Tất cả “mớ hỗn độn khủng hoảng” đang leo thang ở Trung Đông, châu Phi và châu Âu đã khiến Nhà Trắng buộc phải nhìn nhận lại chiến lược an ninh của mình...
Để tái khẳng định quan hệ quốc phòng với các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ thực hiện 2 chuyến thăm tới khu vực này trong vòng 2 tháng. Chuyến thăm đầu tiên bắt đầu từ ngày 7/4 (theo giờ Mỹ) với điểm dừng chân là Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là cuộc gặp với người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii.
Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, chuyến thăm thứ hai được thực hiện vào tháng 5 với việc tham dự Hội nghị an ninh Shangri-la thường niên tại Singapore và cuộc đối thoại với các quan chức quốc phòng Ấn Độ tại thủ đô New Delhi.
Trên chặng đường đi, hôm 6/4, ông Ash Carter đã có một cuộc nói chuyện khá thú vị với các sinh viên và giảng viên tại Viện McCain thuộc Đại học Arizona ở thành phố Tempe, bang Arizona, về việc cải tiến hệ thống quân đội Mỹ và chính sách xoay trục ở châu Á - Thái Bình Dương của nước này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chính sách “tái cân bằng” châu Á - Thái Bình Dương phải được triển khai bằng cách đầu tư các vũ khí công nghệ cao như bom tàng hình tầm xa, củng cố liên minh quân sự với Nhật Bản và mở rộng đối tác thương mại. Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa khẳng định rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một ưu tiên cao trong chiến lược của Washington. Nhưng các cuộc khủng hoảng khắp Trung Đông như sự lớn mạnh của tổ chức IS, cuộc chiến ở Yemen… đã nhiều lần làm chuyển hướng sự chú ý của chính quyền Washington. Lần này, trong chuyến đi của mình, ông Ash Carter tập trung vào việc tăng cường và hiện đại hóa mối quan hệ liên minh của Mỹ ở Đông Bắc Á.
Ông Ash Carter nhấn mạnh, với dự đoán một nửa dân số thế giới sẽ sinh sống vào năm 2050, châu Á - Thái Bình Dương là “nơi có những sự kiện làm thay đổi an ninh trong tương lai”. Điều đó cũng có nghĩa là, lộ trình đầu tiên là việc cung cấp một hệ thống vũ khí hiện đại và có năng lực cao nhất, song song với việc duy trì công nghệ hiện thời như máy bay chiến đấu F-35…
Khi lộ trình này hoàn thành, như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiết lộ, 60% hạm đội Mỹ sẽ đóng tại châu Á - Thái Bình Dương. Lính hải quân Mỹ sẽ được triển khai từ Philippines đến Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả Ấn Độ…
Nhưng để thực hiện tham vọng này, Mỹ cần phải tìm chiếc chìa khóa giúp mở mọi cánh cửa trở ngại. Đầu tiên, đó là việc củng cố các mối quan hệ đồng minh lâu năm trong khu vực. Trong 2 ngày 8 và 9/4, ông Ash Carter hội kiến với các quan chức cấp cao của Nhật Bản để thảo luận định hướng chiến lược quốc phòng và một số vấn đề khác.
Còn tại Seoul, các quan chức cấp cao của Chính phủ Hàn Quốc sẽ nhận được một lời tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh của Hàn Quốc. Hội nghị an ninh Shangri-La cũng là cơ hội để Mỹ gắn kết với Singapore và những đối tác khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương…
Tiếp đó, như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nói, điều quan trọng nhất là phải đạt được Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) để duy trì sức ảnh hưởng của Mỹ và sự ổn định của khu vực.
Ông Ash Carter nói: “TPP sẽ thắt chặt quan hệ với các đồng minh và các đối tác của Mỹ và nhấn mạnh cam kết lâu dài của chúng ta đối với châu Á - Thái Bình Dương. Việc thông qua TPP cũng quan trọng như việc sở hữu thêm một hàng không mẫu hạm”.
Cảnh báo rằng “thời gian sắp hết cho TPP”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi Quốc hội sớm giao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama quyền xúc tiến dự luật này.
Được biết, 12 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã cố gắng rất nhiều để chốt lại quá trình đàm phán TPP, song vẫn gặp trục trặc từ phía Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc lại đang giành được thế mạnh trong việc chiếm lĩnh thị trường kinh tế-tài chính và gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này khi có tới 35 quốc gia, gồm nhiều đồng minh chiến lược của Mỹ tuyên bố gia nhập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do nước này khởi xướng.
Theo: Công an Nhân dân