|
Đất hiếm đóng vài trò quan trọng trong ngành sản xuất các thiết bị công nghệ hiện đại. Ảnh: Reuters
|
Thế nào là đất hiếm và chúng phân bố ở đâu?
Kim loại đất hiếm gồm 17 nguyên tố: lanthanum, cerium, praseodymium, neodymium, promethium, samarium, europium, gadolinium, terbium, dysprosium, holmium, erbium, thulium, ytterbium, lutium.
Như tên gọi của chúng, quá trình khai thác đất hiếm thực sự rất khó khăn và tốn kém. Trung Quốc là nhà cung cấp đất hiếm chính của thế giới và từ năm 2014 đến 2017, 80% trữ lượng đất hiếm mà Hoa Kỳ nhập khẩu là từ Trung Quốc. Trung Quốc chiếm 37% sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới, theo dữ liệu từ Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ. Đất hiếm cũng được khai thác ở Ấn Độ, Nam Phi, Canada, Úc, Estonia, Malaysia và Brazil.
Hiện các nhà nhập khẩu đất hiếm đang tìm cách để giảm thiểu việc tiêu thụ đất hiếm và phụ thuộc vào Trung Quốc sau mâu thuẫn trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào năm 2010. Bắc Kinh từng bị cáo buộc sử dụng đất hiếm để làm đòn bẩy chính trị. Một số công ty Nhật cho biết Trung Quốc năm 2010 cắt giảm xuất khẩu đất hiếm khi căng thẳng tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật gia tăng. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này.
Vào thời điểm hiện tại, rất khó để tìm ra đối thủ có thể cạnh tranh vị trí nhà cung cấp đất hiếm số một thế giới của Trung Quốc. Ở Mỹ, mỏ Mountain Pass nằm ở California là cơ sở đất hiếm duy nhất. Tuy nhiên, sau khi khai thác, lượng đất hiếm ở mỏ này lại phải chuyển đến Trung Quốc để xử lý mới có thể sử dụng được.
Trung Quốc là bên sản xuất đất hiếm hàng đầu một phần vì rủi ro môi trường khiến các nước khác e dè khai thác. Việc khai thác đất hiếm tạo ra chất thải độc hại và có nguy cơ thải ra chất phóng xạ.
Vai trò của đất hiếm trong lĩnh vực công nghệ cao
Đất hiếm được sử dụng trong pin sạc cho các loại xe điện, làm nguyên liệu để sản xuất gốm sứ tiên tiến, máy tính, đầu DVD, chất xúc tác trong xe hơi và nhà máy lọc dầu, tivi, đèn, laser, sợi quang,… Một số nguyên tố đất hiếm như neodymium và dysprosium rất quan trọng đối với các động cơ được sử dụng trong xe điện.
Đất hiếm trong thiết bị quân sự
Một số loại đất hiếm có vị trí thiết yếu trong các thiết bị quân sự như động cơ phản lực, hệ thống dẫn đường tên lửa, hệ thống phòng thủ, vệ tinh cũng như trong laser. Ví dụ nguyên tố đất hiếm Lanthanum là nguyên liệu để sản xuất các thiết bị có thể nhìn vào ban đêm.
Nhu cầu về đất hiếm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chiếm khoảng 9% nhu cầu đất hiếm trên toàn thế giới, theo báo cáo năm 2016 của Văn phòng Chính phủ Hoa Kỳ.
Danh sách các công ty phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc
Các công ty quốc phòng của Mỹ như Raytheon, Lockheed Martin hay BAE Systems Plc đều chế tạo các tên lửa hiện đại sử dụng kim loại đất hiếm trong hệ thống dẫn và cảm biến.
Apple cũng sử dụng các yếu tố đất hiếm trong các thiết bị loa, máy ảnh và các công cụ được gọi là “động cơ haptic” có chức năng làm cho điện thoại rung. Táo Khuyết cho biết thành phần đất hiếm không có sẵn trong các nguồn tái chế vì các thiết bị chỉ sử dụng nó với số lượng rất nhỏ và không thể tái chế được.
Ông Dave Gholz, cựu chuyên gia về chuỗi cung ứng của Washington hiện đang giảng dạy tại Đại học Notre Dame cho biết từ năm 2010, chính phủ và các ngành công nghiệp tư nhân đã xây dựng kho dự trữ đất hiếm.
Cho đến nay, chính phủ Hoa Kỳ đã miễn các loại đất hiếm khỏi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Nếu “vũ khí” đất hiếm được Trung Quốc đem đến “sàn đấu thương mại”, đây sẽ thực sự là một rắc rối cho Hoa Kỳ, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó chỉ thực sự gây khó khăn cho Hoa Kỳ trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể tìm kiếm được một nguồn cung khác.
Theo Reuters