Năm 2014, ông Nguyễn Quốc Hòa (56 tuổi, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa) ở TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã chế tạo tàu ngầm mini mang tên Trường Sa. Trong thời gian chờ đợi cấp phép, năm 2015, ông Hòa cùng với đội ngũ kỹ sư nghiên cứu chế tạo tàu ngầm mang tên Hoàng Sa. Đến trưa 30.11.2015, tàu ngầm tự chế Hoàng Sa được mang ra một hồ rộng khoảng 3ha, sâu 3m để thử nghiệm. Sau gần 2 giờ thử nghiệm, tàu ngầm đã lặn, nổi nhịp nhàng, không gặp sự cố nào.
Trao đổi với phóng viên, ông Hòa cho hay, ngày 13.2 vừa qua, ông cùng với đội ngũ kỹ sư đã đưa tàu ngầm tự chế Hoàng Sa ra vùng biển thuộc cảng Diêm Điền xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy (nằm cách thành phố Thái Bình 30 km) thử nghiệm. Tuy nhiên, khi đưa ra tới nơi, lực lượng biên phòng ở địa phương đã không cho phép ông Hòa thử nghiệm tàu ngầm trên vùng biển này.
“Lý do họ đưa ra cũng không rõ lắm, họ nói với chúng tôi rằng, không có giấy phép chế tạo tàu ngầm Hoàng Sa, như vậy cũng đồng nghĩa với việc không có giấy phép thử nghiệm tàu. Lực lượng biên phòng không cho chúng tôi thử nghiệm. Sau đó ít giờ chúng tôi đành phải chở tàu ngầm Hoàng Sa về xưởng”, ông Hòa thông tin.
Mới đây ông Hòa mang tàu ngầm Hoàng Sa ra biển thuộc cảng Diêm Điền xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy (nằm cách thành phố Thái Bình 30 km) thử nghiệm, tuy nhiên chính quyền địa phương đã không đồng ý.
Chủ nhân của tàu ngầm Hoàng Sa cho biết thêm, hiện tại ông đang làm văn bản gửi lên UBND tỉnh Thái Bình xin phép được thử nghiệm tàu ngầm ở biển. Nếu được chính quyền của địa phương đồng ý, ông sẽ thực hiện buổi thử nghiệm tàu ngầm trong thời gian sớm nhất.
“Lực lượng biên phòng có giải thích thêm, theo quy định, trước khi đưa các phương tiện máy móc ra biển thì phải được sự đồng ý của lực lượng biên phòng trước 3 ngày. Lực lượng này đã giải thích như vậy tôi cũng đồng tình. Ngày hôm qua (15.2), tôi đã gửi hồ sơ lên các cơ quan chức năng có liên quan và đang chờ chấp thuận”, ông Hòa nói thêm.
Lực lượng biên phòng đã có mặt khi ông Hòa mang tàu ngầm ra biển thử nghiệm |
Trước khi đưa tàu ngầm ra biển, ông Hòa đã cùng với đội ngũ kỹ sư sơn màu xanh cho tàu ngầm Hoàng Sa. Ông Hòa nói rằng ông thích màu xanh vì màu xanh của tàu ngầm rất hợp với vùng biển nông, có nhiều bèo.
“Những tính năng cơ bản như: hệ thống dẫn đường; liên lạc thủy âm khi lặn sâu, hệ thống liên lạc tầm xa VHF khi nổi; hệ hống camera quan sát dưới nước; hệ thống dò quét đáy biển, vật cản phía trước... đã thử nghiệm xong và đang hoạt động tốt. Tôi tin rằng khi đưa tàu ngầm ra biển thử nghiệm sẽ thành công”, chủ nhân của tàu ngầm chia sẻ.
Tàu ngầm tự chế Hoàng Sa có thể chạy được 7 hải lý/h, tốc độ tối đa có thể đạt được là 15 hải lý/h. Tàu ngầm nặng 9 tấn, dài 7 m, bề ngang 2,5m; cao 2m và có thể lặn sâu 50m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm. Vỏ tàu được thiết kế bằng thép cường lực. Tàu có hình thoi dẹt, chở 2 người. Trước đó tàu ngầm được sơn màu đỏ.
Theo Dân Việt