máy bay rơi sát nhau, phía nam Hòn Trứng (Phú Quý).
Sau khi định vị được vị trí, nơi này đã bị phong tỏa hoàn toàn, cấm các tàu qua lại để cơ quan chức năng tiến hành tìm kiếm, cứu hộ.
11h30, trao đổi với báo chí, Văn phòng Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Thuận cho biết:
Lúc 11h, Lực lượng Cảnh sát biển cho hay, tàu CSB-2009 tham gia tìm kiếm đã phát hiện vệt dầu loang cách hòn Đá Bé (thuộc huyện đảo Phú Quý) 3 km. Các tàu thuyền đang tập trung tìm kiếm ở khu vực này.
Đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đã điều động tàu CSB-2009 và máy bay Casa 212 tham gia tìm kiếm, dưới sự chỉ huy của đoàn công tác Bộ Quốc phòng.
Tàu CSB 2009 tham gia tìm kiếm cứu hộ 2 phi công mất tích trên biển Bình Thuận. Ảnh: Cảnh sát biển.
Các cơ quan chức năng cho hay, lực lượng tìm kiếm đang triển khai quanh khu vực được xác định 2 phi công nhảy dù tại tọa độ 13, 626 kinh độ bắc, 108,505 kinh độ đông.
Ông Tạ Minh Nhựt - Phó chủ tịch huyện Phú Quý cho biết, huyện đã chuẩn bị các phương án ứng cứu về y tế để phục vụ công tác tìm kiếm.
"Hiện Bệnh viện Quân dân Phú Quý đã chuẩn bị sẵn thuốc, cơ sở hạ tầng, thiết bị và bác sĩ giỏi để đảm bảo công tác cấp cứu", ông Nhựt nói.
Cũng theo ông phó chủ tịch huyện đảo, các bác sĩ và cán bộ bệnh viện, các ngành chức năng của huyện túc trực 24/24 để phục vụ đội tìm kiếm cứu nạn.
Theo báo Tuổi Trẻ, trong sáng 17-4, thiếu tướng Lâm Quang Đại - Phó chính ủy Quân chủng phòng không không quân đã đến thăm và động viên chia sẻ với gia đình đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, lái máy bay SU-22, phi đội phó phi đội 1, trung đoàn 937).
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại gia đình đại úy Tú (Phan Rang - Tháp Chàm), đến giờ này các thành viên trong gia đình đại úy Tú đều khá bình tĩnh và hy vọng lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ sẽ sớm cứu được hay phi công này.
Theo: VnExpress