Theo đó, trên cơ sở báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố và ý kiến của các đơn vị liên quan, Thường trực Thành ủy thống nhất kết luận: Đồng ý chủ trương về việc thí điểm giao Công ty cổ phần Tập đoàn T&T được quản lý, sử dụng, vận hành Sân vận động Hàng Đẫy theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố.
Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng Đề án cụ thể về việc giao Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đầu tư sửa chữa, xây dựng bãi đỗ xe ngầm và vận hành, quản lý, sử dụng Sân vận động Hàng Đẫy, đáp ứng các tiêu chí về sân vận động chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm tuân thủ các quy trình, quy định của pháp luật, nhất là quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành có liên quan, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo trình Thường trực Thành ủy theo quy định.
Trước đó tại cuộc họp giao ban với các sở ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Văn hóa-Thể Thao kiểm tra tất cả các cơ sở văn hóa, thể thao trên địa bàn do Sở này quản lý. Trong đó, có việc chuyển giao sân vận động Hàng Đẫy cho CLB Hà Nội T&T (nay đổi tên là CLB Bóng đá Hà Nội) quản lý.
Ngày 19/3/1988, sân Hàng Đẫy được Tổng cục Thể dục - Thể thao bàn giao cho UBND TP Hà Nội. Sân có kích thước 105x68m, gồm 15 cửa, 3 khán đài với tổng số 20.080 ghế ngồi. Ngày 24/4/2003, UBND TP Hà Nội ra quyết định đổi tên Sân vận động Hà Nội trở về tên gọi ban đầu là Sân vận động Hàng Đẫy và tên gọi đó được giữ đến nay.
Sân vận động Hàng Đẫy nằm ở đường Trịnh Hoài Đức, Hà Nội, trước khi có Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hàng Đẫy là nơi tổ chức các trận thi đấu của Đội tuyển bóng đá Việt Nam.