Theo nguồn tin của VietTimes, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về thực trạng phát triển điện gió cả nước.
Theo người đứng đầu Chính phủ: “Phát triển điện mặt trời là một kinh nghiệm đắt giá. Nay điện LNG, điện gió đang có xu hướng tương tự. Nhiều tỉnh thành trong cả nước thời gian qua như một phong trào liên tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch. Công tác quản lý nhà nước và quy hoạch ngành điện đã không theo kịp thực tiễn phát triển”.
Cho biết Thường trực Chính phủ chưa đủ cơ sở để họp xem xét chủ trương điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện gió đến năm 2025 và năm 2030, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện Tổng sơ đồ điện 8 với các tính toán khoa học và thực tiễn về cơ cấu nguồn và truyền tải để đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững.
“Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ muộn nhất tháng 10/2020” – Thủ tướng chỉ đạo.
Về các dự án điện gió đã đủ kiều kiện, đảm bảo phát điện trước ngày 01/11/2021 như cơ chế hiện hành thì đề nghị khẩn trương xem xét bổ sung Quy hoạch để có nguồn bổ sung, chống thiếu điện. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện.
Thủ tướng: "Phát triển điện mặt trời là một kinh nghiệm đắt giá. Nay điện LNG, điện gió đang có xu hướng tương tự."
|
250 dự án điện gió đang “chờ” vào quy hoạch
2 năm trở lại đây, mối quan tâm của các nhà đầu tư vào các dự án năng lượng sạch ở Việt Nam đã lên cao trào, với tổng công suất đề nghị gần 150.000 MW, gấp khoảng 3 lần công suất điện hiện có.
Theo Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2019, khi đề nghị các tỉnh tạm dừng đề xuất các dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FiT (sau khi có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời) đã có 135 dự án với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.
Chưa kể, theo công bố của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trên diễn dàn Quốc hội kỳ họp cuối năm có cho hay, còn có gần 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất tới 28.300MW đang chờ để được đưa vào quy hoạch.
“Không chỉ lao như thiêu thân về phía điện mặt trời, các nhà đầu tư tư nhân còn dang cánh bay vào điện gió”, một tờ báo từng viết.
Nên biết, hạ tuần tháng 3/2020 vừa rồi, Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét bổ sung gần 250 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 45.000 MW vào quy hoạch phát triển điện lực.
Theo Bộ này, tính đến ngày 15/3/2020, ngoài các dự án đã được bổ sung quy hoạch, Bộ nhận được đề xuất của các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch gần 250 dự án điện gió.
Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ có 3 địa phương (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) đề nghị bổ sung 51 dự án, tổng công suất 2.919 MW; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có 4 địa phương (Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận) đề nghị bổ sung 10 dự án, tổng công suất 4.193 MW; khu vực Tây Nguyên có 5 địa phương (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) đề nghị bổ sung 91 dự án, tổng công suất là 11.734 MW; khu vực Đông Nam Bộ có 1 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung 2 dự án, tổng công suất 602,6 MW; khu vực Tây Nam Bộ có 7 địa phương (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) đề nghị bổ sung 94 dự án, tổng công suất 25.541 MW.
Đối với các đề xuất trên, Bộ Công Thương cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, mục tiêu công suất lắp đặt điện gió khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.
Đề cập về khả năng đáp ứng của hạ tầng hệ thống điện đối với các tỉnh có quy mô công suất điện gió đề nghị bổ sung quy hoạch, Bộ Công Thương cho biết, vẫn còn lo lắng đối với vấn đề này.
Lý do là, theo kết quả tính toán của Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, ở khu vực Nam Trung Bộ, tỉnh Bình Định, Phú Yên đã tập trung đầu tư khá nhiều dự án điện mặt trời và đang đề xuất bổ sung quy hoạch 4 dự án điện gió. Khu vực này khó có khả năng bổ sung thêm công suất các dự án điện gió bởi lưới điện 220 kV khu vực này khá yếu.
Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên, kết quả tính toán cũng chỉ ra, trong chế độ vận hành bình thường thì trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 và trạm biến áp 500 kV Đắk Nông vận hành đầy tải.
Nhằm giải tỏa công suất gần 250 dự án điện gió đề nghị bổ sung quy hoạch nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, đẩy sớm các công trình lưới điện tuyền tải, hạ tầng kỹ thuật.
Theo ghi nhận của VietTimes, hưởng ứng chủ trương khuyến khích, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thời gian qua đã xuất hiện làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo, đặc biệt là hai loại hình: điện mặt trời và điện gió.
Đáng mừng là trong làn sóng ấy có rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam, gồm cả những doanh nghiệp có kinh nghiệm và cũng không thiếu những “lính mới” lần đầu nghe tên.
Tuy vậy, cũng có hiện tượng, các nhà đầu tư sau khi lấy được các dự án khủng lại sớm sang tay hay có kế hoạch sang tay cho các nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh của CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) của đại gia Trần Đình Hải mà VietTimes mới đề cập.
Không chỉ điện mặt trời, được biết, Hưng Hải Group hiện cũng đang rất sốt sắng trên thị trường điện gió, trong đó có siêu dự án Nhà máy Điện gió Hưng Hải Gia Lai đã được tỉnh Gia Lai đề xuất Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030/.