|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người chụp ảnh chỉ dùng máy ảnh để ghi hình, còn việc tạo hiệu ứng phải phụ thuộc vào phần mềm như Photoshop. Nhưng để thành thạo những ứng dụng chuyên nghiệp này không phải dễ. Cách thay thế dễ hơn là sử dụng phần mềm trên điện thoại, nhưng chúng chưa chắc sẽ đảm bảo hình ảnh xuất ra đúng ý nhất, và nó cũng không an toàn khi có thể thu thập dữ liệu người dùng.
Tuy nhiên, vẫn có cách để không cần dùng phần mềm mà vẫn cho ra bức ảnh với hiệu ứng đẹp. Dưới đây là những gợi ý:
1. Dùng túi nilon
Để tạo hiệu ứng làm mờ xung quanh, có thể dùng túi nilon bọc một phần ống kính, chỉ để hở một khoảng nhất định ở giữa. Nếu cần nhiều màu sắc hơn, có thể dùng giấy nilon nhiều màu, hoặc dùng bút màu vẽ lên đó tùy theo sở thích.
2. Dùng máy tính bảng
Người chụp có thể tạo hiệu ứng nền cho vật thể cần chụp bằng cách đưa máy tính bảng, trên đó có hiển thị hình ảnh theo chủ ý, ra đằng sau. Đồng thời, đặt tốc độ màn trập máy ảnh cao, ISO thấp và khẩu độ lớn. Ví dụ như trong video trên, hình ảnh có tốc độ chụp 8 giây, ISO 100 và khẩu độ f14.
3. Dùng tất chân (loại mỏng) của phụ nữ
Tất chân loại mỏng, cắt một miếng đủ lớn để bao trùm ống kính máy ảnh. Tuy nhiên, để bảo vệ ống kính cũng như để có hiệu ứng đẹp hơn, người dùng nên gắn thêm lens hood và dùng tất chân bao trùm bộ phận này.
4. Dùng lửa
Lửa được tạo ra từ đèn bình xịt lửa cũng là cách để tạo hiệu ứng giúp bức ảnh chân thực hơn. Bằng cách cầm bình xịt và để khoảng cách hợp lý với người và với máy ảnh, bạn có thể chụp cho mình một bức ảnh chân thực nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng đống lửa đang cháy để chụp.
5. Dùng mỹ phẩm
Có thể dùng mỹ phẩm để tạo hiệu ứng, nhưng thay vì thoa trực tiếp vào ống kính, người dụng nên chọn filter. Điều này vừa giúp bảo vệ ống kính khỏi hỏng hóc, lại giúp vệ sinh tốt hơn sau khi sử dụng. Cách làm này cũng giúp bức ảnh trở nên "huyền ảo" hơn rất nhiều.
6. Dùng gương soi
Gương soi có thể trở thành một tấm hắt sáng, kết hợp với khả năng sáng tạo của nhiếp ảnh gia hoàn toàn có thể giúp hình ảnh trở nên độc đáo hơn. Tuy nhiên, cách này không nên áp dụng dưới trời nắng to, hoặc áp dụng hợp lý bởi ánh nắng có thể gây tổn hại đến mắt.
7. Dùng kính hàn
Nếu có kính chống chói mắt dành cho thợ hàn, có thể dùng nó đặt trước ống kính máy ảnh để tạo hiệu ứng. Đây là một trong những thủ thuật được nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng.
8. Đèn flash
Đèn flash rời mặc định không có hắt sáng, buộc người chụp phải xoay bộ phận này sao cho ánh sáng lấy được hợp lý nhất. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng hộp nhựa tạo ra thiết bị hắt sáng, mục đích cho ánh sáng tỏa ra đều hơn, giúp bức ảnh nhận được nhiều sáng hơn nhưng không làm "chói lóa" ảnh.
9. Quả cầu thủy tinh
Thông qua quả cầu thủy tinh, ảnh sẽ cho hiệu ứng ngược khá đẹp mắt. Người chụp có thể kết hợp nhiều quả cầu với kích thước khác nhau để hình ảnh chụp được ấn tượng hơn.
10. Chụp bokeh với nhiều hình thù khác nhau
Bokeh là khái niệm ám chỉ về một vùng bị mờ hay nói cách khác là nằm ngoài vùng nét, và các nguồn hoặc điểm sáng sẽ tạo ra hình thù đặc biệt, thú vị, tạo điểm nhấn khác biệt cho bức hình. Thông thường, khi chụp bokeh, hiệu ứng đằng sau là hình tròn. Nhưng người chụp hoàn toàn có thể tạo ra nhiều hình thù khác nhau, chỉ cần sử dụng một tấm bìa đủ dày, cắt phần trong thành những hình thù ưa thích rồi dán lên phía trước ống kính. Cuối cùng, chỉ cần đưa máy ảnh lên, chụp và xem kết quả có được.
Theo VnExpress