Tập đoàn PNE: Tiềm lực nhà đầu tư đề xuất rót 1,5 tỷ USD làm điện gió ngoài khơi Bình Định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tập đoàn PNE của Đức mới đây đã đề xuất dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hôm 1/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã làm việc với đoàn công tác Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (cơ quan đại diện của Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên Bang Đức).

Tại buổi làm việc, ông Trần Minh - Giám đốc Dự án cấp cao điện gió ngoài khơi Tập đoàn PNE (PNE) - đã đề xuất dự án phát triển công viên điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Đồng thời, tập đoàn này muốn tìm hiểu cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng gió tại Bình Định và quy trình phát triển, phê duyệt dự án điện gió tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu của VietTimes, PNE là tập đoàn đa quốc gia, có trụ sở chính đặt tại Cộng hòa Liên Bang Đức, với hơn 20 năm kinh nghiệp trong lĩnh vực phát triển dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi.

Một số dự án điện gió PNE đang thúc tiến triển khai (Nguồn: PNE)
Một số dự án điện gió PNE đang thúc tiến triển khai (Nguồn: PNE)

Năm 2020, PNE lên kế hoạch thu nhập trước thuế, lãi và khấu hao (EBITDA) đạt 15 - 20 triệu EUR. Sau nửa đầu năm, doanh nghiệp này mới chỉ đạt EBITDA ở mức 8 triệu EUR, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi tính thêm các chi phí khác, PNE báo lỗ ròng ở mức 5,3 triệu EUR, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi 3,4 triệu EUR.

Tại Đức, hiện PNE đang đầu tư xây dựng 5 dự án điện gió với tổng công suất 49 MW, trong đó có 2 dự án đấu thầu thành công trong năm 2020.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang phát triển một số dự án tại Thụy Điển, Ba Lan, Mỹ,...

Đồng thời, PNE cũng đang tập trung mở rộng hoạt động ở các khu vực như Nam Mỹ, Châu Phi, Trung Đông và Châu Á.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng về thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 3.000 km đường bờ biển và một số khu vực có lượng gió lớn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới (WB) cũng đánh giá, tiềm năng điện gió ngoài khơi tại vùng biển có độ sâu nhỏ hơn 200 m ở Việt Nam đạt 475.000 MW.

Hiện nay, tổng công suất các nhà máy điện của Việt Nam là 40.000 MW, chủ yếu là thủy điện, nhiệt điện than. Vì vậy, điện gió ngoài khơi là tiềm năng có thể đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại và tương lai.

Tại Việt Nam, “siêu dự án” điện gió Thăng Long ngoài khơi tỉnh Bình Thuận có công suất 3.400 MW, tổng vốn đầu tư 11,9 tỷ USD đang trong quá trình nghiên cứu khả thi từ năm 2019 và có thể hoàn thành trước năm 2030.

Ngoài ra, tháng 7/2020 vừa qua, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) cũng ký biên bản ghi nhớ về phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, tỉnh Bình Thuận với tổng công suất 3.500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD./.