Ảnh minh họa (Ảnh: IPA Quảng Trị)
|
Truyền thông trong nước đưa tin, ông Trần Tiến Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét thẩm định, phê duyệt dự án Nhà máy điện gió Kỳ Anh MK vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII).
Theo ông Hưng, vị trí khảo sát, nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Kỳ Anh MK chưa có trong danh mục nguồn điện thuộc Quy hoạch điện VII, nên chưa có trong kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh được phê duyệt.
Do đó, nội dung cần điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch gồm: Chủ đầu tư dự án là CTCP Điện mặt trời Miền Trung MK (Miền Trung MK); địa điểm thực hiện dự án tại các xã Kỳ Khang, Kỳ Phú huyện Kỳ Anh; diện tích cho khảo sát, nghiên cứu đầu tư khoảng 2.800ha; diện tích đất để xây dựng dự án là 34,25ha.
Theo đó, dự án Nhà máy điện gió Kỳ Anh MK có công suất thiết kế 403,2MW, bao gồm 4 nhà máy, mỗi nhà máy có công suất 100,8MW, điện lượng hàng năm đạt 1.139 triệu kWh.
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 16.206,9 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp là 3.200 tỷ đồng, số còn lại chủ đầu tư sẽ huy động từ nguồn tín dụng các ngân hàng trong nước và quốc tế.
Về thời gian vận hành, Nhà máy Điện gió Kỳ Anh MK1 dự kiến bắt đầu vận hành từ tháng 6/2022, Điện gió Kỳ Anh MK2 vận hành từ tháng 12/2022, Điện gió Kỳ Anh MK3 vận hành từ tháng 6/2023, Điện gió Kỳ Anh MK4 vận hành từ tháng 12/2023.
Trước đó, tháng 4/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có tờ trình lên Chính phủ đề xuất bổ sung dự án 2 dự án nhà máy điện gió vào Quy hoạch điện VII.
Cụ thể, dự án Nhà máy điện gió Kỳ Anh do CTCP Năng lượng Phước Trung đề xuất xây dựng tại các xã Kỳ Tân, Kỳ Tân, Lâm Hợp và Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 4.915 tỷ đồng; Dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh thuộc Tập đoàn BHRE đầu tư xây dựng tại thị xã Kỳ Anh có tổng mức đầu tư dự kiến 4.258 tỷ đồng.
Hình bóng “đại gia” xăng dầu và “ông trùm” ngành nhựa
Theo tìm hiểu của VietTimes, Miền Trung MK được thành lập ngày 25/9/20219, trụ sở chính tại số 2A, đường Lê Mao, phường Lê Mao, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Công ty này có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất điện.
Khi thành lập, Miền Trung MK có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group - nắm giữ 45% cổ phần), CTCP Hóa chất Nhựa (nắm giữ 50% cổ phần) và ông Chu Đăng Khoa (nắm giữ 5% cổ phần). Chủ tịch HĐQT của Miền Trung MK là bà Chu Thị Thành (SN 1960).
Chủ tịch - Chu Thị Thành (Ảnh: TMD Group)
|
Bà Thành còn là người đại diện pháp luật cho một số công ty khác như: Công ty TNHH Thiên Phú, CTCP Trung Long, CTCP Khoa học Kỹ thuật Điện tử Thiết bị Viễn thông Trung Thiên, Công ty TNHH Thương mại Du lịch DKC, CTCP Dầu khí EPIC, Công ty TNHH Thương mại Hiếu Thành Lộc, CTCP Nam Long Vinh.
Ông Chu Đăng Khoa (SN 1982) là con trai của bà Chu Thị Thành. Tuy không sở hữu cổ phần tại Miền Trung MK, nhưng bà Chu Thị Thành lại sở hữu 60% cổ phần tại TMD Group (tính đến tháng 6/2018).
TMD Group được thành lập tháng 9/2001, có cùng địa chỉ trụ sở chính với Miền Trung MK. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Tính đến cuối năm 2019, công ty này có vốn điều lệ 1.155 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, TMD Group là thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu cả xăng dầu và khí hóa lỏng với mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc.
Tổng kho xăng dầu DKC & Các sản phẩm sau dầu mỏ - TMD Group (Ảnh: TMD Group)
|
Được biết, tháng 9/2019, TMD Group bị phạt hơn 229 triệu đồng vì bán xăng không đạt chất lượng. Ngoài xử phạt bằng tiền, Cửa hàng xăng dầu DKC Đền Cuông thuộc TMD Group còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu với thời hạn 1 tháng.
Ngoài ra, TMD Group còn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy, bao bì, logistic, vận tải đến dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, nông trại và khai khoáng ở nước ngoài, với hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Trong khi đó, như VietTimes từng đề cập, CTCP Hóa chất Nhựa (Plaschem) được thành lập từ năm 1999, trụ sở chính tại tòa nhà Plaschem, số 562, Nguyễn Văn Cừ, Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội. Tính đến tháng 3/2020, Công ty này có vốn điều lệ 461 tỷ đồng.
Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty này là ông Bùi Tố Minh (SN 1967). Ông Tố Minh được biết đến là doanh nhân trong ngành nhựa với nhà máy tại Long An.
Phối cảnh dự án chung cư Plaschem tại 93 Đức Giang, Hà Nội (Ảnh: ibatdongsan)
|
Bên cạnh đó, ông Minh còn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, du lịch với thương hiệu “Silk Path”. Thương vụ chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản tại số 93 phố Đức Giang (Hà Nội) giữa Plaschem và CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Thế Kỷ hồi tháng 3/2020 là một minh chứng rõ nét.