Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại.
Như: cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra.
Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút, Chính phủ đánh giá.
Đây cũng là một trong những lý do Luật Báo chí cần phải được sửa đổi, bổ sung toàn diện, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới, theo tờ trình của Chính phủ.
Mở rộng đối tượng
Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành, Bộ trưởng Son cho hay.
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh, điểm mới của dự thảo luật so với luật hiện hành là bổ sung thêm một chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Tuy nhiên, Hiến pháp quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”, trong khi đó dự thảo luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo , còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân. Và theo cơ quan thẩm tra thì đây là bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu.
Mặt khác, tên điều 11 (quyền tự do báo chí) quá rộng, muốn bao quát toàn bộ nội dung quy định của Hiến pháp về quyền tự do báo chí nhưng lại không chỉ rõ quyền này của ai, còn nội dung của điều 11 cũng chưa thể hiện đầy đủ nội hàm của quyền này, cơ quan thẩm tra nhìn nhận.
Điểm mới nữa đáng chú ý là dự thảo luật cũng đã mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí.
Theo đó, dự thảo đã quy định rõ hơn: “Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam; học viện, viện nghiên cứu, trường đại học và bệnh viện công lập”.
Ngoài ra, dự thảo luật còn quy định “các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước” được thành lập cơ quan báo chí.
Sự mở rộng này, theo ban soạn thảo dự án luật là phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Gánh nặng ngân sách
Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, trong quy định về những cơ sở khoa học, giáo dục, y tế, kinh tế được thành lập cơ quan báo chí, vẫn có sự phân biệt đối xử giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập, giữa các doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước.
Và quan điểm của cơ quan thẩm tra là, các cơ sở nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học không phân biệt công lập hay ngoài công lập, đều cần được thành lập tạp chí khoa học để công bố các kết quả nghiên cứu khoa học của mình. Trên thực tế, hiện nay một số trường đại học ngoài công lập đang xuất bản tạp chí khoa học. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm về quy định đối tượng được thành lập cơ quan báo chí.
Liên quan đến quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí,thường trực cơ quan thẩm tra nhìn nhận, hiện nay có quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, dự thảo luật không có những quy định nhằm khắc phục tình trạng trên mà lại duy trì cơ chế bao cấp.
Quan điểm của thường trực cơ quan thẩm tra là dự thảo luật cần có những quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Theo TBKTVN